EEU mở cơ hội mới cho cá tra An Giang
Cơ hội
Khoảng 1 tháng trước, giá cá tra rớt xuống dưới giá thành sản xuất (19.500 đồng/kg) đã làm cho nhiều ngư dân lẫn DN lo lắng. Trong bối cảnh đó, thông tin EEU được ký kết như luồng gió mới đối với ngành công nghiệp cá tra tại ĐBSCL. Hiệp định thương mại này mở ra triển vọng lớn về thị trường tiêu thụ cá cho ngư dân lẫn DN. “Ăn theo” sự kiện này, giá cá tra trong tỉnh hiện đã nhích lên mức 20.500 đồng/kg.
6 tháng đầu năm 2015, An Giang chỉ xuất được 55.600 tấn cá tra, tương đương 128,4 triệu USD, giảm 20,8% về lượng và 22,1% về giá trị so cùng kỳ. Giá xuất bình quân hiện nay 2.224 USD/tấn, giảm khoảng 45 USD/tấn so cùng kỳ. “Việc Chính phủ ký kết EEU có một ý nghĩa hết sức to lớn. Hy vọng, hiệp định này sẽ ra một cơ hội thực sự cho ngành cá tra trong thời gian tới” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) Lê Trung Dũng nhận định.
5 nước thành viên EEU, gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Đây là thị trường lớn có dân số trên 175 triệu người, với tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD. EEU tuy là một tổ chức kinh tế mới thành lập nhưng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ, hướng đến một không gian kinh tế thống nhất.
Khi hiệp định EEU có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều sẽ đạt 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020, tăng gấp 3 lần hiện nay. “Xuất khẩu cá tra sang các nước này thì ngay tại Việt Nam, các DN được hưởng thuế suất 0%. Khi hiệp định EEU được ký kết, các nhà nhập khẩu cũng được hưởng thuế nhập khẩu 0%, kích thích họ nhập cá nhiều hơn” – ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An, phân tích.
Thách thức
“Nông dân nuôi cá chúng tôi đang chờ đợi đến ngày hiệp định có hiệu lực để xem các nhà nhập khẩu đưa ra quy trình nuôi như thế nào để đáp ứng. Mục đích cuối cùng là làm sao bán được sản phẩm vào được thị trường này” – ông Trần Văn On, xã Hòa Lạc (Phú Tân), hy vọng.
Từ năm 2002, Công ty Cổ phần Nam Việt là DN đầu tiên trong cả nước mở thị trường Nga. Tuy nhiên đến năm 2008, Nam Việt đành rời khỏi thị trường này bởi tính kém minh bạch trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại nhà máy do các cơ quan chức năng của Nga sang Việt Nam thực hiện.
“Thực tế trong thời gian qua, khi DN xuất hàng vào Nga, các nhà nhập khẩu yêu cầu về chất lượng sản phẩm tương đối cao nhưng quy trình thì không minh bạch nên rất khó thực hiện, dễ xảy ra rủi ro. Thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán, gây rất nhiều trở ngại khi hàng xuất khẩu sang thị trường khu vực này” - TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ.
Cơ hội từ EEU thì nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ. Cụ thể, đồng Rúp (đồng quốc nội) đang bị rớt giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, gây trở ngại lớn cho việc thanh toán các hợp đồng ngoại thương. Đường vận chuyển xa, cước tàu cũng là một trở ngại lớn cho xuất khẩu vào khối thị trường này.
Điểm cần lưu ý khi DN làm hàng để xuất vào thị trường EEU là phải chú trọng về chất lượng, bởi người tiêu dùng rất cần sản phẩm tốt và đạt chất lượng về ATVSTP, chứ không ai chấp nhận sản phẩm kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính liên kết giữa các DN để tránh tình trạng bán phá giá lẫn nhau, có vậy thì EEU mới thực sự là một cơ hội lớn cho các DN xuất hàng vào khối thị trường có đến 175 triệu dân này.
Khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam phải mở cửa thị trường trong nước cho khoảng 90% các sản phẩm đến từ các nước EEU, đặc biệt là các sản phẩm mà khu vực này có thế mạnh như chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Chính điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh đáng kể cho các ngành sản xuất trong nước, trong đó có ngành chăn nuôi gia súc ở An Giang. Do vậy, nông dân và DN cần có bước chuẩn bị nhằm tăng sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại.
Related news
Sau một thời gian dài cá tra giống sụt giảm, thì hiện đã tăng mạnh trở lại từ 2.000-3.000 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tháng 10.
Mô hình nuôi cá trắm đen đã được các hộ trong tỉnh Nam Định đưa vào nuôi thử nghiệm từ năm 2008. Các hộ nuôi thường cho cá trắm đen, chủ yếu đối với loại cá có trọng lượng trên 1 kg ăn ốc bươu vàng và dắt biển. Cá chỉ ăn ruột ốc, ruột dắt biển, còn lại thải ra môi trường nên lượng vỏ ốc, vỏ dắt biển tồn dư trong ao nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường nước, khiến cá chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Các hộ nuôi cá trắm đen ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) những năm qua đều lao đao vì gần như năm nào cá trắm đen cũng bị dịch bệnh.
Sau những đợt rét đậm kéo dài khiến nhiều hécta caosu bị chết, Hà Giang quyết định tạm dừng triển khai chương trình trồng loại cây này.
Chiều 9.4, ông Đỗ Kim Đồng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đông Hòa (Phú Yên) - cho biết, hiện đã có 80% diện tích trong tổng số 504 ha ao hồ ở hạ lưu sông Bàn Thạch thả nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại.
UBND tỉnh Hải Dương vừa phê duyệt Dự án “Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng sản xuất tập trung đối với các cây vải, ổi, na tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015”.