Đột phá trong sản xuất giống nấm
Hạn chế của công nghệ cũ
Trong 10 năm trở lại đây, ngành SX nấm ăn, nấm dược liệu ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể, song vẫn chậm phát triển rất nhiều so với các nước trên thế giới do ít đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để SX.
Thực tế, công nghệ nhân và nuôi trồng nấm ở Việt Nam hiện chủ yếu sử dụng trên cơ chất rắn như trên môi trường thạch, mùn cưa, thóc, que sắn. Đây là phương pháp truyền thống, đơn giản, tuy được sử dụng một cách phổ biến nhưng lại có nhiều hạn chế.
Đó là thời gian nhân giống các cấp kéo dài, chất lượng không ổn định, tuổi giống không đồng nhất trong toàn bộ chai giống hay túi giống. Bên cạnh đó, phương pháp nhân giống trên cơ chất rắn gặp nhiều khó khăn trong việc SX giống với số lượng lớn do hệ số nhân giống thấp.
Hơn nữa, thao tác cấy chuyển giống khó tự động hóa, chịu nhiều tác động của yếu tố ngoại cảnh làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, qua đó việc kiểm soát đối với giống nấm cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, phương pháp này làm nguyên liệu nhân giống đắt, chi phí nhân công, chi phí khấu hao điện năng, nhà xưởng cao.
Trong những năm qua, Trung tâm CNSH thực vật đã bước đầu nghiên cứu, tuyển chọn và xây dựng các quy trình công nghệ nhân giống, nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu, song mới chỉ hoàn thiện được công nghệ nhân giống nấm trên cơ chất rắn.
Từ năm 2009 cho đến nay, trung tâm đã tiến hành nghiên cứu nhân giống nấm dạng dịch thể quy mô thí nghiệm (200 ml đến 100 lít) thử nghiệm trên một số giống cho kết quả, thời gian nuôi giống ngắn hơn so với công nghệ nhân giống truyền thống, song tỷ lệ nhiễm bệnh vẫn còn cao (chiếm trên 30%), khả năng ra quả thể là 100%.
Các nghiên cứu này mới dừng lại ở mức độ thăm dò và những kết quả bước đầu vẫn chưa được áp dụng vào việc SX giống và nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu.
Trước đòi hỏi của thực tế khi nấm trở thành một trong những sản phẩm Quốc gia, đầu năm 2012 Trung tâm CNSH thực vật bắt tay vào thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nhân giống dạng dịch thể để SX nấm ăn và nấm dược liệu”.
Mục tiêu của Đề tài là xây dựng được quy trình công nghệ nhân giống, sử dụng giống nấm ăn, nấm dược liệu dạng dịch thể phục vụ SX giống nấm thương phẩm và nuôi trồng 7 loại nấm gồm: linh chi, nấm sò, nấm mỡ, kim châm, ngọc châm, đùi gà và nấm đầu khỉ trên qui mô công nghiệp đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Th.S Cồ Thị Thùy Vân, Trung tâm CNSH thực vật, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, sau 3 năm triển khai (2012-2014), đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể: Xây dựng được quy trình công nghệ nhân giống nấm dạng dịch thể các cấp trung gian (200 ml, 2.000 ml, 5.000 ml). Quy trình công nghệ nhân giống nấm thương phẩm (giống trên thóc luộc, que sắn, mùn cưa) sử dụng giống cấy chuyển dạng dịch thể. Quy trình công nghệ giống nấm dạng dịch thể trong hệ thống nồi lên men 120 lít đưa ra thử nghiệm nuôi trồng 7 loại nấm nói trên.
Sản phẩm của đề tài đã được đưa vào SX thử nghiệm trên 20 trang trại, DN nuôi trồng nấm và được đánh giá cao với một số ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với giống nấm SX theo phương pháp truyền thống.
Ưu việt của nhân giống dịch thể
Theo chia sẻ của Th.S Cồ Thị Thùy Vân, công nghệ nhân giống nấm lớn dạng dịch thể đang là hướng nghiên cứu được các nhà nghiên cứu nấm đặc biệt quan tâm vì giống nấm dạng dịch thể so với giống trên cơ chất tổng hợp dạng rắn có rất nhiều ưu điểm vượt trội.
Cụ thể, giống nấm dịch thể là loại giống được nuôi dưỡng trong môi trường lỏng, đảm bảo các điều kiện tối ưu về dinh dưỡng, nhiệt độ, độ thông thoáng, thời gian nuôi, khiến sợi nấm sinh trưởng mạnh trong môi trường dịch thể tầng sâu.
“Giống nấm dạng dịch thể có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với giống trên cơ chất tổng hợp dạng rắn, trong điều kiện thuận lợi thì nuôi sợi trong môi trường lỏng khoảng 3 - 5 ngày là có thể sử dụng được, khi cấy sang nguyên liệu nuôi trồng có thể rút ngắn được 1/2 - 2/3 thời gian ươm sợi. Tuổi giống đồng đều, chất lượng giống nấm ổn định. Sinh lực giống khỏe, khi cấy giống vào giá thể nuôi trồng sợi nấm khôi phục nhanh, khả năng hấp thụ dinh dưỡng và tốc độ lan sợi mạnh. Hơn nữa, giá thành SX giống theo phương pháp này thấp chỉ bằng 1/3 so với trên chất rắn”, Th.S Cồ Thị Thùy Vân. |
Công nghệ này cho phép thu được một lượng lớn sinh khối sợi nấm để làm giống cấp 1, giống cấp 2, đồng thời có thể trực tiếp làm giống nuôi trồng (giống cấp 3).
Công nghệ trên còn được áp dụng trong việc tách chiết sinh khối sợi nấm dùng để SX thuốc, gia vị, đồ uống… trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và dược phẩm.
Phương pháp lên men nuôi dưỡng tầng sâu (nhân giống dạng dịch thể) được ứng dụng SX các giống nấm ăn như nấm hương, sò tím, kim châm, nấm rơm, mộc nhĩ đen, nấm mỡ, trà tân và linh chi.
Công nghệ này khởi nguồn từ nước Mỹ, những năm gần đây, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức là những nước có ngành công nghiệp SX nấm ăn và nấm dược liệu rất phát triển cũng là nhờ áp dụng công nghệ nhân giống nấm lớn thuần khiết trong môi trường dịch thể.
Cùng với sự phát triển của KH-CN, nhân giống nấm lớn trong môi trường dịch thể ngày càng được hoàn thiện và được xây dựng thành quy trình chuẩn, ứng dụng khá phổ biến ở một số nước có ngành công nghiệp nuôi trồng nấm phát triển.
Hiện nay, có nhiều quy trình nhân giống nấm lớn dạng dịch thể khác nhau phụ thuộc vào quy mô SX, điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ công nghệ của từng nước.
Nghiên cứu và SX giống nấm dạng dịch thể trải qua nhiều năm không ngừng phát triển đã có được những thành tựu bước đầu, phổ biến và ứng dụng nhân giống nấm dịch thể quy mô công nghiệp hóa để SX nấm ăn, nấm dược liệu mang lại hiệu quả rõ rệt vì có thể giảm giá thành SX và nâng cao chất lượng sản phẩm...
Th.S Cồ Thị Thùy Vân nhấn mạnh, triển vọng của công nghệ giống nấm dạng dịch thể đối với các đơn vị SX giống nấm, ứng dụng kết hợp “giống rắn - lỏng” trong SX giống nấm ăn bởi nó không những phát huy được thế mạnh là rút ngắn thời gian sinh trưởng, giá thành SX thấp, độ thuần cao, chất lượng tốt, tỷ lệ nhiễm thấp mà còn là tiền đề cho phát triển SX giống nuôi trồng nấm theo quy mô công nghiệp với số lượng rất lớn.
Related news
Mặc dù sản lượng có giảm hơn so với năm ngoái nhưng hiện nay giá bưởi lại cao hơn gần gấp đôi so với năm ngoái, nhất là trong dịp tết giá bưởi sẽ còn tăng cao nên các nhà vườn ở Bạch Đằng (Bình Dương) đang tất bật chăm sóc để chờ đón tết.
Năm 2013, Bình Thuận có dấu hiệu phục hồi sản xuất nuôi tôm nước lợ, người nuôi tôm được mùa, được giá và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, xác định được hướng phát triển rõ ràng đối với nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng đang ở vị trí “soán ngôi”.
Ngày 30-12, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiệp hội vừa tổ chức họp mặt gần 200 hộ chăn nuôi và các chủ trang trại trong tỉnh để cùng cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Cùng với đó, các hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh đúng cách. Sau hơn 3 tháng nuôi, đàn gà của các hộ đều có tỷ lệ sống gần 100%, phát triển nhanh, trọng lượng trung bình đạt 2 kg/ con.
Những năm gần đây, khi nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm, nhu cầu tiêu thụ ếch nuôi để làm thực phẩm tăng lên. Nhiều nông dân đã mở trại sản xuất ếch giống và nuôi ếch thịt để cung cấp cho thị trường. Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất này mang lại hiệu quả cao cho nông dân và có xu hướng ngày càng mở rộng.