Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đồng Bằng Sông Cửu Long Tìm Giải Pháp Phát Triển Sản Xuất Rau Theo Hướng Công Nghệ Cao

Đồng Bằng Sông Cửu Long Tìm Giải Pháp Phát Triển Sản Xuất Rau Theo Hướng Công Nghệ Cao
Publish date: Monday. June 23rd, 2014

Rau là một trong những cây trồng hàng hóa của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong những năm gần đây, việc sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng công nghệ cao đã được các tỉnh, thành trong vùng chú trọng đầu tư và là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần được giải quyết. Đó là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Một số giải pháp phát triển rau quả theo hướng công nghệ cao tại ĐBSCL vừa được tổ chức tại TP. Mỹ Tho.

Sản xuất và tiêu thụ rau: Nhiều khó khăn

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong những năm gần đây, ĐBSCL có diện tích trồng rau tăng trưởng nhanh. Hiện toàn vùng có 246.240 ha, chiếm 30% diện tích trồng rau cả nước. Một số tỉnh khu vực ĐBSCL có diện tích trồng rau lớn như: Tiền Giang 40.600 ha (lớn nhất toàn vùng); Sóc Trăng 37.700 ha; An Giang 37.300 ha...

Mặc dù chất lượng và mức độ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của rau đã được nâng lên đáng kể, nhưng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ rau vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Phát triển sản xuất rau hướng đến công nghệ cao là con đường tất yếu (ảnh chụp tại một mô hình trồng RAT ở huyện Châu Thành).

Mặc dù là tỉnh có diện tích trồng rau lớn nhất vùng ĐBSCL nhưng việc phát triển sản xuất, tiêu thụ rau, trong đó có RAT ở Tiền Giang vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trong chuỗi ngành hàng rau màu của tỉnh, nông dân là đối tượng có lượng phân phối rau cho hầu hết các đối tượng khác nhưng chỉ có một số hộ tham gia vào hợp tác xã trồng RAT. Số còn lại tự trồng rau và tự bán qua hệ thống thương lái chiếm khoảng 75%.

Bên cạnh đó, đa số nông dân trồng rau màu của tỉnh vẫn còn theo phương thức canh tác truyền thống như: Sử dụng phân bón hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều, sử dụng nhóm thuốc có độ độc cao, an toàn vệ sinh trong vùng sản xuất rau chưa đảm bảo.

Cùng với đó là tỷ lệ hao hụt trong vận chuyển, bảo quản, sơ chế còn cao, chiếm từ 15 - 20%. Thực tế này vừa làm tăng chi phí sản xuất vừa làm giảm thu nhập của các nông hộ. Đây là điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị ngành rau ở Tiền Giang.

Riêng tỉnh An Giang có diện tích đất trồng rau 37.300 ha, nhưng diện tích được quy hoạch cho sản xuất RAT còn khá khiêm tốn. Tình hình sản xuất rau của tỉnh này vẫn trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư từ kết cấu hạ tầng đến công tác hoạch định, chỉ đạo sản xuất.

Các hộ trồng rau đa phần thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý nên khó nắm bắt và tuân thủ các yêu cầu sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP. Việc vận chuyển, thu mua, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ RAT gặp nhiều khó khăn...

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng có cùng nhận định là sản xuất rau, trong đó có RAT tại vùng ĐBSCL còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện sản xuất RAT còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa quy hoạch thành vùng sản xuất nên chưa đảm bảo về chất lượng cũng như sản lượng.

Diện tích rau chuyên canh còn ít, thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc tổ chức chứng nhận VietGAP đối với RAT. Hệ thống phân phối chưa có, giá cả lại thiếu hợp lý nên không khuyến khích được người sản xuất RAT phát triển.

Ngoài ra, không ít người sản xuất rau vẫn còn thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng rau, sử dụng giống không có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hoạt động quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu rau ĐBSCL chưa được chú trọng nên khó cạnh tranh, tiêu thụ so với các sản phẩm rau của các địa phương khác.

Áp dụng công nghệ cao: Hướng đi tất yếu

Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều có tổ chức hệ thống sản xuất RAT để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tại địa phương và hướng tới xuất hàng hóa ra khỏi địa bàn. Do vậy, không ít bộ phận người sản xuất rau đều được tập huấn kiến thức và kỹ năng sản xuất RAT.

Các tỉnh, thành đều có dự án xây dựng các phương tiện phục vụ sản xuất rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao như: Sản xuất trong nhà lưới chống côn trùng, mái lưới che hạn chế tác hại của các yếu tố thời tiết bất lợi, trồng rau không cần đất, đầu tư hệ thống tưới… Hướng sản phẩm đầu ra đều được chứng nhận và cấp chứng chỉ đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định của VietGAP.

Tại tỉnh Long An, nơi có diện tích trồng rau ít, chỉ khoảng 8.000 ha nhưng có đến 5 HTX và 4 Tổ hợp tác trồng rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, với tổng diện tích 67,42 ha và 342 hộ tham gia. Còn ở Vĩnh Long có cơ sở sản xuất rau sạch Mai An Tiêm, đầu tư trồng RAT theo công nghệ của Úc, bao gồm nhà kính; hệ thống tưới nước và cung cấp dinh dưỡng tự động; hệ thống phun nước làm mát; quạt gió và hệ thống nâng mái tự động.

Diện tích trồng rau màu thử nghiệm ban đầu là 1.500 m2 với giống dưa leo của Úc, đã mang lại kết quả bước đầu rất khả quan. Ngoài ra, tỉnh còn có 1 HTX được chứng nhận VietGAP và 1 HTX khác được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT.

Tại Tiền Giang hiện có 9 Tổ hợp tác và 2 HTX sản xuất và cung ứng RAT. Trong đó, HTX RAT Gò Công mỗi ngày tiêu thụ từ 1,5 - 2 tấn rau các loại cung cấp cho một số bếp ăn và siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có Tổ hợp tác RAT Long Thuận (TX. Gò Công), mô hình đạt chứng nhận VietGAP được 2 công ty Phú Lộc và Lực Điền bao tiêu sản phẩm rau ăn lá các loại.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, xác định rau màu cũng là thế mạnh của tỉnh nên mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, diện tích rau màu các loại của tỉnh sẽ phát triển lên 45.000 ha, sản lượng 800 ngàn tấn.

Cùng với tầm nhìn mới trong nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì việc gắn sự phát triển nông nghiệp xanh với chiến lược phát triển chuỗi là công việc cần làm ngay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Thuận (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất RAT là hướng đi cần thiết tại các tỉnh, thành ĐBSCL. Bởi đó là con đường đúng đắn để nâng cao giá trị thương phẩm của rau, nhằm nâng cao sự cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu.

Gần đây, nhiều mô hình trồng rau nhà kính, nhà màn... đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương và mang lại những thành công nhất định trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để phát triển sản xuất rau theo hướng công nghệ cao ở vùng ĐBSCL, các tỉnh, thành cần rà soát nhu cầu sử dụng RAT ở địa phương và quy hoạch vành đai thực phẩm cung cấp cho tỉnh nhà trước, sau đó mở rộng quan hệ hợp tác sang các tỉnh, thành lân cận và hướng tới hợp đồng xuất khẩu. Các địa phương cần khuyến khích nông dân sản xuất và doanh nghiệp thu mua RAT theo mô hình VietGAP.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và khuyến cáo người dân nên sử dụng sản phẩm rau có nguồn gốc cũng cần được đẩy mạnh. Từng địa phương tổ chức kiểm tra và có biện pháp chế tài mạnh đối với những người bán rau không rõ nguồn gốc...

Ngoài ra, các địa phương cũng như người sản xuất rau cần thực hiện các giải pháp về kỹ thuật; giải pháp sau thu hoạch, đóng gói, bảo quản rau theo quy trình VietGAP; giải pháp về vốn, đầu tư cho sản xuất; giải pháp về nâng cao hiệu quả tiêu thụ rau sản xuất theo quy trình VietGAP.

Tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gặp khó

Theo Cục Trồng trọt, nhu cầu sản phẩm rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP ngày một gia tăng nên việc sản xuất sản phẩm rau này ngày một nhiều. Tuy nhiên, hiện nay người sản xuất sản phẩm RAT gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Một trong những khó khăn, đó là sản phẩm RAT theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ được chứng nhận chung chung chứ chưa thiết lập nhãn hiệu (logo) gắn liền với sản phẩm khi được tiêu thụ trên thị trường.

Riêng về mặt hình dạng nhận diện sản phẩm RAT VietGAP cũng tương tự như những sản phẩm rau khác trên thị trường nên chưa có cơ sở để chứng minh với người tiêu dùng tin tưởng vào RAT VietGAP. Do đó, người sản xuất RAT còn phải chịu cảnh bán với giá như các loại rau thường. Thực trạng này khiến nỗ lực đẩy mạnh phát triển RAT theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩuvẫn là một vấn đề nan giải.


Related news

Nuôi Cá Vược Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Giúp Giảm Chi Phí Nuôi Cá Vược Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Giúp Giảm Chi Phí

Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi cá chẽm (hay còn gọi là cá vược) ở các tỉnh miền Nam đang phát triển mạnh, nhiều mô hình nuôi cá vược trong ao đất ở một số tỉnh như Bạc Liêu, Bến Tre... phát triển rất tốt.

Saturday. August 17th, 2013
Không Phát Tán Chồn Nhung Đen Không Phát Tán Chồn Nhung Đen

Chồn nhung đen bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2011 với những đồn thổi về chất lượng thịt của loại chồn này khiến người dân ở nhiều địa phương bỏ tiền ra mua chồn nhung đen về nuôi mong thu lợi cao.

Saturday. August 17th, 2013
Giá Thức Ăn Chăn Nuôi Sẽ Giảm Giá Thức Ăn Chăn Nuôi Sẽ Giảm

Trong thời gian qua, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trên thê giới liên tục giảm mạnh, nhưng giá TĂCN vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá TĂCN trong nước cũng sẽ giảm.

Saturday. August 17th, 2013
Linh Hoạt NPK Khi Trồng Rau Thủy Canh Linh Hoạt NPK Khi Trồng Rau Thủy Canh

Ở các nước phát triển, nông dân thường dùng những chậu cá nhỏ, bể nuôi, hoặc hồ nuôi cá để vận dụng làm mô hình sản xuất rau theo phương pháp thủy canh.

Saturday. August 17th, 2013
Tam Nông Chăn Nuôi Theo Hướng Tăng Giá Trị, Hiệu Quả Tam Nông Chăn Nuôi Theo Hướng Tăng Giá Trị, Hiệu Quả

Cùng với trồng trọt, huyện Tam Nông đã và đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị, hiệu quả, tập trung ở các hộ có điều kiện về mặt bằng, đầu tư vốn, ứng dụng kỹ thuật giống, thức ăn, phòng trị bệnh. Theo số liệu điều tra đầu năm 2013 toàn huyện có trên 213.100 con trâu, bò giảm gần 30% so với năm 2008; đàn lợn 30 ngàn con, tăng gần 1.900 con; đàn gia cầm có 780 ngàn con, tăng gần 150 ngàn con.

Saturday. August 17th, 2013