Gà đồi Yên Thế - sản phẩm mang thương hiệu độc quyền
Ưu tiên giống gà chất lượng
Gà đồi Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho giống gà ri lai và mía lai. Tuy nhiên, hiện giống gà được người dân chăn thả vẫn chưa thuần nhất. Để giữ vững thương hiệu, khẳng định độc quyền sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, những năm qua, nhiều chương trình, dự án lai tạo, cải tạo giống gà được thực hiện. Tiêu biểu như đề án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo hướng VietGAHP giai đoạn 2013-2015” do UBND huyện làm chủ đầu tư thực hiện tại các xã: Tam Tiến, Đồng Tâm, Đồng Kỳ.
100 hộ dân nuôi gà thương phẩm và ba hộ ấp nở giống tham gia được Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) cung cấp giống và hướng dẫn chăm sóc. Các giống gà chất lượng đưa vào sản xuất theo phương pháp an toàn sinh học là ri lai, mía lai và lai chọi. Ngoài các hộ tham gia dự án, nhiều hộ dân được học cách chăn nuôi mới, sử dụng giống gà mới cho sản xuất đại trà.
Gà đồi Yên Thế thương phẩm.
Sau hai năm triển khai đến nay, chất lượng đàn gà giống của huyện từng bước nâng cao. Tỷ lệ đàn gà ri lai đạt 35- 40%, mía lai 45%, lai chọi 5-10%. Hiện nay, lượng gà giống được sản xuất tại chỗ chiếm khoảng 50% nhu cầu. Giá gà thương phẩm chăn nuôi an toàn sinh học và giống mới cao hơn so với chăn nuôi thông thường từ 5-7 nghìn đồng/kg. Đề án góp phần bảo vệ và nâng cao thương hiệu gà đồi Yên Thế.
Theo ông Lê Văn Hậu, cán bộ thú y xã Đồng Kỳ, xã có khoảng 100 hộ nuôi gà với giống chủ lực là ri lai, mía lai và lai chọi. Bình quân mỗi hộ nuôi quy mô từ 500 đến 1 nghìn con/lứa. Hầu hết các cơ sở ấp nở giống chuyển sang kinh doanh loại con giống này. Người dân nhận thấy đây là giống gà được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành cao nên thay đàn, sử dụng giống mới. Tìm hiểu tại xã Canh Nậu, nơi có nhiều hộ dân chăn nuôi gia cầm lớn nhất huyện cho thấy, phần lớn các chủ hộ chuyển sang nuôi gà ri lai. Đây là giống gà có trọng lượng vừa phải, chất lượng thịt thơm ngon, giá cao, dễ bán. Hộ nuôi thu lãi khoảng 20 triệu đồng/1 nghìn con. Cùng đó, các đề án như: Hỗ trợ chăn nuôi gà an toàn sinh học; chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững; nâng cao chất lượng giống gà Yên Thế… đã và đang thực hiện nhằm tạo ra cơ cấu đàn, giống gà hợp lý, hiệu quả.
Hỗ trợ sản xuất và sử dụng giống tốt
Hằng năm, tổng đàn gà của huyện Yên Thế dao động ở mức 4 triệu con, giá trị sản xuất đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, có hàng nghìn hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại. Để tiếp tục giữ vững thương hiệu, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, sở, ngành chuyên môn tập trung thực hiện tốt một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững về quản lý chất lượng đàn vật nuôi; phát triển thị trường tiêu thụ gà an toàn và kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép. Trong đó đặc biệt quan tâm tạo giống gà đặc trưng của Yên Thế và xây dựng cơ cấu đàn hợp lý.
Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) hỗ trợ gia đình anh Hoàng Sỹ Dần, thôn Giếng Chảnh (xã Đồng Kỳ) sản xuất gà giống.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ký kết với Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về thực hiện đề án “Phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chỉ đạo duy trì quy mô đàn phù hợp, tăng tỷ lệ giống gà chất lượng cao trong cơ cấu chăn nuôi, chuyển giao công nghệ ấp nở và kỹ thuật nuôi gà bố mẹ giống ri lai theo phương pháp tiên tiến cho Hợp tác xã sản xuất giống gà đồi Yên Thế. Từ nay đến năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Chăn nuôi và Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tiếp tục nghiên cứu, lai tạo con giống mang đặc trưng riêng của thương hiệu gà đồi Yên Thế.
Cùng với các chương trình, đề án của tỉnh, theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, để giữ vững và phát huy nhãn hiệu hàng hóa tập thể của sản phẩm gà đồi Yên Thế, thời gian tới, huyện xác định đưa giống gà ri lai thành chủ lực trong tổng đàn, mở rộng việc áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và VietGAHP. Thực hiện mục tiêu này, hằng năm, UBND huyện trích gần 1 tỷ đồng hỗ trợ nông dân mua con giống, thuốc thú y, xây dựng chuồng trại; chi trả phụ cấp cho cán bộ thú y thôn, bản.
Bên cạnh đó, huyện có chính sách ưu đãi về vốn và mặt bằng cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở ấp nở con giống gà chất lượng, thức ăn chăn nuôi, giết mổ tập trung trên địa bàn với quy mô sản xuất từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Tại các xã có chính sách hỗ trợ vắc xin phòng bệnh và mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi giống gà chủ lực của huyện cho người dân. Nhiều xã đã vận động thành lập các tổ liên kết để thuận tiện việc ứng dụng KHKT và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế.
Related news
Năm qua, truyền thông có nhiều sự kiện trái chiều. Ai chuyên đọc mạng không thể không bức xúc, truyền thông chính thống cũng đôi khi không phản ánh đúng tâm thế xã hội... chỉ đến khi đọc loạt bài trong Cuộc thi viết “Tự hào nông dân Việt Nam”, tôi mới thấy yên lòng lại, mới thấy phấn chấn.
Nghệ An đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp là một mục tiêu cốt lõi đáp ứng hội nhập TPP. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chọn các đối tượng chủ lực để đầu tư là những giải pháp chọn lọc mà Nghệ An đang hướng tới.
Từ năm 2009, Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm, lúa giai đoạn 2009 - 2015 (Đề án tôm lúa) được tỉnh triển khai thực hiện. Chặng đường hơn 7 năm qua với nhiều khó khăn, vướng mắc, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kết quả đạt được khá khả quan.