Gà lông màu VBT1, hứa hẹn nhiều đặc tính ưu việt
Các cơ sở sản xuất giống gia cầm tại miền Bắc, đặc biệt là vùng chăn nuôi gà thả vườn nổi tiếng như Yên Thế (Bắc Giang), Phú Bình (Thái Nguyên); Chí Linh (Hải Dương)... không lạ gì với các giống gà bố mẹ có nguồn gốc từ giống gà Lương Phượng.
Bởi gà Lương Phượng luôn được các nhà chăn nuôi sử dụng làm mái nền để lai tạo với một số giống gà bản địa như: gà Ri, Mía, Hồ, Đông Tảo, gà chọi để cho ra các sản phẩm gà lai thương phẩm. Con lai tạo ra có màu sắc đẹp, chất lượng thịt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy vậy, thực tế hiện nay nước ta là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, trái đất ngày một nóng lên; đặc biệt mùa hè nền nhiệt độ cao, gây bất lợi đến ngành chăn nuôi, nhất là nuôi gà sinh sản.
Mặt khác gà Lương Phượnng còn một số hạn chế như, năng suất trứng/mái/72 tuần tuổi thấp (160-165 quả), tiêu tốn thức ăn/10 trứng cao (2.6 - 2.8kg), lớp mỡ dưới da dày nên khả năng chống chịu nóng kém, làm giảm năng suất trứng...
Trung tâm Thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi đã nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo thành công gà VBT1 được sử dụng làm mái nền lai với một số giống gà bản địa với nhiều tính năng ưu việt, được đánh giá là sản phẩm mới có tiềm năng và lợi thế về chất lượng thịt và năng suất trứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gà thịt lông màu chất lượng cao.
Đây là một công trình nghiên cứu khoa học về lai tạo giống gà có năng suất, chất lượng cao tạo vật nuôi chủ lực trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân cũng như định hướng, sử dụng và phát triển hiệu quả nguồn gen gà VBT1 tại Việt Nam.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Mười, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi cho biết, gà VBT1 có nhiều ưu điểm vượt trội đó là năng suất trứng cao đạt 175 - 180 quả/mái/72 tuần tuổi , tăng hơn 10 - 12% so với gà Lương Phượng; tiêu tốn thức ăn/10 trứng thấp (2,4 - 2,5 kg). Tỉ lệ ấp nở gà loại 1 đạt trên 80%.
Kết quả mổ khảo sát cho thấy tỉ lệ mỡ bụng của VBT1 đến 12 tuần tuổi thấp (đạt 1,88%) trong khi đó tỷ lệ mỡ bụng của gà Lương Phượng là 3,27% nên khả năng chống chịu nóng của gà VBT1 tốt hơn một số giống gà lông màu khác.
Đánh giá về giống gà lai thương phẩm mang 50% máu VBT1, anh Mẫn Xuân Công, một chủ hộ chuyên ấp trứng, bán giống gà con tại phố Hoa, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang nhận xét, anh đang thu mua trứng VBT1 cao hơn trứng Lương Phượng từ 300 - 500 đồng/quả. Phần lớn người dân nuôi gà chuyên nghiệp hiện nay chuộng con VBT1 thương phẩm hơn con Lương Phượng.
Đặc biệt, qua thực tế sản xuất, gà VBT1 nuôi sinh sản có khả năng chịu nóng rất tốt, nhiệt độ chuồng nuôi 36 - 37 độ C thể trạng gà vẫn bình thường, trong khi đó một số giống gà như gà Lương Phượng có biểu hiện chết nóng và giảm đẻ khá cao, gây thiệt hại về kinh tế.
Với sự biến đổi khí hậu, nhiệt độ môi trường ngày càng tăng cao thì việc chọn gà VBT1 nuôi sinh sản là một trong những lựa chọn thông minh.
Dự kiến năm 2016, mỗi tháng Trung tâm Thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi sẽ cung cấp ra thị trường trên 20.000 gà mái VBT1 01 ngày tuổi để sử dụng làm mái nền.
Sản phẩm gà VBT1 đang được các hộ, trang trại nuôi gà bố mẹ sản xuất trứng giống quan tâm và đánh giá cao bởi năng suất trứng và tỷ lệ ấp nở cao, khả năng chịu nóng tốt mà vẫn giữ được các đặc điểm quý của gà Lương Phượng.
Sản phẩm con lai giữa VBT1 với các giống gà nội truyền thống như gà ri, Mía, Hồ, Đông Tảo, chọi… có bộ lông đẹp, chất lượng thịt thơm ngon được thị trường chấp nhận.
Là một trong những hộ đầu tiên nuôi giống gà bố mẹ VBT1, anh Phan Trần Xuân ở phường Cộng Hòa, TX Chí Linh, Hải Dương chia sẻ: “Nhà tôi chăn nuôi gà sinh sản nhiều năm rồi. Những năm trước gặp nhiều khó khăn, thời tiết nắng nóng, xử lý không được tốt nên gà giảm đẻ từ 30 - 50%, thậm chí là sốc nhiệt làm gà chết. Song từ 2 năm nay nuôi gà VBT1 thấy chúng chịu nóng tốt hơn hẳn, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Độ tiêu tốn thức ăn của VBT1 là 1,1 - 1,2 lạng/ngày, trong khi con Lương Phượng là 1,4 - 1,5 lạng/ ngày.
Hơn nữa, gà VBT1 cũng rất dễ nuôi, độ đồng đều cao, kháng bệnh tốt hơn so với các giống gà khác. Giá trứng gà VBT1 hiện 3.200 đ/quả, nuôi 1.000 con, thu nhập khoảng 1 triệu/ngày”.
Related news
Theo Sở NN&PTNT, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu có 500ha nuôi Artemia, năng suất đạt 100kg/ha, tổng sản lượng đạt hơn 50 tấn/năm, giá trị sản xuất khoảng 55 tỷ đồng; lợi nhuận là 27,5 tỷ đồng.
Tránh ghép giống vào buổi sáng sớm. Cắt bỏ ngọn gốc ghép trước ghép giống 10 - 15 ngày. Bấm ngọn hoặc khoanh đứt vỏ cành trước khi lấy mắt ghép 5 - 7 ngày…
Không có đất sản xuất, anh Trần Dũng Quốc, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã mượn đất dự án đầu tư trồng hoa súng, mỗi tháng bỏ túi 10 triệu đồng.