Dứa Tân Phước Lập Đỉnh Giá Mới
Mấy ngày nay nông dân trống dứa vùng đất phèn Tân Phước (Tiền Giang) vô cùng phấn khởi vì giá dứa đang nằm ở mức cao “kỷ lục” từ trước tới nay. Hiện nay, giá dứa được các thương lái đến tận vườn thu mua với mức giá 3.800 - 4.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với tuần trước.
Bà Đặng Thị Tám, nông dân trồng dứa ở ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, hiện nay các thương lái đến tận vườn dứa của nông dân thu mua với dứa loại I (những trái dứa cân đối, màu sắc đẹp, trọng lượng trên 1kg/trái) với giá 4.300 đồng/kg, dứa loại II (trọng lượng 0,8-1 kg/trái) cũng có giá 3.800 đồng/kg. Đối với trường hợp bán dứa xô (cân không phân biệt lớn nhỏ) cũng có giá tới 4.000 đồng/kg.
“Tính ra giá dứa các loại trên thị trường hiện nay đã tăng 300 đồng/kg so với tuần trước, còn nếu so với tháng trước đã tăng tới 1.000 đồng/kg. Giá dứa được các thương lái đang thu mua là mức giá cao nhất từ trước đến nay mà nông dân trồng dứa ở địa phương này bán được. Đặc biệt, hiện nay thương lái mua dứa không yêu cầu chặt đầu chặt cùi như trước đây nên nông dân trồng dứa có lợi về sản lượng so với mấy tháng trước”- bà Tám cho biết thêm.
Theo nhiều nông dân trồng dứa ở huyện Tân Phước, giá dứa cao nhất từ trước tới nay là do mùa dứa chính vụ năm nay kết thúc trễ so với năm ngoái. Hiện nay dứa đang trong giai đoạn xử lý cho trái đồng loạt vụ nghịch nên sản lượng dứa cung cấp cho thị trường rất hạn chế, trong khi nhu cầu thị trường có xu hướng tăng. Mặt khác, thông tin không đúng về việc sử dụng thuốc tăng trọng trên cây dứa cũng đã được cơ quan chức năng làm rõ nên người tiêu dùng đã tin dùng dứa Tân Phước, từ đó nhu cầu thị trường đã ổn định trở lại.
Ông Lê Thành Tâm, nông dân trồng dứa ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, mỗi năm dứa có thể cho thu hoạch 3 - 4 lần tùy thuộc vào cách xử lý của từng nông hộ với năng suất dứa đạt bình quân 15 tấn/ha. Hiện nay, giá thành sản xuất mỗi kí lô gam dứa bao gồm chi phí chăm sóc, phân bón, xử lý khí đá, công cắt… khoảng 2.300 đồng/kg, tính ra mỗi kí lô gam dứa nông dân còn lãi bình quân 1.700 đồng/kg (tương đương 25 triệu đồng/ha). Thông thường mỗi nông dân trồng dứa ở vùng đất phèn Tân Phước có 4-5 hecta, thậm chí có nông dân có trên dưới 20 hecta dứa nên lợi nhuận có thể đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Do hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, từ lâu cây dứa đã được tỉnh xác định là cây ăn trái chính để phát triển kinh tế ở vùng đất phèn Tân Phước và đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý, do vậy diện tích trồng dứa ở khu vực này đã gia tăng theo từng năm.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của bà con trồng dứa là khi vào mùa thu hoạch rộ thì giá dứa rất thấp, khó tiêu thụ, trong khi người trồng dứa không thể trữ dứa lại để chờ giá như đối với hạt lúa. Vì vậy, nhiều bà con trồng dứa Tân Phước mong muốn tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư đối với ngành chế biến rau quả, đặc biệt là trái dứa để tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho trái dứa Tân Phước.
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Phước (Tiền Giang), toàn huyện hiện có 14.800 ha dứa, tập trung nhiều nhất ở các xã Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2 và Phước Lập với sản lượng dứa cung cấp cho thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu hàng năm khoảng 250 ngàn tấn.
Related news
Ông Nguyễn Minh Thơ có thâm niên hơn 20 năm nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) cho biết: "Nuôi tôm trải bạt vốn đầu tư ban đầu gấp 3 lần so với nuôi tôm trên ao đất nhưng mang lại lợi nhuận cao, bởi tôm ít bị dịch bệnh và người nuôi có thể thu cả vốn lẫn lời chỉ sau 1 - 2 vụ. Hiện hầu hết bà con nơi đây đã chuyển sang nuôi tôm trải bạt.
Ở Sa Pa hiện nay, số người làm nghề nuôi cá hồi đã lên đến con số vài chục, nhưng người biết nuôi cá và làm cho du khách đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác thì chỉ có Nguyễn Trung Hưng.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800.000ha cao su nhưng đến hết năm 2012, tổng diện tích cao su cả nước đã là 915.000ha, vượt hơn 100.000 ha (13%).
Từ đầu năm đến nay, do lượng mưa thấp, nắng nóng gay gắt kéo dài, nên hầu hết các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Định bị khô kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS). Hiện nay, diện tích nuôi cá nước ngọt bị thu hẹp đáng kể, tình hình dịch bệnh tôm nuôi có nguy cơ bùng phát.
Vụ mùa năm nay, Trạm khuyến nông huyện Thanh Sơn đã đưa vào thử nghiệm cấy mạ ném theo phương pháp gieo mạ khay (hay còn gọi là cấy đứng) diện tích 0,5ha tại khu Bần, xã Võ Miếu với giống lúa lai 3 dòng CT 16. Ưu điểm của phương pháp gieo mạ khay cấy ném là đơn giản, dễ làm, có thể áp dụng trên mọi chân ruộng, trong mọi điều kiện.