Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dưa hấu ế vì thông tin thị trường mù mờ!

Dưa hấu ế vì thông tin thị trường mù mờ!
Publish date: Tuesday. April 21st, 2015

Câu chuyện về dưa hấu một lần nữa lại được đặt ra cho lãnh đạo Bộ Công Thương. Các phóng viên nêu với Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ mỗi câu hỏi: “Liệu bây giờ tiêu thụ nông sản phải trông chờ vào lòng trắc ẩn của người dân?”.

Nông sản “ế” vì thông tin mù mờ

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi rất hiểu mong muốn của người nông dân là thấy được vai trò của Nhà nước mạnh hơn nữa để giải quyết được tận gốc vấn đề tiêu thụ nông sản. Đây là vấn đề lớn liên quan đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp".

Nhìn dưới góc độ thị trường thì hiện tượng dưa hấu ế là do cung vượt quá cầu. Nhưng câu chuyện này đã nhiều lần xảy ra khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi tại sao việc mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu lại có thể tái diễn định kỳ?

Câu chuyện về dưa hấu được Thứ trưởng Trần Tuấn Anh trần tình: “Ngay từ đầu năm 2014 chúng tôi đã có văn bản tới các địa phương cảnh báo về vụ dưa hấu năm nay. Chúng tôi cũng đề nghị các Sở Công Thương hướng dẫn cho người dân về quy cách và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu hàng xuất khẩu…”

Tuy nhiên, do sức hút của thị trường, hơn nữa, dưa hấu lại là loại dễ canh tác nên việc tổ chức sản xuất của người dân vẫn mang tính tự phát. Thực tế khi những xe dưa hấu chở lên cửa khẩu để thông quan từ phía Việt Nam chỉ mất 1, 2 phút qua biên giới. Nhưng để phía bạn kiểm định chất lượng và nhập hàng về thì phải mất vài tiếng đồng hồ mỗi xe. Với thời tiết này, dưa hấu không đảm bảo được quy chuẩn nhập khẩu nên nhiều xe hàng bị trả lại.

Một nguyên nhân nữa được Thứ trưởng Tuấn Anh nêu ra là trong khi năng lực sản xuất của chúng ta lớn như vậy nhưng thực tế chỉ có khoảng 10 đầu mối nhập hàng phía bạn. Những đầu mối nhập hàng tùy vào tín hiệu của thị trường bên họ, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng dưa hấu phải đảm bảo thì họ mới nhập. Những đầu mối nhập hàng cũng chỉ xem xét hàng hóa và mua bán khi các xe chở dưa đã thông quan qua biên giới, họ không nắm rõ được việc sản xuất cũng như có thể thông tin về thị trường tiêu thụ cho người sản xuất.

Thông tin trong thời đại hiện nay không thể nói là khan hiếm và khó cập nhật. Nhưng sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản đều có tính thời vụ nhiều nên việc cập nhập không kịp thời khiến người sản xuất không nắm được tín hiệu của thị trường để chủ động điều tiết. Điều này gây tác hại lớn như chúng ta từng biết.

Trong những năm vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cố gắng đưa ra những quy hoạch chi tiết các tiểu vùng trồng cây gì, nuôi con gì. Nhưng, vì không nhận được những tín hiệu cụ thể từ thị trường nên nông dân vẫn mặc sức... phá quy hoạch. Rồi lại chính họ lại phải nếm trái đắng “được mùa mất giá”.

“Bài ca được mùa mất giá” này đã từng xảy ra từ cả những cây công nghiệp như cao su, rau củ, rồi đến hoa quả…

Doanh nghiệp chắp nối giữa thị trường và sản xuất

Theo quan điểm của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, việc nghiên cứu thị trường để định hình quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường là công việc của các cơ quan quản lý nhà nước.

Còn doanh nghiệp là thành phần quyết định trong câu chuyện thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Nhưng để nâng cao vai trò và năng lực của doanh nghiệp cũng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ban, ngành liên quan.

Điển hình như câu chuyện tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm ngoái: Trước vụ vải thiều, lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã cùng đến Bắc Giang để làm việc với tỉnh. Không những thế, lãnh đạo các Bộ này và tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động tìm kiếm và làm việc với nhiều đầu mối là các doanh nghiệp tiêu thụ lớn. Việc này đã giúp vụ vải thiều 2014 của Bắc Giang tuy đạt năng suất cao vượt bậc nhưng tiêu thụ được, thu về được hơn 1.600 tỷ đồng – con số chưa từng có trong các vụ vải trước.

Câu chuyện vải thiều Bắc Giang cho thấy khi có sự thúc đẩy mạnh mẽ của lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương thì doanh nghiệp cũng sẽ chủ động tham gia vào tiêu thụ nông sản hơn. Sự vào cuộc chủ động của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã giải được bài toán khó “được mùa mất giá” lâu nay. Đây cũng còn cho thấy kết quả của sự cập nhật và liền mạch thông tin từ sản xuất đến thị trường; nhờ đó người nông dân đã thực sự được hưởng lợi từ sản xuất.

Trong những thời khắc cuối cùng trước thềm của việc hội nhập toàn diện và sâu rộng, doanh nghiệp đòi hỏi phải có kiến thức về hội nhập, nắm được các luật thương mại, hàng rào thuế quan và cả các rào cản kỹ thuật của các thị trường đối tác… Tuy nhiên, tốc độ của hội nhập sẽ không có thời gian và cơ hội để mỗi vụ cây, trái, nông sản lại có những chiến dịch tiêu thụ như đối với vải thiều Bắc Giang năm 2014.

Nhìn vào câu chuyện về tiêu thụ nông sản hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước chính là những người kết nối chính sách sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam với chính sách kinh tế của các nước nhập khẩu. Nhưng, để có hiệu quả thương mại thực sự thì doanh nghiệp mới là người chắp mối giữa tín hiệu thị trường và sản xuất nông nghiệp trong nước.


Related news

Tiêu Chuẩn Mới Của MSC Sẽ Được Ra Mắt Vào Tháng 10/2014 Tiêu Chuẩn Mới Của MSC Sẽ Được Ra Mắt Vào Tháng 10/2014

Hội đồng Quản lý Biển (MSC) hiện đang tiến hành nốt các công việc xem xét lại các tiêu chuẩn thủy sản của mình trong 2 tháng cuối cùng của quy trình đánh giá 2 năm một lần.

Saturday. September 27th, 2014
Phương Pháp Mới Phát Hiện Vi Khuẩn EMS Phương Pháp Mới Phát Hiện Vi Khuẩn EMS

Các nhà nghiên cứu Thái Lan mới phát triển một phương pháp mới nhằm phát hiện vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), hay còn gọi là hội chứng chết sớm (EMS).

Saturday. September 27th, 2014
Greenpeace Kêu Gọi Các Siêu Thị Của Canada Bảo Vệ Đại Dương Greenpeace Kêu Gọi Các Siêu Thị Của Canada Bảo Vệ Đại Dương

Báo cáo của Tổ chức Greenpeace về tính bền vững của thủy sản trong các siêu thị của Canada đã kêu gọi các nhà bán lẻ phải hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ các đại dương.

Saturday. September 27th, 2014
Các Sản Phẩm ASC Xuất Hiện Ngày Càng Nhiều Tại Hà Lan Và Đức Các Sản Phẩm ASC Xuất Hiện Ngày Càng Nhiều Tại Hà Lan Và Đức

Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) cho biết các sản phẩm được chứng nhận bởi tổ chức này đang ngày càng được quan tâm nhiều tại thị trường Hà Lan và Đức.

Saturday. September 27th, 2014
Nâng Cao Tính Khả Thi Trong Việc Áp Dụng VietGAP Nâng Cao Tính Khả Thi Trong Việc Áp Dụng VietGAP

Tháng 7/2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký 02 Quyết định (Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS ban hành Quy phạm thực hành NTTS tốt; Quyết định số 1617/QĐ-BNN-TCTS ban hành Hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra, tôm sú và tôm chân trắng) nhằm cung cấp các thông tin chính thống liên quan đến VietGAP.

Saturday. September 27th, 2014