Dòng lợn mang thương hiệu Việt Nam
Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương đã đóng góp cho sản xuất 7,5% lợn nái ngoại và 16,9% sản lượng thịt hơi cả nước.
Lợn cái LVN. Ảnh: VCN.
Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Trung tâm có chức năng chính là nghiên cứu, sản xuất các giống lợn có năng suất, chất lượng cao cung cấp cho sản xuất; nghiên cứu khoa học và công nghệ về chăn nuôi lợn trên các lĩnh vực giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh.
Ngoài ra, Trung tâm còn có nhiệm vụ nuôi giữ giống gốc và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới trên cơ sở kết quả nghiên cứu; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi lợn và tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ trong ngành; sản xuất kinh doanh lợn giống, lợn thịt, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vật tư hàng hóa liên quan đến chăn nuôi lợn.
3 trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn
Trong chăn nuôi, công tác giống đóng vai trò quan trọng bậc nhất, là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nhận thức rõ điều này, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương đã xây dựng, thực hiện Chương trình cải tiến, nâng cao chất lượng giống lợn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trung tâm có 3 trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn, với hệ thống chuồng trại và cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiết kế hiện đại, gồm: Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Thụy Phương; Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp (xã Quang Sơn, Thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) có diện tích 20,1 ha đang nuôi giữ khoảng 800 nái thuộc các dòng lợn PIC được chuyển giao từ năm 2001 (sẽ mở rộng quy mô lên 1.200 nái trong những năm tới).
Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Kỳ Sơn (xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) có diện tích 33,4 ha, hiện đang nuôi giữ hàng trăm lợn nái sinh sản VCN08. Lợn VCN08 có năng suất sinh sản ngày càng cao, là nguồn gen quý phục vụ cho công tác chọn tạo giống sau này.
Trạm cũng đang xây dựng chuồng trại hiện đại để nuôi giữ đàn lợn nái cụ kỵ là những giống có năng suất siêu sinh sản được nhập về từ Pháp, Canada và Đan Mạch, dự kiến nâng quy mô lên 1.000 lợn nái cụ kỵ.
Trung tâm đã xây dựng được hệ thống tổ chức quản lý về giống tương đối hoàn chỉnh về nguồn nhân lực và cơ cấu tổ chức. Đã hoàn chỉnh hệ thống ghi chép, theo dõi số liệu sinh sản và sinh trưởng của đàn lợn, xây dựng quy định về việc xăm tai, đánh số tai trên đàn lợn đảm bảo cho việc quản lý và theo dõi đàn lợn nuôi tại Trung tâm và lợn giống cấp ra thị trường.
Bên cạnh việc sử dụng ước tính giá trị giống của các tính trạng trong công tác chọn giống, Trung tâm chú trọng chọn lọc các đặc điểm ngoại hình của đàn lợn nhằm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, nhập các nguồn gen mới từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến nhằm đẩy nhanh tiến bộ di truyền trong quần thể...
Trung tâm thường xuyên duy trì đàn lợn nái ngoại với quy mô hàng ngàn con; đang chọn lọc, nhân thuần và sản xuất lợn nái ông bà, bố mẹ và lợn đực chuyển giao cho sản xuất theo 2 chương trình lai giống chính (chương trình lai 3 giống với nòng cốt là các giống Landrace, Yorkshire và Duroc; chương trình lai 4, 5 dòng từ 5 dòng cụ kỵ được tiếp nhận từ PIC Việt Nam).
Địa chỉ nghiên cứu, cung ứng giống lợn uy tín
Thời gian qua, Trung tâm đã duy trì và phát triển đàn lợn giống với khoảng 1.200- 1.500 lợn nái có mặt thường xuyên thuộc các dòng/giống Landrace, Yorkshire, Duroc, VCN01, VCN02, VCN4, VCN11, VCN12 và VCN-MS15.
Trung tâm đã xây dựng, quản lý dữ liệu và chọn lọc các giống lợn nhập ngoại Landrace, Yorkshire và Duroc nhập từ Pháp, Mỹ và Canada được nuôi tại Trạm Nghiên cứu và Phát triên giống lợn hạt nhân Kỳ Sơn.
Ngoài việc nuôi giữ các giống lợn cao sản Yorkshire, Landrace và Duroc nhập về từ Pháp, Mỹ, Canada, Trung tâm còn nhân nuôi các dòng lợn mang thương hiệu Việt Nam LVN, YVN là sản phẩm của Đề tài trọng điểm cấp Bộ (Đề tài Nghiên cứu, chọn tạo dòng lợn nái tổng hợp và lợn đực cuối cùng từ nguồn gen nhập nội có năng suất, chất lượng cao phục vụ chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc).
Các dòng lợn trên được tạo ra từ sự kết hợp giữa lợn Landrace, Yorkshire có nguồn gen từ Pháp (Công ty Genplus) với ngoại hình trường mình, có khả năng sinh sản cao và nguồn gen Mỹ (Công ty Cedar Ridge Genetics) với mông vai phát triển, có khả năng sinh trưởng cao đang nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương.
Đến nay, đàn lợn đã ổn định về năng suất với tuổi đạt khối lượng 100 kg/con < 150 ngày, tỷ lệ nạc > 60%, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng (FCR) < 2,5 kg và số con cai sữa/nái/năm > 27 con.
Lợn bố mẹ được tạo ra từ lợn LVN và YVN là các dòng lợn PS1 và lợn PS2 khi được phối giống với các dòng đực cuối DVN1, DVN2, PiDu có năng suất sinh sản cao với số con cai sữa/nái/năm > 28 con.
Lợn thịt được tạo ra từ tổ hợp lai trên có năng suất sinh trưởng đạt: Số ngày tuổi đạt 100kg/con <150 ngày; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lương (FCR)<2,4 kg; Tỷ lệ nạc đạt >62%.
Các dòng lợn trên được đã được Trung tâm chuyển giao cho sản xuất, góp phần nhanh chóng tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi , nâng cao năng suất, chất lượng con giống, hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi.
Những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương đã nghiên cứu, hàng năm sản xuất 3 sản phẩm chính gồm: Lợn cái hậu bị ông bà, lợn cái hậu bị bố mẹ và lợn đực hậu bị các loại với hàng chục ngàn con/năm.
Trung tâm đã được Bộ NN-PTNT trao giải thưởng Bông Lúa vàng Việt Nam cho sản phẩm lợn bố mẹ VCN21 và VCN22. Từ 3 sản phẩm chính này, Trung tâm đã đóng góp cho sản xuất 7,5% lợn nái ngoại và 16,9% sản lượng thịt hơi cả nước.
Related news
Thời kỳ này lợn nái cần lượng nước rất lớn để tiết sữa nuôi con. Trung bình lợn nái và đàn lợn con cần 35 - 50 lít nước/ngày tuỳ theo điều kiện nhiệt độ
Lợn con mới đẻ trong giai đoạn từ 3-5 ngày thường rất yếu, hay mắc một số bệnh liên quan đến đường ruột do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện.
Nhờ chăn nuôi lợn rừng an toàn dịch bệnh, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thoát nghèo, có của để dành.