Đề nghị Chính phủ Úc sớm bãi bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có công thư gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp - Tài nguyên nước Australia đề nghị Chính phủ nước này sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín.
Trong ảnh: Lệnh cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín khiến doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Australia thiệt hại hàng triệu USD
Theo thông tin từ Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ ngày 9/1/2017 do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland. Theo đó, các lô hàng đến Australia kể từ ngày 9/1/2017 sẽ bị tiêu hủy hoặc tái xuất. Các sản phẩm tôm đang trên đường nhập khẩu và sẽ đến Australia trước ngày 9/1/2017 sẽ phải chịu kiểm tra nâng cao và tăng cường chế độ thử nghiệm. Sản phẩm tôm nhập khẩu quá cảng sang Australia cũng phải chịu chế độ kiểm tra và thử nghiệm ngặt nghèo. Đối với các lô hàng rời cảng nước xuất khẩu vào ngày 9/1/2017 hoặc sau ngày 9/1/2017 khi đến Australia sẽ phải được tái xuất hoặc tiêu hủy. Đối với các lô hàng đang trên đường tới Australia sẽ bị kiểm tra, kiểm định bắt buộc 100%. Lệnh cấm kéo dài trong vòng 6 tháng.
Ngay sau khi phía Australia có thông báo tạm ngừng nhập khẩu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin nhanh cho các hiệp hội, doanh nghiệp, thông báo và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp khắc phục. Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với Hiệp hội Nhập khẩu thủy sản của Australia để có tiếng nói chung với Chính phủ nước này trong việc nêu quan ngại và trình bày những ảnh hưởng trái chiều của lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu tôm của Australia, thiệt hại đối với người tiêu dùng Australia, đối với người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng đã có tiếp xúc với đại diện một số nước xuất khẩu tôm vào Australia để thống nhất tiếng nói chung và phối hợp nêu quan ngại với Chính phủ Australia.
Ngay sau đó, ngày 9/2/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có công thư gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia nêu quan ngại trước ảnh hưởng tiêu cực của lệnh cấm này đối với ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam, những khó khăn, tổn thất mà người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang đối mặt và đề nghị Chính phủ Australia cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu nói trên.
Thời gian trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ Australia cho phép áp dụng theo các quy định đã được áp dụng trước thời điểm có lệnh tạm dừng nhập khẩu đối với các lô hàng đã nhập khẩu vào Australia, đang làm thủ tục thông quan, các lô hàng đang trên đường vận chuyển từ Việt Nam sang Australia, các lô hàng đã được sản xuất theo hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nêu vấn đề, trao đổi với các cơ quan hữu quan của phía Australia và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong việc vận động, đề nghị Australia sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu nói trên.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù không phải là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhưng Australia là thị trường tiềm năng của Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ tôm tăng dần. Việt Nam hiện là một trong bốn nhà cung cấp thủy hải sản lớn nhất cho thị trường Australia và đang chiếm 11,2% thị phần nhập khẩu tại thị trường này. Mỗi năm xuất khẩu tôm sang Australia đạt trên 100 triệu USD. Việt Nam hiện đang xuất khẩu tôm đã luộc chín hoặc tôm chế biến sâu như tôm tẩm bột, gia vị sang Australia.
Lệnh cấm của Australia do đó đã ảnh hưởng tới tôm tẩm bột, gia vị của Việt Nam. Điển hình là trường hợp 2 doanh nghiệp ở Cà Mau mỗi tháng xuất khẩu sang thị Australia khoảng 100-150 tấn hàng hóa, việc ngừng ký kết hợp đồng cũng như các hợp đồng đã ký bị trả về đã khiến mỗi doanh nghiệp thiệt hại khoảng 1,6-1,8 triệu USD.
Mặc dù vào ngày 6/2/2017, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đã ra thông báo nới lỏng việc nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, nhưng việc nới lỏng này vẫn ở phạm vị hạn chế bởi các sản phẩm được dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu chỉ bao gồm tôm khô và thực phẩm bảo quản lâu dài - tức sản phẩm được cất giữ trong thùng, ngăn, tủ lạnh để sử dụng lâu dài; mồi ăn sử dụng trong ngành thủy sản đã được chiếu xạ, thức ăn cho vật nuôi được chế biến từ thủy sản và thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản; tôm chưa luộc chín hoặc nấu chín được khai thác từ Vùng đặc quyền kinh tế của Australia (theo Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982), nhưng không bao gồm tôm từ vùng này đã được xuất khẩu và được nhập khẩu trở lại Australia sau khi đã được chế biến.
Related news
Xây dựng thương hiệu cá tra theo chuỗi sản phẩm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm được Bộ NN&PTNT đặt ra, tuy nhiên, quyết tâm này đang đối mặt với 3 thách thức.
Vùng đất hoang dã, chỉ có cát trắng và vài ba cụm tràm, thuộc thôn Tân Lý 2, xã Tân Bình (thị xã La Gi)đã sáng bừng lên hơn 6 năm nay bởi nghề nuôi tôm trải bạt
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp. Riêng Tập đoàn Minh Phú đã quyết tâm xuất khẩu 2 tỷ USD tôm vào năm 2021, còn 8 tỷ USD