Đổi Chất Cho Cà Phê Tây Nguyên
Tây Nguyên là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam và cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua.
Cà phê già hóa
Niên vụ 2013/2014, Việt Nam đã xuất khẩu 1,32 triệu tấn cà phê, kim ngạch 2,75 tỷ USD. Tuy nhiên, cây cà phê Tây nguyên đang đối mặt với những khó khăn do diện tích cà phê già cỗi khá lớn, đòi hỏi phải sớm tái canh để duy trì sản lượng và chất lượng.
Trong khi đó, giá cà phê thường xuyên biến động ảnh hưởng thu nhập của người dân, chế biến sâu cà phê còn chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu là xuất khẩu thô nhân cà phê vì vậy giá trị gia tăng của cây cà phê mang lại chưa cao.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 – 10 năm tới khoảng 140 – 160 nghìn ha (chiếm trên 20% diện tích cà phê của toàn vùng).
Trong đó diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có trên 86 nghìn ha, chưa kể khoảng 40 nghìn ha cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi cho năng suất và chất lượng thấp.
Nếu không kịp thời tái canh thì trong một vài năm tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và chất lượng của cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ tái canh cây cà phê trong thời gian qua diễn ra rất chậm.
Từ năm 2012, Tây Nguyên cũng mới chỉ tái canh được khoảng 2000 ha. Riêng Đăk Nông diện tích vườn cà phê già cỗi đến nay đã gần 25.000 ha thì trong những năm qua mới tái canh được gần 300 ha.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, NH đã dành 12.000 tỷ đồng để phục vụ cho vay tái canh cây cà phê với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, thời hạn cho vay phù hợp với một chu kỳ tái canh cà phê (khoảng từ 3-5 năm). Thậm chí cho vay thời hạn lên tới 5-7 năm.
Tuy nhiên, điều Thống đốc “trăn trở” là nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng việc giải ngân còn phụ thuộc nhiều bộ, ngành địa phương.
Theo Thống đốc, NH không thể biết vùng nào cần quy hoạch, quy hoạch bằng giống gì, trồng xen canh cây gì để bảo đảm người trồng cà phê vẫn có thu nhập nhất định trong quá trình tái canh. Các bộ chuyên ngành và địa phương cần “chỉ ra” nơi để giải ngân.
Gỡ điểm nghẽn
Thực tế cho thấy để tái canh cây cà phê thì người dân phải chặt bỏ cây cà phê già cỗi và không được trồng lại ngay mà phải trồng các cây trồng khác ngắn hạn trong thời gian từ 1-2 năm. Giai đoạn từ khi trồng cho đến khi cây cà phê cho thu hoạch mất khoảng 2-3 năm, như vậy toàn bộ thời gian từ 3-5 năm người dân không có thu nhập. Trong khi vẫn phải đầu tư chi phí khá lớn để trồng lại khoảng trên 100 triệu VND/ha.
Các hộ dân vay NH để tái canh cây cà phê đòi hỏi thời gian vay dài, chi phí trả lãi nhiều, trong khi không có thu nhập để bù đắp trong thời gian tái canh nên vẫn còn ngần ngại tái canh, thậm chí là tổ chức việc tái canh hết sức manh mún, thiếu khoa học và không hiệu quả. Vì vậy không cải thiện được tình hình mà còn gây nên tình trạng “xôi đỗ” trong mỗi vườn cà phê.
Vì vậy, Thống đốc nhấn mạnh, NH đã sẵn sàng nguồn tiền cho vay nhưng tái canh ở đâu, tái canh bằng giống gì, kỹ thuật như thế nào, trồng cây gì trong thời gian từ khi đốn đến khi trồng lại…thì NH không thể một mình hỗ trợ được người dân mà đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ.
Vì vây, cần sớm phê duyệt quy hoạch tái canh cây cà phê Tây nguyên, đưa ra được lộ trình tái canh từ nay đến năm 2020 của từng tỉnh. Điều này không những giúp cho NH bố trí nguồn vốn mà còn giúp cho người dân “vừa có diện tích tái canh, vừa có diện tích thu hoạch“ cà phê gối nhau để bảo đảm cuộc sống.
Phát triển cây cà phê bền vững, không chỉ đòi hỏi duy trì sản lượng và chất lượng cà phê tương xứng với vị trí quốc gia đứng thứ nhất, thứ nhì trên bản đồ cà phê thế giới mà điều quan trọng là phải tăng cường đầu tư chiều sâu để tạo ra các thương hiệu cà phê nổi tiếng được thị trường biết đến.
Để làm được điều đó thì ngoài việc xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cà phê Việt nam cho bạn bè quốc tế thì cần thiết phải tái cơ cấu lại ngành cà phê.
Liên kết giữa người trồng, chế biến trong chuỗi giá trị xuất khẩu cà phê và ứng dụng khoa học công nghệ ở các mức độ khác nhau trong sản xuất chế biến cà phê xuất khẩu để phát triển bền vững.
“Trong đó, ngân hàng đã sẵn sàng áp dụng các chính sách tín dụng phù hợp và đồng hành cùng với DN trong việc ưu tiên sản xuất chuỗi liên kết, áp dụng công nghệ cao, đẩy mạnh xuất khẩu đối với tái canh cây cà phê nói riêng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, nhằm bảo đảm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững, năng suất, hiệu quả theo hướng hiện đại“. Thống đốc khẳng định.
Related news
Trên cánh đồng lúa của xã xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện bọ hung cánh cứng cắn phá với mức độ thiệt hại rất lớn.
Chưa đầy 5 tháng sau, giá cao su tụt nhanh chỉ còn ở mức bình quân 42 triệu đồng/tấn, giảm đến 10 triệu đồng/tấn khiến cả doanh nghiệp và nhà vườn lao đao…
Vụ xuân năm nay, nông dân hai xã An Hà và Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu và Chế biến nông - lâm sản Hải Dương trồng 30 ha ngô ngọt xuất khẩu.
Xen canh là một trong những phương thức canh tác được nhiều người áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như ở huyện Ninh Sơn, Ninh Phước có những mô hình trồng xen canh như táo-trôm, đu đủ-ớt-dừa xiêm, xoài-mận… thu nhập kinh tế cao thì ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) mô hình trồng xen canh tỏi-ớt cũng mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân.
Ngày 29.5, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, Cục đã có văn bản gửi các địa phương về việc xử lý sâu Superworm từ tháng 4.2014.