Diệt chuột tập trung vùng xen canh
Do nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị cao nên huyện Đan Phượng, Hà Nội hình thành nhiều diện tích lúa xen canh rau màu bị chuột phát hoại mạnh.
Đặc tính các loại thuốc chuột Hà Nội hỗ trợ người dân khiến cho chuột xuất huyết nội tạng khi ăn phải và chết dần, không gây hại tới động vật nuôi là chó mèo. Ảnh: NH.
Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đan Phượng, Trí Thị Khuyên, cho biết, diện tích lúa của huyện những năm gần đây giảm dần theo xu thế chung. Trong đó, một số diện tích lúa được bà con nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Việc chuyển đổi này vô hình chung hình thành các cánh đồng xen canh giữa lúa và hoa màu, điều kiện thuận lợi cho chuột có nguồn thức ăn quanh năm và nơi trú ngụ, đặc biệt, những diện tích sản xuất gần khu dân cư bị chuột gây hại rất lớn.
Từ chủ trương, chỉ đạo của ngành nông nghiệp thành phố và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, năm 2021, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đan Phượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức diệt chuột tập trung trên vụ xuân và vụ mùa.
Vụ mùa năm nay, huyện Đan Phượng tổ chức diệt chuột tập trung từ ngày 10 - 15 tháng 7. Trước đó, huyện Đan Phượng cũng tiến hành diệt chuột tập trung vụ xuân từ ngày 10 - 15 tháng 3.
Theo bà Khuyên, việc diệt chuột tập trung mang lại hiệu quả tích cực bởi sau các chiến dịch diệt chuột, diện tích trồng trọt bị chuột phá hoại giảm hẳn. Đơn cử, chỉ riêng vụ xuân 2021, toàn huyện Đan Phượng đã diệt được trên 50.000 con chuột bảo vệ mùa màng.
“Chúng tôi tổ chức diệt chuột tập trung bằng nguồn thuốc của TP. Hà Nội và của huyện hỗ trợ. Để đạt hiệu quả cao, chúng tôi tiến hành tổ chức diệt chuột tập trung trên toàn bộ diện tích canh tác, các khu dân cư, công nghiệp, khu canh tác khó khăn chuột trú ngụ nhiều. Song song với đó, chúng tôi cũng tiến hành hỗ trợ bẫy bán nguyệt cho toàn bộ 16 xã và thị trấn để diệt chuột trong suốt mùa vụ.” Bà Khuyên cho hay.
Bà Khuyên cho biết thêm, tất cả các loại thuốc diệt chuột trong vụ xuân và vụ mùa đều nằm trong danh mục cho phép lưu hành tại Việt Nam như hoạt chất Warfarin. Ưu điểm của các loại thuốc này là cơ chế chết chậm, gây xuất huyết nội tạng khi chuột ăn phải nên an toàn với động vật là chó, mèo nếu không may ăn phải xác chuột.
Bà Nguyễn Thị Trọng, đội 11, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng cho biết, nhà bà có tổng cộng 3 sào lúa, trong đó có 1 sào nằm gần khu dân cư. Các năm trước, nhiều vụ lúa bà gần như mất trắng do chuột phá hoại. Vụ xuân 2021 này, nhờ được địa phương hỗ trợ bả và bẫy nên diện tích lúa bị chuột phá hoại của gia đình bà Trọng giảm rõ rệt.
Bà Trọng tâm sự: "Được các cán bộ bảo vệ thực vật của xã, huyện hướng dẫn, tôi cho mồi vào trong túi ni lông tự hủy để hiệu quả của mồi được lâu. Sau khi đi thăm đồng, tôi nhận thấy mồi rải ra chuột đều ăn hết nên tiến hành kiểm tra các mương nước xung quanh thấy đúng là xác chuột chết rất nhiều".
Theo chia sẻ của cán bộ bảo vệ thực vật xã Phương Đình, đặc tính của các loại bả bà con nông dân được hỗ trợ là chuột ăn phải sẽ khát nước nên tìm nước để uống và chết tại đó. Vì vậy, sau một đợt diệt chuột tập trung, địa phương lại tiến hành tổ chức các chiến dịch thu gom xác chuột để xử lý nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội nhấn mạnh, năm 2021, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập huấn cho 2.000 nông dân trực tiếp sản xuất về tác hại của chuột, quy luật hoạt động, đặc tính, thói quen của chuột và hướng dẫn các biện pháp diệt chuột.
Kết quả, vụ xuân 2021, Hà Nội đã diệt được gần 2,5 triệu con chuột. Nhờ vậy, diện tích cây trồng bị chuột gây hại giảm gần 455ha.
Từ đó, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội kiến nghị, thành phố tiếp tục hỗ trợ thuốc, mồi làm bả cho các chiến dịch diệt chuột tập trung trên toàn thành phố cùng một thời điểm và duy trì ở các năm tiếp theo.
Related news
Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) đang được nông dân tại Bình Thuận nhiệt tình đón nhận, bởi họ đã ngộ ra rất nhiều lợi ích nhờ áp dụng kỹ thuật này.
Những năm gần đây, bên cạnh áp lực dịch bệnh, ngành chăn nuôi ở ĐBSCL còn phải ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.
Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bước đầu tiếp cận được thị trường và tạo niềm tin với người tiêu dùng.