Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đi Tìm Nguyên Nhân Ngô Ra Bắp Nhưng Không Có Hạt

Đi Tìm Nguyên Nhân Ngô Ra Bắp Nhưng Không Có Hạt
Publish date: Friday. August 22nd, 2014

Sau khi Báo Cao Bằng đăng tải bài viết ra ngày 9/7/2014 “Nhiều diện tích ngô ra bắp nhưng không có hạt” tại tổ 10 phường Hòa Chung (Thành phố), chúng tôi tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân vì sao có tình trạng giống ngô NK 4300 xảy ra hiện tượng cây ra nhiều bắp nhưng không có hạt hoặc kết hạt kém...

NGƯỜI DÂN BỎ NGÔ, TRỒNG LÚA

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Giống cây trồng tỉnh, đơn vị đã cung ứng giống ngô NK 4300: Vụ xuân năm 2014, Công ty nhập 45 tấn giống ngô NK 4300 từ Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang để cung ứng cho bà con tại 13 huyện, thành phố.

Trong đó: Thành phố 4,5 tấn, Trùng Khánh 11,5, Quảng Uyên 5,1 tấn, Hòa An 2,7 tấn, Hạ Lang 1,8 tấn, Hà Quảng 2,7 tấn... Đây là giống ngô nằm trong cơ cấu giống ngô lai được một số địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển đưa vào sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, thay vì niềm vui bội thu như các vụ trước thì vụ xuân này, nông dân tổ 10, phường Hòa Chung và xã Chu Trinh (Thành phố) phải lao đao bởi cây ngô sinh trưởng, phát triển bình thường, xanh tốt, song đến kỳ thu hoạch lại không có hạt.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 10, phường Hòa Chung (Thành phố) cho biết: 4 - 5 năm trở lại đây, bà con chủ yếu đưa giống ngô NK 4300 vào trồng vì giống này cho năng suất cao. Nhưng đây là năm đầu tiên người trồng ngô gặp phải tình trạng trên nên người dân đang rất lo lắng, phải chặt bỏ dần làm thức ăn cho trâu, bò hoặc phơi khô làm chất đốt.

Các chị: Vi Thị Nguyệt, Triệu Thị Tươi, Nguyễn Thị Thu Huyền, tổ 10, phường Hòa Chung (Thành phố) bức xúc phản ánh: Vụ xuân năm nay có 5 hộ dân trong tổ 10 đều cùng gieo trồng giống ngô NK 4300 trên diện tích 8.200 m2, giống ngô NK 4300 mua ở một số điểm bán giống cây trồng tại Thành phố. Thời kỳ đầu, cây sinh trưởng phát triển bình thường, nhưng đến khi thu hoạch ngô lại không có hạt.

Ngay sau đó, người dân đã báo cáo cho Chi hội Nông dân biết về thực trạng ngô không hạt. Ngày 25/6/2014, Chi hội Nông dân tổ 10 báo cáo trực tiếp Hội Nông dân phường Hòa Chung (Thành phố) nhưng mãi đến ngày 15/7/2014, sau gần 1 tháng các cơ quan chức năng liên quan mới đến xem xét. Lúc đó, đa số các gia đình đã chặt bỏ ngô để làm đất gieo cấy lúa mùa.

Ông Đinh Quốc Sỹ, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Thành phố cho biết: Qua đánh giá bước đầu tại tổ 10 phường Hòa Chung, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngô ra bắp nhưng không có hạt một phần có thể do thời tiết hoặc do ảnh hưởng của giống, quy trình canh tác của nông dân...

Cùng chung tình cảnh trên, gần 2.000 m2 ngô của gia đình ông La Lục Ét, xóm Nà Sảo, xã Chu Trinh (Thành phố) mỗi cây cho 3 - 4 bắp, thậm chí có cây lên đến 6 bắp, nhưng khi bóc ra cũng không có hạt hoặc tỷ lệ kết hạt đạt thấp.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Chu Trinh, hiện nay, toàn xã có 8,5 ha ngô gồm các loại giống: NK 4300, NK 7328, NK 6654... không có hạt hoặc thu hoạch không đáng kể, mặc dù người dân xuống giống, chăm sóc, bón phân theo đúng kỹ thuật. Trong khi đó một số hộ dân trồng giống ngô NK 67, DK 9955 với điều kiện ngoại cảnh và thời gian tương tự cho năng suất như bình thường.

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng trên, ông Bế Ngọc Xuyến, Phó Trưởng phòng Kinh tế Thành phố, UBND Thành phố cho biết: Sau khi có thông tin phản ánh từ người dân, ngày 15/7/2014, UBND Thành phố cùng đại diện các công ty kiểm tra, xem xét thực địa ở xã Chu Trinh (Thành phố).

Qua kiểm tra hiện trường tại xóm Khuổi Sảo, Đoàn kiểm tra kết luận nguyên nhân hiện tượng ngô kết hạt kém xảy tại một số điểm trên không phải do chất lượng hạt giống mà do yếu tố ngoại cảnh, thời tiết bất thuận: cây con sinh trưởng phát triển yếu trong giai đoạn đầu, kết hợp với nắng nóng và hạn nhiều ngày trong giai đoạn trỗ cờ phun râu làm giảm sức sống hạt phấn và khô râu ngô, ảnh hưởng lớn tới quá trình kết hợp hình thành hạt ngô dẫn đến tình trạng ngô ra bắp kẹ, không kết hạt.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Ngọc Tiến, Chủ tịch xã Chu Trinh (Thành phố), việc các cơ quan chuyên môn giải thích nguyên nhân ngô NK 4300 không hạt do thời tiết là không thuyết phục. Vì trên cùng một diện tích đất, điều kiện chăm sóc và ngoại cảnh như nhau tại sao các giống ngô khác như NK 67, DK 9955... vẫn cho năng suất như bình thường.

Ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Cao Bằng khẳng định: Sau khi biết thông tin, Công ty đã cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra các loại giống ngô do Công ty cung ứng tại các cửa hàng 13 huyện, Thành phố.

Qua đánh giá ban đầu, các loại giống ngô trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Một số địa phương như: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Hòa An... kết quả sản xuất vụ xuân, năng suất giống ngô NK 4300 vẫn đạt từ 60 - 70 tạ/ha.

Qua kiểm tra tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, hiện tượng ngô không hạt chỉ xảy ra rải rác tại một số xóm, tổ của xã Chu Trinh, phường Hòa Chung (Thành phố). Hiện tượng ngô không hạt xảy ra trên địa bàn xã Chu Trinh là “do yếu tố thời tiết”, còn riêng ở phường Hòa Chung (Thành phố) do Công ty nhận được thông tin chậm, khi xuống kiểm tra tại tổ 10 thì bà con đã phá bỏ diện tích trồng ngô để gieo cấy lúa mùa.

Ngoài ra, bà con không chứng minh được nguồn gốc mua giống ở Công ty hay mua ở chỗ khác. Do vậy Công ty cũng không thể xác định được nguồn gốc giống ngô của bà con mua ở đâu, do ai cung ứng.

Cũng theo ông Hữu, mỗi năm Công ty cung ứng khoảng 300 tấn giống ngô ra thị trường, chiếm khoảng 50% nhu cầu. Còn lại là các giống do các doanh nghiệp khác cung ứng và giống trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Hữu cho biết thêm: Nếu đúng người dân mua giống của Công ty và xác định rõ nguyên nhân do chất lượng giống thì Công ty sẽ tiến hành bồi thường thiệt hại cho nông dân theo quy định của pháp luật.

Qua sự việc trên có thể thấy rằng, công tác quản lý nhà nước đối với các loại giống cây trồng và phân bón hiện nay bộc lộ nhiều bấp cập, quản lý “lỏng lẻo”.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể đều tham gia phân phối, kinh doanh vật tư phân bón, giống cây trồng các loại, trong khi công tác quản lý nhà nước của ngành chức năng lại không chặt chẽ thì tình trạng ngô không hạt, lúa kém chất lượng, phân bón giả... xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Trước thực tế trên, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân không mua giống cây trồng, phân bón đã quá hạn sử dụng, giống cây trồng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; định hướng cho nông dân mua giống tại các cơ sở kinh doanh có uy tín, địa chỉ rõ ràng, giữ lại toàn bộ bao bì sau khi trồng đến khi cây trồng cho thu hoạch để làm cơ sở cho việc truy suất nguồn gốc giống khi có rủi ro về giống trong quá trình sản xuất...

Đồng thời, người dân cần chủ động cung cấp thông tin, phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về chất lượng giống khi mua tại các cơ sở kinh doanh không đảm bảo...

Trước mắt, với những thiệt hại đã xảy ra đối với một số hộ nông dân tại phường Hòa Chung và xã Chu Trinh (Thành phố), đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có phương án hỗ trợ cho những hộ có diện tích ngô bị thiệt hại, mất trắng không thu hoạch được, giúp người nông dân tin tưởng, yên tâm sản xuất.


Related news

Đưa Cá Tầm Lên Huyện Miền Núi Sơn Tây Đưa Cá Tầm Lên Huyện Miền Núi Sơn Tây

Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình ở tại đồi núi Mang He, xã Sơn Bua, ông Trần Quí - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết: Đến thời điểm này, con giống đã được thả gần 1 tháng. Tuy còn quá sớm và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác để nói đến việc thành, bại, nhưng qua kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ ban đầu và thực tế nuôi, tôi tin rằng sẽ mô hình này sẽ thành công.

Wednesday. December 3rd, 2014
Người Vực Dậy Nghề Nuôi Tôm Hoà Thắng Người Vực Dậy Nghề Nuôi Tôm Hoà Thắng

Cách đây hai năm, cũng như các khu vực nuôi tôm khác trong tỉnh, nghề nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoà Thắng (tỉnh Bình Thuận) gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ cở sở nuôi đã bỏ đìa không còn thiết tha với nghề, thế nhưng trong năm 2013 nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Friday. July 11th, 2014
Gỡ Khó Cho Người Trồng Dược Liệu Gỡ Khó Cho Người Trồng Dược Liệu

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hải Toàn cho biết: Tháng 1.2014 Hội ND xã Hải Toàn phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến cây dược liệu (đinh lăng) Hải Toàn. Theo đó, phía công ty sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công nghệ sấy lò hơi và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn 10% giá thị trường.

Wednesday. December 3rd, 2014
Nuôi Hươu Lấy Nhung Hướng Đi Mới Cho Nhà Nông Nuôi Hươu Lấy Nhung Hướng Đi Mới Cho Nhà Nông

Nuôi hươu lấy nhung đang là mô hình khá mới ở tỉnh Gia Lai. Được triển khai từ đầu năm 2013 tại huyện Chư Pah (thuộc dự án ứng dụng khoa học công nghệ cấp huyện), đến nay, mô hình này đã bước đầu cho thấy những hiệu quả nhất định, tạo sự phấn khởi nơi người chăn nuôi.

Friday. July 11th, 2014
Hợp Tác Xã Chè Lương Sơn Phát Huy Sức Mạnh Tập Thể, Đẩy Mạnh Sản Xuất Kinh Doanh Hợp Tác Xã Chè Lương Sơn Phát Huy Sức Mạnh Tập Thể, Đẩy Mạnh Sản Xuất Kinh Doanh

Được thành lập năm 2001, Hợp tác xã (HTX) chè Lương Sơn (huyện Yên Lập) có 237 xã viên. Sau nhiều năm củng cố, đổi mới phương thức hoạt động, đến nay mô hình kinh tế tập thể của HTX Lương Sơn đã phát huy thế mạnh trong việc liên kết và là điểm tựa vững chắc cho các hộ gia đình xã viên phát triển sản xuất - kinh doanh chè.

Wednesday. December 3rd, 2014