Đi tìm giải pháp phát triển bền vững cho cây mãng cầu Xiêm
Cây mãng cầu Xiêm đang được người dân Tân Phú Đông lựa chọn để thay thế những cây trồng kém hiệu quả.
Phát triển nhanh
Những năm qua, cây mãng cầu Xiêm phát triển với tốc độ rất nhanh ở huyện Tân Phú Đông. Theo những người dân kỳ cựu nơi đây, loại cây ăn trái này lúc đầu phát triển ở xã Tân Phú, sau đó lan rộng sang các xã xung quanh như Tân Thạnh, Tân Thới. Từ cây trồng “ăn chơi” ít được người dân quan tâm, chỉ trong thời gian ngắn, mãng cầu Xiêm đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện, được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến.
Theo Phòng NN&PTNT huyện, khi thành lập huyện, toàn huyện chỉ có khoảng 200 ha trồng mãng cầu Xiêm, tập trung ở xã Tân Phú, hiện nay đã phát triển lên 850 ha, trong đó chỉ riêng xã Tân Phú diện tích mãng cầu Xiêm đã tăng lên đến trên 570 ha (419 ha đang cho trái ổn định). Còn chỉ tính từ năm 2010 đến nay, diện tích mãng cầu Xiêm trên địa bàn huyện tăng 400 ha.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay nông dân trồng lúa hay những cây trồng kém hiệu quả khác đang tiếp tục lên liếp trồng bình bát để chuẩn bị ghép mãng cầu Xiêm.
Theo người dân nơi đây, sở dĩ mãng cầu Xiêm phát triển nhanh ở vùng này là do cây thích nghi với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của vùng cù lao; hiệu quả kinh tế mang lại từ cây trồng khá cao, khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nhờ nông dân áp dụng thành công giải pháp trồng mãng cầu Xiêm ghép gốc bình bát đã tăng khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của vùng cù lao, nhất là hạn mặn, hạn chế tình trạng chết nhát trên cây mãng cầu.
Với hiệu quả kinh tế mang lại cao, thị trường có nhu cầu, cùng với khả năng thích nghi đối với điều kiện tự nhiên ở Tân Phú Đông, các nhà chuyên môn dự đoán, thời gian tới diện tích cây mãng cầu Xiêm sẽ tiếp tục tăng do nông dân đẩy mạnh chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả ở các xã Phú Thạnh, Phú Đông sang trồng mãng cầu Xiêm. Hiện nay, huyện cũng đã quy hoạch phát triển diện tích mãng cầu Xiêm đến năm 2020 là 1.250 ha, tập trung ở các xã: Tân Phú, Tân Thạnh, Tân Thới, Phú Thạnh và Phú Đông.
Thách thức và giải pháp
Trước tình trạng diện tích mãng cầu Xiêm tăng nhanh trong thời gian qua cùng với việc khai thác quá mức khả năng cho trái, không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong canh tác của nhà vườn đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây trồng này.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, trên mãng cầu Xiêm đã xuất hiện bệnh khô cành, thối rễ. Theo ghi nhận của ngành, từ năm 2008 đến nay, tổng diện tích mãng cầu Xiêm bị nhiễm bệnh khô cành, thối rễ đã lên đến trên 60 ha, trong đó diện tích vườn trồng bị bệnh nhưng chưa chặt hoặc đã bị chặt nhưng chưa trồng lại trên 10 ha. Điều quan tâm nhất của ngành Nông nghiệp và nhà vườn lúc này là bệnh đang tiếp tục có xu hướng tăng, trong khi các biện pháp phòng, chống chưa mang lại hiệu quả.
Thiếu nước ngọt vào mùa khô, cộng với khai thác cho trái quá mức dễ làm cho cây mãng cầu Xiêm bị suy kiệt nhanh.
Lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng lây lan bệnh khô cành, thối rễ trên mãng cầu Xiêm trong thời gian qua, ông Hải cho biết, trong thời gian dài nhà vườn chú trọng mở rộng diện tích mà ít quan tâm đến khâu chăm sóc, phòng ngừa bệnh.
Hệ thống mương, liếp không bảo đảm cho việc cấp, thoát nước trong vườn dẫn đến nước dễ bị tù đọng, ngập úng khi bị triều cường. Đặc biệt, cây bị thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập kéo dài vào mùa khô (độ mặn trong mương, liếp có nơi, có lúc trên 6 g/l) đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.
Hơn nữa, nhà vườn sử dụng mắt ghép mãng cầu Xiêm không rõ nguồn gốc để ghép gốc bình bát. Thêm vào đó, do nhà vườn tận dụng triệt để khai thác khả năng cho trái, xử lý trái chín sớm quá mức đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, khả năng chống chịu của cây. Đây là những điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và lây lan.
Trước thực trạng này, để hạn chế, ngăn chặn bệnh khô cành, thối rễ, hướng cây mãng cầu Xiêm đến sự phát triền bền vững, ông Hải cho biết thời gian tới, huyện tiếp tục áp dụng kết quả của đề tài phòng trừ bệnh khô cành, thối rễ trên cây mãng cầu Xiêm của Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai ra diện rộng cho nhà vườn.
Mặt khác, huyện liên hệ với các nhà khoa học đầu ngành trong nước về bệnh nấm, tuyến trùng gây hại trên cây ăn trái để hỗ trợ cho huyện về các biện pháp phòng trừ các bệnh trên cây mãng cầu Xiêm (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã đến tìm hiểu bệnh trên cây mãng cầu Xiêm của huyện và hứa sẽ tìm cách hỗ trợ); tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng và chăm sóc mãng cầu Xiêm cho nhà vườn.
Ngoài ra, thông qua các lớp dạy nghề nông thôn, ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan tăng cường mở các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng mãng cầu Xiêm cho những hộ chuẩn bị trồng. Còn về đầu ra, huyện tiếp tục thành lập, củng cố tổ hợp tác tại vùng trồng nhằm tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ trái mãng cầu Xiêm; kêu gọi công ty, doanh nghiệp xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến mãng cầu Xiêm tại chỗ.
Huyện cùng với các sở, ngành tỉnh, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh triển khai mô hình, chương trình, đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất theo GAP; quản lý sau thu hoạch; liên kết sản xuất và tiêu thụ mãng cầu Xiêm, hướng cây trồng chủ lực của huyện cù lao đến sự phát triển bền vững.
Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ (đơn vị chủ quản) và Viện Cây ãn quả miền Nam (đơn vị chủ trì thực hiện) triển khai đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao nãng suất, chất lượng và xây dựng mô hình VietGAP trên cây mãng cầu Xiêm Tân Phú Ðông”.
Đến tháng 7 vừa qua, Tổ hợp tác Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 13,2 ha của 25 hộ trồng.
Related news
Giai đoạn 2009-2012, xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới - An Giang) chuyển đổi 177 héc-ta đất lúa sang trồng rau màu và lập vườn cây ăn trái, đưa chỉ số diện tích rau màu tăng gấp đôi và giá trị sử dụng vòng quay của đất lên 4,13 lần/năm, góp phần đảm bảo thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.
Năm 2012, sản xuất nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là nuôi tôm nước lợ, làm ảnh hưởng đến thu nhập và hiệu quả kinh tế của người nuôi. Tổng diện tích thả nuôi toàn tỉnh là 5.052 ha đạt 98% so KH (riêng diện tích nuôi mặn lợ 1.532 ha); sản lượng nuôi thủy sản đạt 9.510 tấn (nuôi mặn lợ sản lượng 4.300 tấn).
Chưa năm nào người nuôi tôm lại bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như năm nay. Chọn nuôi con tôm thẻ hay con tôm sú? Đó là vấn đề thật sự làm nhiều người đau đầu. Nuôi tôm sú năm qua lỗ nhiều hơn lãi, còn nuôi tôm thẻ chân trắng thì quá liều lĩnh, vì đây là đối tượng nuôi mới và mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư rất nhiều.
Ngày 12.6, Hội ND huyện Hòa Vang tổ chức tập huấn cách bẫy, bắt chuột hiệu quả trên đồng ruộng với loại bẫy cải tiến cho 150 cán bộ cơ sở hội.
Anh Phan Thanh Bình Ấp Mỹ Á, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang thành lập trang trại chăn nuôi vịt từ năm 2003 trên diện tích khu đất 20.000 m2. Trong đó: có 2 ao thả vịt, với diện tích mặt nước ao là 12.000 m2, còn lại là diện tích chuồng trại, sân chơi cho vịt và bờ rào.