Dự án nông nghiệp công nghệ cao 3.000 tỷ đồng tại Thái Bình
Cuối tuần qua, UBND tỉnh Thái Bình cùng Tập đoàn TH đã tổ chức Lễ khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại địa bàn xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư cam kết lên tới 3.000 tỷ đồng. Đây được coi là dự án nông nghiệp lớn nhất tại các tỉnh miền Bắc đến thời điểm này…
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm quan gian hàng trưng bày các sản phẩm của Tập đoàn TH tại lễ khởi công vào ngày 24.2 tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: T.Q
Mỗi ha đầu tư 1 tỷ đồng
Dự án được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng TMCP Bắc Á và vận hành bởi Công ty CP Sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF) có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000ha, tương đương 1 tỷ đồng/ha. Trong đó diện tích sản xuất rau, củ quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000ha. Tập đoàn đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.
Điểm nhấn mới của Dự án là kết hợp sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Đây sẽ là dự án đầu tiên của Tập đoàn TH thiết kế theo chiến lược đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đưa tới tay người tiêu dùng những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái văn hóa, làng nghề trên nền tảng bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa, bản sắc của dân tộc; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng GDP cho ngành nông nghiệp....” Bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH
Về sản xuất, dự án sẽ tập trung áp dụng công nghệ mới nhất trong chọn tạo giống rau quả, giống lúa, chè và dược liệu chất lượng cao. Trước mắt Tập đoàn TH thực hiện thí điểm trên 30ha tại huyện Vũ Thư để trồng rau sạch, gạo sạch theo chuẩn Global GAP và tiếp theo là tiêu chuẩn organic (hữu cơ).
Bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH cho hay: “Lễ khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Thái Bình mở đầu một loạt dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn ở khu vực phía Bắc. Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình sẽ là điểm mẫu, là nơi nghiên cứu hoàn thiện mô hình, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, trang trại và cho hộ nông dân sản xuất nông sản mang thương hiệu Việt Nam”.
Hơn 5.000 lao động có việc làm
GS Trần Duy Quý – Viện trưởng Viện Nông nghiệp nghiệp hữu cơ, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho hay: “Với việc khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao lớn tại Thái Bình lần này, TH đặt kỳ vọng bước đầu sẽ tập trung vào sản xuất đạt trình độ thế giới các loại rau củ quả nhằm có được các sản phẩm hữu cơ 100% để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Bước tiếp theo chúng tôi sẽ sản xuất các giống lúa hưu cơ chất lượng cao theo tiêu chuẩn Global GAP và Euro GAP, đặc biệt là các giống lúa cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam như nếp rồng (xuất xứ Nghệ An), lúa thơm Thái Bình…”
Cũng theo ông Quý, khi dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH được khởi công và đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng trên 5.000 lao động địa phương với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Sau lễ khởi công, Tập đoàn TH đã huy động máy móc tiến hành làm đất tại khu vực dự án thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: T.Q
Ông Đinh Vĩnh Thụy - Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: “Toàn bộ diện tích đất của dự án được UBND các xã đứng ra thuê lại của nông dân. So với canh tác cũ, sản lượng nông dân thu hoạch được sau khi đã trừ các chi phí là 50 – 60kg/sào/vụ, Tập đoàn TH sẽ trả 120-150kg/sào/vụ”. Ông Thụy cũng cho biết, UBND tỉnh đã chủ động quy hoạch những khu đất liền, vùng liền thửa có diện tích lớn. Tại huyện Vũ Thư, chính quyền địa phương đã sẵn sàng bàn giao những khu đất nông nghiệp sạch liền vùng, liền thửa rộng 500 ha.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Tập đoàn TH đã tạo khởi đầu cho sự phát triển tương lai của Thái Bình, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, Tập đoàn TH phải phát huy kinh nghiệm để thực hiện thành công dự án, tạo ra một điểm bùng nổ mới về phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nhân rộng ra vùng, khu vực và cả nước.
Related news
Sau nhiều năm đi làm thuê vất vả, gần 2 năm qua nhờ nuôi vịt trời mà gia đình bà Nguyễn Thị Hai đã có cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu.
Do ảnh hưởng thời tiết, năng suất lúa đông xuân ở vùng ĐBSCL giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, do giá lúa tăng, người dân vẫn thu lợi khá.
Tập hợp những người trẻ yêu nông nghiệp, có trình độ, hợp tác xã Nông nghiệp số thuộc Liên minh HTX Việt Nam đang được kỳ vọng là lực lượng xây dựng hiện đại