Đột kích kho thức ăn chăn nuôi nghi có chất cấm

Ngày 26-11, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 389 (về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đã phối hợp cùng Đội 2 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM kiểm tra kho hàng bị niêm phong của Công ty TNHH Ti No (lô 26E, ô nhà xưởng số 3, đường số 7, KCN Tân Tạo, quận Bình Tân).
Nguyên liệu Trung Quốc hết “đát”
Đây là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có quy mô lớn, thương hiệu Tinomix, cung cấp cho nhiều trang trại nuôi heo ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Tiền Giang.
Những sản phẩm này là dòng thức ăn đậm đặc (premix tổng hợp), không cho heo ăn trực tiếp mà phối trộn với thức ăn chính theo tỉ lệ 40 kg Tinomix và 1.000 kg thức ăn.
Theo thành phần công bố trên bao bì thì nguyên liệu gồm: vitamin, nguyên tố vi lượng, men tiêu hóa, amino acid…
Tại hiện trường, hàng đống bao thức ăn thành phẩm hiệu Tinomix đã bị cơ quan công an và quản lý thị trường niêm phong với số lượng lên đến khoảng 200 tấn (5 loại sản phẩm).
Ngoài ra, trong khu vực sản xuất của công ty còn chứa khoảng 16 tấn nguyên liệu các loại, xuất xứ Trung Quốc đã hết hạn sử dụng.
Lý do tạm giữ ban đầu là toàn bộ số thành phẩm trên chưa có trong danh mục được phép lưu hành theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (5 sản phẩm).
Ngoài ra, Công ty TNHH Ti No chưa được cơ quan chức năng thẩm định điều kiện cơ sở, về nguyên tắc chưa được phép sản xuất và kinh doanh các mặt hàng trên.
Theo cán bộ công an thụ lý vụ việc, qua xác minh ban đầu, lực lượng chức năng nghi công ty này có sử dụng chất cấm nhóm beta-agonist trong sản phẩm.
Tuy nhiên, để có kết luận cuối cùng, phải chờ kết quả xét nghiệm từ cơ quan chuyên môn.
Qua khai thác ban đầu từ nhân viên Ti No cho thấy công ty này đã cho cả thuốc xổ lãi (còn thùng đựng trong khu vực sản xuất) như một “bí quyết” vào trong công thức thức ăn dù điều này không được phép.
Ông Trương Văn Minh, Phó Đội 2 PC46, cho biết việc kiểm tra được tiến hành ngày 25-11, phối hợp với cơ quan quản lý thị trường TP HCM và tiến hành đồng loạt tại 4 địa điểm thuộc Công ty TNHH Ti No và Công ty TNHH Minon (quận Bình Tân).
Cơ quan chức năng đã tạm giữ nhiều hàng hóa có nghi vấn để tiếp tục làm rõ.
Công ty TNHH Minon do bà Huỳnh Hữu Linh làm giám đốc, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhập khẩu các nguyên liệu từ Trung Quốc để Công ty TNHH Ti No sản xuất và phân phối ra thị trường.
Tung ra thị trường 100-120 tấn/tháng
Ông Nguyễn Đình Ngọc, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Ti No, cho biết ngay từ năm 2012, khi vấn đề chất tạo nạc “nóng” lên, công ty đã chủ động gửi bản cam kết không sử dụng chất cấm trong sản phẩm đến khách hàng.
“Không chỉ riêng nhóm beta-agonist, các chất khác chúng tôi cũng không sử dụng” - ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, ông Ngọc lại thừa nhận những cơ sở để doanh nghiệp đưa ra cam kết này không có giá trị về pháp luật và không được cơ quan chức năng chứng thực.
Khi được hỏi về việc sản phẩm chưa có trong danh mục sản xuất, kinh doanh (tính hợp pháp) thì ông Ngọc cho rằng mình chỉ phụ trách kinh doanh, không nắm về vấn đề này (?).
Theo giải trình của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (tự xưng là giám đốc tài vụ Công ty TNHH Ti No), công ty đã có đơn đăng ký thức ăn chăn nuôi cho 8 sản phẩm gửi đến Cục Chăn nuôi vào ngày 5-1 (có hẹn trả kết quả vào ngày 4-2) nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Dù vậy, công ty vẫn tiến hành sản xuất, kinh doanh bình thường với sản lượng theo ông Ngọc lên đến 100-120 tấn/tháng.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhận định vi phạm của các doanh nghiệp là khá nghiêm trọng.
“Thức ăn chăn nuôi là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có điều kiện.
Doanh nghiệp chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng mà đã ngang nhiên đưa hàng ra thị trường với số lượng lớn.
Như vậy, khó biết thành phần, chất lượng sản phẩm ra sao” - ông Hùng lo ngại.
Related news

Với thuận lợi được bao quanh bởi sông Rào Cái và sông Cày cùng nhiều diện tích ao hồ mặt nước, những năm qua, TP Hà Tĩnh chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng công nghiệp. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư các giống mới vào nuôi trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kịp thời nên năng suất đạt cao, tạo thu nhập ổn định, mở hướng thoát nghèo mới.

“Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” là đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng được Công ty Yến sào Khánh Hòa triển khai từ năm 2011, góp phần đưa nghề nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

Đoàn công tác của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) phối hợp với công ty thành viên của mình ở Tây Nam Bộ vừa kết thúc hành trình 1 tuần lễ tặng phân bón cho nông dân nghèo trồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL.

Ngày 17-8, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức hội thảo sơ kết mô hình sản xuất lúa “1 phải, 6 giảm” tại HTX nông nghiệp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).

Từ những đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ước mơ thoát nghèo của hàng nghìn hộ ở huyện Lục Yên, Yên Bái đã thành hiện thực, họ thêm vững tin vươn lên trong cuộc sống...