Đồng bộ giải pháp, nâng cao hiệu quả
Với việc hình thành nhiều vùng NTTS tập trung, hình thức nuôi chuyển từ quảng canh sang bán thâm canh đã tạo bước đột phá mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và từng bước đưa ngành thủy sản trở thành sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp thực phẩm cho thị trường Thủ đô.
Thu hoạch cá tại xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên).
Đa dạng mô hình
Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã mở rộng diện tích NTTS lên gần 20.710 ha, tăng 15,8% so với năm 2009, với sản lượng nuôi khoảng 71.000 tấn, tăng bình quân 11%/năm.
Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số vùng nuôi tập trung quy mô lớn tập trung ở các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Trì, Gia Lâm… Mô hình nuôi thâm canh cũng không ngừng mở rộng, năm 2008, diện tích chỉ chiếm 5%, đến nay con số này nâng lên thành 20%.
Các đối tượng nuôi khá đa dạng, cả về số loài và hình thức nuôi như bán thâm canh, thâm canh bằng thức ăn sẵn có hoặc nuôi công nghiệp.
Nhờ vậy, năng suất khá cao, trên 3,4 tấn/ha, tăng 5% so với cách đây 6 năm.
Nhiều khu vực ruộng trũng, trước đây chỉ cấy lúa một vụ, năng suất bấp bênh, sau chuyển đổi sang NTTS tập trung đã đạt năng suất 8 - 10 tấn/ha.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội cho biết, trong NTTS, quan trọng nhất là khâu con giống, thì thành phố có tới 19 cơ sở sản xuất giống thủy sản với diện tích 60ha, hằng năm sản xuất khoảng 1 triệu cá bột, cung ứng 70 - 75% nhu cầu nuôi thủy sản của Hà Nội.
Thực hiện chương trình NTTS, đối tượng nuôi và hình thức nuôi cũng đa dạng hơn.
Hà Nội đã xây dựng được 312ha nuôi cá truyền thống theo hình thức thâm canh ở các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Thanh Trì, diện tích còn lại nuôi các loại cá đặc sản như trắm đen, trắm giòn, chép giòn.
Ngoài ra, còn xây dựng 15ha nuôi cá truyền thống, 10 lồng cá trắm đen, diêu hồng theo phương thức nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các mô hình này cho năng suất, sản lượng khá cao, 10 - 15 tấn/ha, mặt khác, vấn đề môi trường và bệnh thủy sản trên cá nuôi bước đầu đã được kiểm soát, từ đó, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Khái, xã Sơn Hà (Phú Xuyên) cho biết, nhờ áp dụng phương pháp nuôi thâm canh các loại cá trắm đen bằng thức ăn là ốc công nghiệp, diện tích 1ha NTTS của gia đình ông mỗi năm thu khoảng 10 tấn cá, giá trị hàng trăm triệu đồng.
Thực tế khảo sát ở một số địa phương cho thấy, tiềm năng NTTS của Hà Nội khá lớn nhưng chưa phát huy hết lợi thế.
Nguyên do là một số nơi chậm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân chưa tìm ra đối tượng nuôi chính có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Trong khâu sản xuất giống chủ yếu là giống thủy sản truyền thống, chưa chủ động được giống chất lượng, năng suất cao.
Mặt khác, công tác chuyển đổi đất lúa sang NTTS sau dồn điền, đổi thửa còn gặp vướng mắc do chưa có hướng dẫn về chuyển đổi.
Phát triển đồng bộ
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các vùng NTTS tập trung theo hướng đồng bộ nhằm tăng năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của thành phố.
Cùng với đó, phát triển sản xuất giống thủy sản dần đưa Hà Nội thành trung tâm sản xuất giống thủy sản công nghệ cao cung cấp cho thành phố và các tỉnh lân cận.
Để làm được việc này, thành phố ưu tiên đầu tư phát triển và nâng cao năng lực sản xuất con giống cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn như hỗ trợ đàn cá bố mẹ, ông bà, hậu bị…; từng bước kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về thủy sản từ thành phố đến từng huyện, từng xã và đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển…
Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cấp và tiêu nước, xử lý môi trường, giao thông, đường điện cho các vùng NTTS tập trung; tăng cường chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật cho người sản xuất NTTS, khuyến khích nhập công nghệ mới, giống mới năng suất, hiệu quả đưa vào sản xuất; xây dựng các mô hình nuôi thâm canh theo VietGAP, vùng nuôi an toàn tạo ra sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng;
Hỗ trợ khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá bán; tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực NTTS gắn kết "bốn nhà"...
Related news
Gần đây, trong khi Việt Nam đang loay hoay tìm cách xây dựng và phát triển thương hiệu gạo thì Campuchia, với sự hỗ trợ của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), đã có những bước tiến đáng kể trong việc nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu gạo của riêng họ.
Việt Nam vừa nâng dự báo xuất khẩu gạo năm 2015 lên 7-7,5 triệu tấn, không tính xuất khẩu tiểu ngạch, từ 6 triệu tấn trước đó, Bloomberg dẫn lời Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết.
Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) ước tính xuất khẩu gạo của Ấn Độ niên vụ 2015-2016 đạt 9 triệu tấn, giảm 24% so với 11,8 triệu tấn năm trước do nguồn cung thắt chặt.
Năm ngoái, xuất khẩu tôm của nước ta đạt kỷ lục xấp xỉ 4 tỷ USD. Cả năm nay, nhiều khả năng xuất khẩu tôm chỉ xấp xỉ 3 tỷ USD, giảm tới 1 tỷ USD so với kỷ lục nói trên...
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, do lúa Hè Thu muộn giá cao, lợi nhuận khá nên dù chưa đến lịch thời vụ nhưng nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bơm nước, gieo sạ được 211.892 ha lúa Đông Xuân, tập trung ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang.