Dịch chiết quế và gừng trị rô phi bị mắt lồi, xuất huyết
Trên cá rô phi, bệnh lồi mắt, xuất huyết thường xuất hiện vào mùa mưa và các tháng giao mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, với tỷ lệ chết cao (gần như 100% từ khi phát hiện bệnh), gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người nuôi, bệnh này được xác định do vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây ra.
Sử dụng thảo dược trong phòng trị bệnh nhiễm khuẩn đang ngày càng trở nên phổ biến do những ưu điểm: dễ tìm kiếm, giá thành thấp, hoạt tính kháng khuẩn cao, có khả năng kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của vật chủ, không gây nên hiện tượng đề kháng thuốc và đặc biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được nhiều người dân ưa chuộng. Hiện nay, có nhiều nghiên cứu thảo dược có tính kháng vi khuẩn Streptococcus agalactiae.
Một số thảo dược có tác dụng kháng Streptococcus agalactiae
Đối với nhóm vi khuẩn Streptococcus, đã có nhiều nghiên cứu tìm ra một số loại thảo dược có tác dụng kháng Streptococcus cũng như xác định được loại dung môi tạo dịch chiết đạt hiệu quả kháng Streptococcus mạnh nhất. Dịch ép của cỏ lào (Eupatorium odoratum) đã được đánh giá là có khả năng kháng khuẩn đối với vi khuẩn Streptococcus sp. gây bệnh trên cá rô phi vằn. Dịch chiết lá hẹ (Allium tuberosum) có khả năng kháng vi khuẩn Streptococcus sp. cao, trong đó nước, ethanol và methanol là các loại dung môi cho dịch chiết có tác dụng kháng S.agalactiae cao (Trương Thị Mỹ Hạnh, 2008).
Dịch chiết lá cây hương thảo (Rosmarinus officinalis) có hiệu quả trị bệnh nhiễm khuẩn do Streptococcus sp. trên cá rô phi (Oreochromis spp.) (Abutbul và ctv., 2004). Nghiên cứu thực hiện trên cá rô phi lai trong 4 tuần với khẩu phần ăn có 0,5% tỏi (Allium sativum) cho thấy có tác dụng nâng cao miễn dịch và tính đề kháng bệnh của cá (Ndong và ctv., 2007). Dịch chiết bằng nước của lá chùm ngây (Moringa oleifera) có tác dụng kháng vi khuẩn S. agalactiae type 2 mạnh nhất, theo sau là chiết xuất bằng dung môi Chloroform của lá sầu đâu (Azadirachta indica) (Kamble và ctv., 2014).
Dịch chiết vỏ quế (Cinnamomum verum), củ tỏi (Allium sativum), hoa đinh hương (Eugenia caryphyllus), cỏ xạ hương (Thymus vulgaris) cũng có tác dụng kháng S.agalactiae (Alsaid và ctv., 2010). Bên cạnh đó, dịch chiết bởi ethanol của ổi (P. guajava) và dịch chiết; bởi nước của cây duối nhám (S. asper) cũng có tác dụng kháng S. agalactiae mạnh.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiếp tục khảo sát tính kháng khuẩn của 2 loại cao chiết thảo dược (gừng và quế) tách chiết bằng phương pháp ngấm kiệt trong dung môi ethanol với các nồng độ khác nhau nhằm tìm ra nồng độ tối ưu cho tách chiết đối với hai chủng vi khuẩn Streptococcus agalactiae CC-2.1 và Q9-8.1 thu từ cá rô phi có biểu hiện xuất huyết, lồi mắt ở thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu ứng dụng dịch chiết quế và gừng trên cá rô phi
Trong nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát hiệu quả kháng khuẩn đối với hai chủng vi khuẩn Streptococcus agalactiae được phân lập từ cá rô phi bị bệnh lồi mắt, xuất huyết thu tại thành phố Hồ Chí Minh bởi cao chiết quế và gừng, được tách chiết bằng phương pháp ngấm kiệt với dung môi ethanol ở 3 nồng độ riêng lẻ (96%, 72%, 48%) và liên tục (96% tiếp đến 72% và 48%). Sau đó các cao chiết được cô bằng máy cô quay (Haake Phoenix II - C25P - Thermo) ở nhiệt độ 60oC cho đến khi 99% dung môi được loại bỏ. Các cao chiết dạng sệt được bảo quản lạnh ở -200oC để sử dụng cho các thí nghiệm thử khả năng kháng khuẩn.
Vòng vô khuẩn của cao chiết gừng và vòng vô khuẩn của cao chiết quế
Qua nghiên cứu cho thấy chiết xuất thảo dược gừng và quế trong dung môi ethanol 96% đạt hiệu quả cao nhất. Khả năng kháng khuẩn Streptococcus agalactiae của cao chiết quế trong ethanol 96% (nồng độ cao chiết 330 mg/ml) cho đường kính vòng kháng khuẩn 29-34 mm và cao chiết gừng trong ethanol 96% (nồng độ cao chiết 330 mg/ml) cho đường kính vòng kháng khuẩn 14-17 mm, khả năng ức chế và diệt vi khuẩn Streptococcus agalactiae (5 x 103CFU/ml). Khả năng ức chế tối thiểu là MIC=2 mg/ml, MBC=8 mg/ml ở cao chiết quế; cao chiết gừng cho giá trị MIC=1 mg/ml, MBC=2 mg/ml).
Cao chiết quế và gừng trong ethanol 96% là hai loại cao thảo dược có tiềm năng ứng dụng để phòng trị bệnh do Streptococcus agalactiae gây ra trên cá rô phi.
Related news
Nghiên cứu hiện tại được thực hiện để đánh giá tác dụng của bột cúc chỉ thiên đối hiệu suất tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch của cá rô phi.
Nuôi cá rô phi bằng lồng đang ngày càng được đầu tư phát triển mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt các mô hình nuôi trên hồ chứa.
Bài viết là thành quả của một chương trình cho ăn trên cá rô phi được nuôi trong lồng ở Brazil, nhằm cung cấp cho người nuôi cá một chiến lược cho ăn hiệu quả