Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Độc Chiêu Bưởi Hồ Lô

Độc Chiêu Bưởi Hồ Lô
Publish date: Wednesday. February 12th, 2014

Xã Phú Tân (mới chia ra từ xã Phú hữu), huyện Châu Thành, Hậu Giang, nằm cặp bờ Nam sông Hậu, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 15km. Nơi đây là cái “nôi” của bưởi Năm Roi và nhiều loại cây ăn quả khác.

Vài năm trước, một nông dân trồng vườn xứ này đã “chế” ra một loại trái cây “độc nhất vô nhị”: Bưởi Năm Roi hồ lô. Loại đặc sản trên vang danh rất nhanh trên thương trường, cho thu nhập cao gấp 15 - 20 lần bưởi Năm Roi thường. Nhiều nông dân thuộc Câu lạc bộ (CLB) khuyến nông ấp Phú Trí A nhờ trồng bưởi Năm Roi, trong đó nắn bưởi hồ lô đã khá giả hẳn lên.

Mùa tết năm nay, các nhà vườn ở Phú Tân có thêm nhiều gia đình làm bưởi hồ lô với những mẫu mã mới, phục vụ khách hàng mua sắm chưng trên bàn thờ ngày tết.

Thành công bất ngờ

Dịp tết, không khí ở các nhà vườn Phú Tân nhộn nhịp kẻ mua người bán. Chúng tôi đến khu vườn bưởi khá rộng của anh Võ Trung Thành ở ấp Phú Trí A gặp anh và những thành viên trong gia đình đang hái bưởi bán cho khách. Những trái bưởi hồ lô với nhiều loại chữ chúc mừng năm mới nhìn đẹp mê hồn.

Tuy nhiên, anh Thành than: Năm nay, bưởi không trúng mùa do mưa nhiều ngay vào lúc trổ bông; nhưng lại được giá; trong đó có bưởi hồ lô nhờ mẫu mã mới, khách hàng ưa chuộng. Giá mỗi cặp bưởi hồ lô loại 1, bán tại vườn khoảng 2 triệu đồng.

Thu nhập mùa tết này, gia đình anh Thành lãi to với 700 cặp bưởi hồ lô (giá bình quân từ loại 1 đến loại 3 khoảng 1,5 triệu đồng/cặp) và gần 20 tấn bưởi thường, bán với giá 25.000 đồng/kg và cả trăm trái dưa hấu “thỏi vàng” có giá tại ruộng 400.000 đồng/trái.

Anh Võ Trung Thành năm nay ngoài 50 tuổi, từng làm nhiều nghề: lúc nhỏ vừa đi học vừa làm nông, rồi dạy học, chạy xe lôi. Khi xe lôi bị cấm, anh về quê mua ít công vườn để trồng bưởi. Năm 2008, tình cờ đến với anh trong một lần ra vườn nhìn thấy trái bưởi bị kẹt trong nhánh cây, tuy phát triển bình thường nhưng hình thù kỳ quái. Thấy vậy, anh nảy sinh ý tưởng tạo dáng cho trái bưởi. Kinh tế thị trường, đời sống nhân dân ngày càng cao nên nhiều người thích sưu tầm của “độc”. Anh nói: “nắn” trái bưởi thành hình hồ lô để chưng trên bàn thờ ông bà ngày tết thì “hết sẩy”.

Nghĩ là làm; anh Thành “đúc” thử khuôn bằng đất sét, tạo vài trái để thử chơi. Trái bưởi hồ lô tuy chưa đẹp lắm nhưng cũng làm anh phấn khích vì “của độc”. Sau tết năm đó, anh Thành mạnh dạn đem bưởi đi dự thi đấu xảo trái ngon, trái đẹp tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ. Thật bất ngờ, bưởi hồ lô nhà anh đoạt giải.

Niềm vui đã tạo động lực để anh tiếp tục tìm ra “khuôn hình” đẹp, đạt chuẩn cao cho trái bưởi hồ lô. Anh Thành cầm “cục đất sét” đến một số doanh nghiệp nhựa, thủy tinh ở Cần Thơ nhờ đúc khuôn. Quanh quẩn mãi, anh Thành cũng tìm được một cơ sở đúc khuôn bằng nhựa “chuẩn” với giá chấp nhận được.

Cuộc tìm kiếm mày mò của tay chơi “lãng tử” nhưng rất thực tế này đã mang về nguồn thu nhập đầu tiên mùa tết năm 2009 khoảng 120 triệu đồng. Mấy mùa qua, gia đình anh Thành thu nhập cả tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể việc anh độc quyền cung cấp khuôn nhựa bao bưởi Năm Roi hồ lô.

Niềm vui đổi đời

“Bằng sáng chế” bưởi Năm Roi hồ lô giờ không còn là “tài sản riêng” của “kỹ sư chân đất” Võ Trung Thành. Những nông dân thích đi tìm cái mới trong sản xuất nông nghiệp đã đến gặp Thành. Anh không giấu giếm, sẵn sàng “truyền nghề” cho họ. Thế là “tổ sản xuất bưởi hồ lô” ra đời với 13 thành viên (giờ là 23). Tổ nằm trong CLB khuyến nông ấp Phú Trí A; hoạt động với nội quy, quy chế chặt chẽ…

Vườn nhà ông Võ Hồng Quốc (Ba Quốc, 66 tuổi) rộng tới 24 công. Nhưng vì thiếu vốn nên ông Ba Quốc không thể sản xuất theo ý mình. Với nhiều loại trái cây nhưng thu nhập của gia đình ông Ba Quốc cũng chỉ đủ sống qua ngày. Có một thời, ông Ba Quốc phải cầm cố đất; bà xã mua bưởi dạo các nhà vườn mang ra Cần Thơ bán. Vay được vài chục triệu đồng của ngân hàng, ông Ba Quốc hăm hở trồng 500 gốc bưởi Năm Roi. Khi đã tới tuổi ra hoa kết quả, ông tìm những trái bưởi đẹp để nắn thành bưởi hồ lô. Năm ấy, ông Ba Quốc “lên đời”.

Từ 300 trái bưởi mùa đầu tiên năm 2009, đến cuối tháng Chạp Tết Quý Tỵ năm 2013, ông Ba Quốc đã hái được trên 1.000 trái (bán với giá 700.000 đồng/trái). Tết Giáp Ngọ này, ông Ba Quốc cũng than như bọng về việc thất mùa. Nhưng dù sao gia đình ông cũng thu hoạch được 400 trái bưởi hồ lô, 10 tấn bưởi thường. Bây giờ, ông Ba Quốc đã trở thành một trong những “đại gia” nho nhỏ của xứ miệt vườn.

Không thể kể hết những “anh tài” trồng bưởi Năm Roi, trong đó chọn những trái bưởi đẹp ốp khuôn nhựa để thành bưởi hồ lô. Họ đều là những nông dân nghèo, cuộc sống khó khăn nhờ trồng bưởi trở nên khá giả. Anh Huỳnh Công Trực, ngoài 50 tuổi, Phó chủ nhiệm CLB, tâm sự: “Tết rồi tôi thu được 2.000 trái bưởi hồ lô; năm nay thất bát chỉ còn một nửa”.

Anh Võ Trung Thành, “cha đẻ” của trái bưởi Năm Roi hồ lô chia sẻ: Mẫu mã của trái bưởi hồ lô giờ đẹp hết chỗ chê. Dịp tết này, tổ hợp tác chúng tôi tung ra thị trường gần 6.000 trái với 4 mẫu mã: Tài - Lộc, Tài - Lộc lửng, Tài - Lộc thỏi vàng và Phúc - Lộc - Thọ; vài ngàn quả dưa hấu Hoàng Kim hồ lô; còn bưởi Năm Roi thường thì hàng trăm ngàn trái.

Bưởi Năm Roi có xuất xứ từ Phú Hữu, Hậu Giang, sau sang xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Giờ thì tràn ngập các miệt vườn vùng sông nước Cửu Long. Nhưng chỉ có bưởi Năm Roi Phú Hữu và Mỹ Hòa ngon hơn cả. Mấy năm nay, 2 xã này đều xuất khẩu bưởi Năm Roi sang châu Âu vì đạt chứng chỉ Global GAP.

Sức sáng tạo của con người là vô tận. Khi người nông dân được tự do làm chủ trên miếng vườn, thửa ruộng của mình; siêng năng, chăm chỉ, tìm tòi, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh; được các ngành chức năng và lãnh đạo địa phương quan tâm, đầu tư… thì những sản phẩm độc đáo làm ra như: bưởi Năm Roi hồ lô, dưa hấu Hoàng Kim hồ lô, chanh không hạt, sầu riêng Ri 6, sầu riêng hạt lép, xoài cát Hòa Lộc, thanh long ruột đỏ… chỉ là “chuyện nhỏ”.

Phó phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, Hậu Giang Ngô Minh Long "Năm rồi, huyện chúng tôi đã xuất sang châu Âu 2.000 trái bưởi Năm Roi. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng đó là cơ sở để bưởi chúng tôi đến với thương trường thế giới ngày một nhiều hơn. Còn bưởi Năm Roi hồ lô vì số lượng chưa đủ cung cấp thị trường nội địa, lấy chi xuất khẩu. Nhưng trong tương lai, sản phẩm độc đáo này được nhân rộng; chắc chắn sẽ có hàng xuất sang Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Singapore…"


Related news

Vụ Đông Sớm Ở Hải Tây Vụ Đông Sớm Ở Hải Tây

Trung tuần tháng 9, chúng tôi về xã Hải Tây (Hải Hậu). Trong khi ở nhiều địa phương khác, lúa mùa mới đang bắt đầu trỗ thì hầu hết các cánh đồng của Hải Tây, lúa đã chín đỏ, chuẩn bị cho thu hoạch.

Monday. October 6th, 2014
Vụ Đông Ở Phù Ninh Vụ Đông Ở Phù Ninh

Dù sản xuất vụ đông khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải bám đồng, bám ruộng vì chăn nuôi con gà, con lợn, con trâu, con bò thì không bỏ cây ngô được chị ạ. Còn các loại rau quả khác giúp nông dân chúng tôi có thêm đồng ra, đồng vào phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình”.

Monday. October 6th, 2014
Nông Dân Trung Sơn Nỗ Lực Làm Giàu Nông Dân Trung Sơn Nỗ Lực Làm Giàu

Trung Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Xác được thế mạnh đó, Hội Nông dân xã chú trọng tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong các tầng lớp nhân dân; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” gắn với xây dựng nông thôn mới.

Monday. October 6th, 2014
Trại Ngựa Bá Vân Trại Ngựa Bá Vân

Có lẽ, ít người biết rằng để bảo tồn nguồn gene ngựa Việt, từ hàng chục năm qua có một trung tâm chuyên nuôi dưỡng, bảo tồn và lai tạo những giống ngựa thuộc loại quý hiếm cho nước ta - được đặt ở một nơi khá kín đáo thuộc khu Việt Bắc. Đây cũng là “lò” sản xuất ngựa đầu tiên và lâu đời nhất ở nước ta.

Monday. January 13th, 2014
Triển Vọng Nuôi Chim Trĩ Ở Đồng Tháp Triển Vọng Nuôi Chim Trĩ Ở Đồng Tháp

Mới đây, anh Nguyễn Bình Phong, nông dân xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong đưa loài chim có giá trị kinh tế cao này về nuôi cho hiệu quả khả quan.

Monday. January 13th, 2014