Doanh nghiệp sẽ bao tiêu khoảng 20% sản lượng lúa của Việt Nam
Hội nghị thúc đẩy việc cung cấp các khoản vay trung và dài hạn ổn định với lãi suất thương mại cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo.
Trong ảnh: Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo có cơ hội vay vốn hỗ trợ trên 1.100 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: KT)
Chiều 2/3, tại TP HCM, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội nghị thúc đẩy dòng vốn tín dụng hợp phần lúa gạo dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Hội nghị thu hút 7 ngân hàng bán lẻ và 40 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo khu vực ĐBSCL tham gia.
Hội nghị thúc đẩy dòng vốn tín dụng hợp phần lúa gạo nhằm cung cấp các khoản vay trung và dài hạn ổn định trên cơ sở lãi suất thương mại cho các doanh nghiệp chế biến lúa gạo tại 8 tỉnh ĐBSCL để đầu tư máy móc, thiết bị và cơ sở chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị gạo Việt Nam.
Đây là 1 trong 4 hợp phần chính của “Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (gọi tắt là VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trong khuôn khổ hợp phần này, một phần vốn tín dụng 55 triệu USD (tương đương hơn 1.100 tỷ đồng), nguồn vốn từ BIDV, cung cấp các khoản vay trung và dài hạn trên cơ sở lãi suất thương mại cho các doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao, đổi thống nhất các nội dung xoay quanh cơ chế cho vay. Những doanh nghiệp được lựa chọn sẽ thu mua lúa trực tiếp từ các tổ chức nông dân thuộc vùng dự án thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ, từ đó giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cấp chất lượng của thị trường lúa gạo. Với quy mô của dự án này, khoảng 200.000 ha của bà con nông dân sẽ được bao tiêu sản phẩm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng lúa gạo của Việt Nam.
Qua 9 tháng triển khai, các ngân hàng mới giải ngân được 10 tỷ đồng. Hàng chục hồ sơ của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúc gạo tại ĐBSCL cũng đang trong quá trình làm thủ tục.
Ông Phan Công Bình, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Công Bình - chuyên chế biến và xuất khẩu lúa gạo tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An cho biết, “dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” hứa hẹn đem đến cho các doanh nghiệp một cơ hội tiếp cận mới, góp phần tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lúa gạo.
“Dự án VnSAT triển khai từ năm 2016, tuy nhiên đây mới là giai đoạn bước đầu nhưng trong năm 2017 này dự án sẽ chứng tỏ được giá trị thiết thực. Các doanh nghiệp đều mong muốn được tiếp cận nhanh nhất có thể”, ông Bình cho biết./.
Related news
Những ngày qua, người chăn gà ở Đồng Nai đang “đứng ngồi không yên” bởi giá gà đang xuống thấp trong khi thương lái không mặn mà mua hàng.
Kích thước thùng chứa, động cơ mạnh bền, linh hoạt trong mọi địa hình, an toàn cho người sử dụng là những yếu tố cần thiết khi chọn xe chuyên chở các sản phẩm
Việt Nam dành cho Lào ưu đãi đặc biệt trong đó có 3 cấp độ liên quan đến công tác kiểm dịch và kiểm dịch thực vật.