Đồng vốn hỗ trợ giúp đàn bò sinh sôi
Tự phát thành nghề chính
Xã Trung Giã trước đây chỉ phát triển trồng rau an toàn, trồng lúa, rải rác có vài hộ chăn nuôi bò. Sau dồn điền đổi thửa thành công và tận dụng lợi thế nguồn lương thực, thức ăn xanh dồi dào, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Hiện trên địa bàn xã có tổng số hơn 900 con bò, bê. Không chăn nuôi theo quy mô lớn, nhưng mỗi thôn, xóm, nhà nhiều nhất cũng có 4-5 con bò sinh sản, trung bình mỗi hộ đều nuôi từ 1-2 con.
Năm 2014, 30 hộ ND xã Trung Giã đã được Quỹ HTND TP.Hà Nội giải ngân 300 triệu đồng để phát triển dự án chăn nuôi bò sinh sản. Trung bình mỗi hộ được vay 10 triệu đồng. Sau hơn 2 năm tiếp nhận đồng vốn, bò của các hộ dân tham gia dự án đều sinh được từ 1-2 con bê, tính ra nuôi 1 con bò sinh sản bình quân 1 năm lãi 15-20 triệu đồng. Trung Giã có tổng vốn vay từ Quỹ HTND cấp huyện và thành phố là 1,1 tỷ đồng.
" Sau 2 năm triển khai dự án, tất cả các hộ đều phát huy hiệu quả đồng vốn, thu nhập tăng rõ rệt. Nhu cầu vay vốn của bà con còn lớn, mong Hội ND thành phố xem xét, nghiên cứu tăng mức vay đối với 1 hộ chăn nuôi bò sinh sản nhằm động viên, khuyến khích bà con mở rộng quy mô sản xuất”.
Ông Trần Văn Luân - Chủ tịch Hội ND xã Trung Giã
Ông Trần Văn Luân - Chủ tịch Hội ND xã Trung Giã cho biết: “Trước kia, bà con chăn nuôi bò sinh sản chủ yếu là tự phát. Khi được Quỹ HTND cho vay vốn, chăn nuôi bò sinh sản trở thành nghề chính và các hộ tập hợp thành nhóm hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bà con học hỏi, trao đổi với nhau về kinh nghiệm chăn nuôi, thú y. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ của Hội về tập huấn kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn đối với nhóm cũng thuận lợi. Nhiều gia đình đã có vốn tăng đàn từ 1 lên hơn 2 con bò. Từ khi vay được vốn, một số hộ đã bán 2 lứa, thu lãi gần 50 triệu đồng/năm…”.
Động viên, khuyến khích nông dân
Ông Ngô Thế Hồng (ở thôn Bình An, xã Trung Giã) cho biết, thời điểm năm 2014, nhà chỉ mới có 2 con bò sinh sản. Sau khi được vay vốn Quỹ HTND, cùng với số tiền tiết kiệm, gia đình ông mua thêm 2 con bò cái giá 30 triệu đồng. Sau hơn 2 năm chăm sóc, đến nay đàn bò của gia đình ông Hồng đã nhân lên được 6 con với tổng giá trị gần 150 triệu đồng.
Ông Hồng chia sẻ: “Dù nguồn vốn vay của Quỹ HTND nhỏ, nhưng có sức động viên, khuyến khích đối với bà con. Nhiều hộ trong nhóm ở mức cận nghèo, mới thoát nghèo đã được tiếp thêm vốn để yên tâm làm ăn. Cũng như nhiều hộ khác trong nhóm, ban đầu vợ chồng tôi cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng trong chăm sóc đàn bò. Nhưng khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội ND tổ chức, rồi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ các hộ khác, tôi tự tin hơn. Nhờ vậy, đàn bò của tôi sinh trưởng, phát triển tốt, bình quân mỗi bò mẹ mang về khoản lãi xấp xỉ 20 triệu đồng/năm…”.
Gia đình ông Trịnh Văn Tùng ở thôn An Lạc cũng là hộ được vay vốn Quỹ HTND nuôi bò. Ông Tùng nuôi bò sinh sản chủ yếu để bán giống nên rất coi trọng quá trình chăm sóc bò mẹ, thời gian phối giống, sức khỏe bê con. Ông cho hay: “Bê con sau khi sinh được chăm từ 8-10 tháng thì bán được giá từ 14-16 triệu đồng. Tôi không bán qua thương lái mà bán cho người có nhu cầu mua làm giống nên cũng không bị lo mất giá”.
Related news
Vụ lúa hè thu 2016 ở TP Cần Thơ có hơn 77.800ha, đạt 100% kế hoạch sản xuất, tương đương diện tích vụ hè thu năm 2015. Đến nay, phần lớn diện tích lúa đã thu hoạch xong. Năng suất ước đạt 6 tấn/ha, cao hơn mức năng suất bình quân chung lúa hè thu của các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nông dân làm lúa phải bán giá thấp, do thị trường lúa gạo chậm tiêu thụ, tính ra chỉ "phá huề", lúa mới đổi lúa cũ!
Đầu tháng 6, giá cao su trong nước tăng nhẹ khi mùa thu hoạch mủ cao su 2016 vừa bắt đầu. Thế nhưng, nông dân chưa kịp mừng thì giá mủ lại giảm, bằng với thời điểm thu hoạch năm trước. Vậy là hàng ngàn hécta cao su ở vùng Đông Nam bộ, “thủ phủ” cao su của cả nước, tiếp tục bị người dân đốn hạ.
Thời gian qua, diện tích trồng ca cao trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm mạnh, từ hơn 3.000ha năm 2013 đến nay chỉ còn khoảng 300 - 400ha. Nguyên nhân vì sao?