Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điểm Đích 10.000 Ha Tôm Công Nghiệp - Chú Trọng Đầu Tư, Quy Hoạch Chiều Sâu

Điểm Đích 10.000 Ha Tôm Công Nghiệp - Chú Trọng Đầu Tư, Quy Hoạch Chiều Sâu
Publish date: Wednesday. June 27th, 2012

Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển đạt 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp vào năm 2015. Từ đó, một lộ trình thực hiện cũng được ra đời. Mặc dù trong thời gian gần đây, diện tích nuôi tôm công nghiệp đang phát triển nhanh, nhưng xem ra để đạt được mục tiêu trên vào năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển tôm công nghiệp, nhiều yếu kém, tồn tại đã bộc lộ.

Đầu chưa xuôi

Khâu đầu tiên và được xem là quan trọng, có tính chất quyết định để về đích 10.000 ha tôm công nghiệp là việc quy hoạch vùng, cụm nuôi ở từng địa phương. Thế nhưng đã hơn 1 năm, hầu như công tác quy hoạch vẫn chưa có chuyển biến nhiều. Trong số 8 huyện và thành phố chỉ có huyện Phú Tân phê duyệt được đề án, còn lại đang trong quá trình quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Dũng nhận định, không chỉ công tác quy hoạch còn rất chậm so với tiến độ đặt ra mà hiện nay còn tồn tại tình trạng quy hoạch theo đuôi dân, tức dân phát triển ở đâu thì quy hoạch đến đó. Điều đó dẫn đến tình trạng quy hoạch thay đổi liên tục. Dẫu biết quy hoạch của ta là quy hoạch mềm và có chỉnh sửa nhưng không phải chỉnh sửa theo kiểu toàn bộ.

Hiện nay, công tác quy hoạch ở các địa phương chỉ giao toàn bộ cho các đơn vị tư vấn, nên nhiều quy hoạch không sát với thực tế và còn dàn trải. Việc phát triển thiếu tập trung sẽ dẫn đến tình trạng tỉnh không thể đủ sức đầu tư cho toàn bộ cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện cho các vùng, cụm nuôi.

Qua rà soát của Sở Công thương cho thấy, chỉ riêng việc đầu tư phát triển nâng cấp lưới điện 3 pha phục vụ sản xuất, tỉnh cần phải đầu tư thêm khoảng 200 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi rà soát lần đầu tiên đến nay thì vốn phải đầu tư thêm tăng hơn 2,5 lần (147 tỷ đồng).

Điều này cho thấy, một tín hiệu vui là hiện diện tích các cụm, vùng nuôi tôm công nghiệp đang phát triển nhanh, nhưng con số đó cũng nói lên rằng, diện tích nuôi tôm công nghiệp hiện phát triển phân tán, không tập trung và công tác quy hoạch có vấn đề.

Một nghịch lý trong công tác quy hoạch vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp vẫn còn tồn tại là quy hoạch “cưỡng bức”. Trong khi người dân, người trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng mà khi quy hoạch lại được các sở, ngành lập ra, thông qua đơn vị tư vấn mà không có sự đóng góp của người dân. Đồng thời, khi quy hoạch được duyệt, một lần nữa lại không được tổ chức triển khai sâu rộng trong dân. Chính vì vậy, khi diện tích mới phát sinh ngoài quy hoạch thì quy hoạch lại được chỉnh sửa, bổ sung, thay đổi...

Đuôi khó lọt

Một điều tất nhiên là, khi quy hoạch chưa hoàn thành thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất không thể thực hiện được, nhất là hệ thống lưới điện 3 pha.

Ông Đinh Công Toại, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết, trong tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, tỉnh đã có chủ trương kiên quyết là chỉ đầu tư cho vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp nằm trong đề án quy hoạch được phê duyệt.

Do đó, trước mắt các địa phương cần nhanh chóng hoàn thành đề án quy hoạch của mình. Đối với việc nâng cấp lưới điện 3 pha phục vụ sản xuất các vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp, sở sẽ tranh thủ mọi nguồn vốn cho Công ty điện lực Cà Mau đầu tư.

Không chỉ gặp khó trong việc đầu tư nâng cấp lưới điện 3 pha, mà việc chưa hoàn thành quy hoạch dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh. Trong đó, việc diện tích nuôi tôm công nghiệp tự phát ngoài quy hoạch, thiếu quản lý, thiếu hệ thống thủy lợi… là mối đe dọa về tình trạng dịch bệnh và ô nhiễm môi trường nuôi.

Một trong những tồn tại hiện nay cần phải được tháo gỡ là, bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thành quy hoạch và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nghề nuôi, việc nâng cao trình độ hiểu biết khoa học - kỹ thuật của người dân là rất quan trọng.

Mặc dù diện tích nuôi tôm công nghiệp đang phát triển nhanh, nhưng hiện nay loại hình này vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy hiện nay hệ thống khuyến nông viên đã được phủ kín hết các xã trên địa bàn, nhưng trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động của đội ngũ trên vẫn chưa cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Dũng nhận định, hiện nay hệ thống khuyến nông viên cơ sở chưa thật sự là điểm tựa cho người dân. Nhiều trường hợp khi tôm bệnh người dân không tìm đội ngũ này để tư vấn mà lại tham khảo những ông chủ các đại lý vật tư nông nghiệp. Đồng thời, các lớp đào tạo nghề cho nông dân hiện hiệu quả không cao, đa phần người dân chưa nắm được kỹ thuật trong chăn nuôi.

Trong khi quy hoạch cụ thể chưa hoàn thành, đồng nghĩa với chưa xây dựng được nền tảng thì các địa phương lại quá chú trọng đến con số trong chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Điều đó dẫn đến tình trạng diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng nhanh nhưng thiếu bền vững.

Theo nhận định của ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), hiện nay ta không nên quá chú trọng việc phát triển diện tích nuôi mà tập trung đầu tư phần diện tích hiện có theo chiều sâu. Nếu làm tốt, mang lại hiệu quả cho người nuôi thì mục tiêu 10.000 ha trong năm 2015 không chỉ tự động đạt được mà năng suất sẽ cao hơn mong đợi.

Related news

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Chuối Tiêu Hồng Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Chuối Tiêu Hồng

Mô hình trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp cấy mô do UBND xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) thực hiện tại thôn Định Trường, với diện tích 1 ha, có 5 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 100% giá giống, phân bón và được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...

Friday. November 7th, 2014
VASEP Kiến Nghị Thuế Nhập Khẩu Cá Hồi Năm 2015 Là 0% VASEP Kiến Nghị Thuế Nhập Khẩu Cá Hồi Năm 2015 Là 0%

VASEP cho rằng cá hồi đông lạnh chủ yếu được NK về để phục vụ gia công xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước. Mặt hàng cá hồi hiện nay ở Việt Nam chưa phải là sản phẩm đã sản xuất được ở cấp độ hàng hóa, việc NK không mang tính cạnh tranh với sản xuất trong nước. Do đó, Hiệp hội đề xuất giảm mức thuế NK với cá hồi về 0% nhằm phong phú nguồn nguyên liệu chế biến gia công XK thủy sản.

Friday. November 7th, 2014
Hậu Giang Có Hơn 4.480ha Cây Ăn Trái Nhiễm Sâu Bệnh Hậu Giang Có Hơn 4.480ha Cây Ăn Trái Nhiễm Sâu Bệnh

Ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và ngành nông nghiệp các địa phương cùng các nhà vườn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành, để khống chế sự lây lan bệnh trên cây có múi.

Friday. November 7th, 2014
Kiểm Dịch Thực Vật… Bỏ Ngỏ Đến Bao Giờ? Kiểm Dịch Thực Vật… Bỏ Ngỏ Đến Bao Giờ?

Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới vào sản xuất trên các vùng đất khác nhau nhằm phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên có một thực tế đáng quan ngại hiện nay là năng suất cây trồng giảm mạnh sau một thời gian ngắn canh tác, sâu bệnh phát sinh gây hại tràn lan, chất lượng sản phẩm kém, tính cạnh tranh thấp. Nguyên nhân đầu tiên được xác định là do nguồn giống không đảm bảo, chưa qua kiểm dịch thực vật.

Friday. November 7th, 2014
Nhãn Tam Hiệp... Tỏa Hương Xa Nhãn Tam Hiệp... Tỏa Hương Xa

Dẫu còn phải lụy phà giang nhưng người dân ở cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đang có một niềm vui mới to lớn hơn. Đó là trong tương lai không xa, trái nhãn nơi đây sẽ xuất sang Mỹ.

Friday. November 7th, 2014