Doanh Nghiệp Khó Khăn Vì Nhân Lực Yếu
Đa số doanh nghiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn và lợi nhuận giảm, nguyên nhân chính là nhân lực yếu.
Giám đốc Cty TNHH Cơ điện Thới Hưng ở phường An Bình (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) Nguyễn Văn Diễn thẳng thắn: “Tôi không nhận kỹ sư mới tốt nghiệp về làm việc, vì không ra thầy không ra thợ”.
Cty của ông Diễn chuyên về điện công nghiệp và sản xuất các dây chuyền chế biến nông sản, do quen biết với một số trường đại học nên thường được gửi sinh viên đến thực tập. Ông nói: “Lý thuyết lạc hậu, tay nghề không có là đặc điểm chung của các sinh viên ngành cơ điện”.
Mỗi khi phải nhận sinh viên thực tập, ông chỉ giao những việc đơn giản như nối đường dây điện hoặc quấn mô tơ “mà nhiều người làm không tròn, đến khi tốt nghiệp vẫn như vậy; còn chuyện tính toán thiết kế hệ thống điện là quá xa xôi”.
Ông Nguyễn Quốc Vững, GĐ Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TP Cần Thơ, cho biết tuyển lao động giúp việc nhà và tạp vụ cũng khó. Từ đầu năm đến tháng 7, Trung tâm được đặt nhu cầu 20 người giúp việc nhà và tạp vụ cơ quan nhưng chưa tuyển được người nào. Lương tháng cho tạp vụ cơ quan là 5 triệu đồng, đảm bảo đầy đủ các chế độ bảo hiểm.
“Mà yêu cầu cho công việc không cao lắm, chỉ cần người có sức khỏe, tính tình trung thực, tác phong gọn gàng”, ông Vững nói.
GẦN 43% KHÓ KHĂN DO LAO ĐỘNG
Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, PGĐ Chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI Cần Thơ), khảo sát các doanh nghiệp ở ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm, đa số giảm doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể có 57,1% số doanh nghiệp giảm doanh thu, gần 68% giảm lợi nhuận. Hai yếu tố chính tác động đến sự sụt giảm là nhu cầu thị trường trong nước giảm và chất lượng lao động kém, trong đó lao động kém tác động đến gần 43% doanh nghiệp.
Vì chất lượng lao động kém, việc dự báo và đặt kế hoạch từ đầu năm của các doanh nghiệp có khoảng cách rất xa so với thực tế, như doanh thu thực tế chỉ bằng 1/10 dự báo.
Chất lượng lao động còn thể hiện trong chất lượng giao thương với Trung Quốc. Hơn 23% doanh nghiệp ở ĐBSCL cho biết, có quan hệ giao thương với Trung Quốc, đa số bắt đầu từ năm 2010. Trong đó, có tới 92,3% “không có thông tin chính thức về đối tác Trung Quốc”.
Các doanh nghiệp giao thương với Trung Quốc theo kiểu “thương lái ở ruộng”, chủ yếu bán hàng thô, thấy điều kiện về tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa dễ dãi là làm với phương thức “mua đứt bán đoạn, trả tiền mặt tại chỗ”. Và cũng thường bị lường gạt mất tiền vì nhẹ dạ cả tin.
“CẢ NƯỚC I XÌ VẬY”
Theo bà Phạm Chi Lan, phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, “chứ kinh tế mà một đại gia bất động sản giàu có bằng hàng nghìn người mất đất; lúa gạo chỉ đưa lợi ích đến cho vài doanh nghiệp độc quyền, còn nông dân được hưởng rất ít thì không ổn”.
Mới đây tại Cần Thơ, VCCI Cần Thơ tổ chức hội thảo “Kinh tế ĐBSCL trong bối cảnh kinh tế phụ thuộc, những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”, khi nghe những thông tin trên của bà Linh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói “cả nước i xì vậy”.
Bà Lan cho biết, năng suất lao động cả nước thấp và giảm dần: chất lượng lao động Việt Nam trong nhóm 10% thấp nhất khu vực, mức tăng năng suất lao động trung bình mỗi năm nếu như giai đoạn 2002-2007 là 5,2%, thì giai đoạn 2008-2013 chỉ còn 3,3%.
Bà Phạm Chi Lan đưa ra con số: các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài xuất khẩu, năm ngoái chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của nước ta, năm nay dự kiến 70%. “Mấy chục triệu lao động nước ta chỉ xuất khẩu 30%, làm sao kinh tế nước nhà mạnh và tự chủ?”, bà đặt câu hỏi.
Đa số doanh nghiệp ở ĐBSCL cho rằng, tình hình kinh doanh cuối năm 2014 tiếp tục khó khăn mà một trong những nguyên nhân chính là “thiếu công nhân có tay nghề”. Bà Phạm Chi Lan khẳng định, tăng năng suất lao động là giải pháp hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, đưa kinh tế nước ta thoát khỏi khó khăn.
Related news
Hơn mười năm qua, Tổ hợp tác (THT) Đầm Chông thuộc làng biển Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) luôn bám biển, phát huy nghề truyền thống đánh bắt thuỷ sản bằng lưới đăng hiệu quả, tạo công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.
Ngoài việc phải bảo đảm điều kiện cách xa khu dân cư, quy trình chăn nuôi khép kín, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn được chính quyền địa phương ủng hộ nhờ hiệu quả ổn định nên bà con nông dân xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) rất an tâm đầu tư thực hiện mô hình này.
Để chủ động phòng bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thuỷ sản tiếp tục tăng cường công tác triển khai phòng chống dịch trên toàn tỉnh, song song đó thực hiện tiêm phòng, quản lý tốt các hoạt động giết mổ, bày bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm.
Sau những năm tháng trồng rau thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Chiêu, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở về quê hương và áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn để phát triển kinh tế gia đình và bước đầu anh đã thành công.
Mặc dù, năm nay vải Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) không được mùa so với mọi năm, nhưng những người trồng vải ở đây vẫn vui, vì giá vải mùa này khá ổn định; không những thế, bà con còn thêm một niềm vui nữa, đó là lần đầu tiên vải chín sớm Phương Nam có thương hiệu riêng trên thị trường tiêu thụ...