Home / Tin tức / Tin thủy sản

Để nghề nuôi thủy sản ở Hải Hòa phát triển bền vững

Để nghề nuôi thủy sản ở Hải Hòa phát triển bền vững
Author: Thanh Hoa
Publish date: Wednesday. May 11th, 2016

Hiện toàn xã có 95 hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích đang khai thác 186ha. Người dân chủ động đầu tư vốn lớn cho nuôi thủy sản nước mặn lợ và thủy sản nước ngọt, nuôi đa dạng các đối tượng như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cua biển, cá vược, cá lóc bông…

Tổng sản lượng trung bình hằng năm là 402 tấn. Do sản lượng tôm, cá đạt cao nên người nuôi có thu nhập cao, tôm thẻ trung bình cho thu nhập 350 - 400 triệu đồng/ha; các loại cá mú, cá vược, cá lóc bông thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha.

Trên địa bàn xã có 2 cơ sở dịch vụ cung cấp vật tư nghề nuôi thủy sản và giống cua biển. Diện tích nuôi thủy sản của xã tập trung nhiều nhất ở ven đê biển khu vực các xóm Xuân Trung, Cồn Tròn đông, Cồn Tròn tây.

Hộ nuôi của anh Nguyễn Văn Liêm, xóm Cồn Tròn tây là một trong những điểm nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao nhất của xã với thu nhập trung bình hằng năm hơn 800 triệu đồng. Với diện tích 1,5ha, năm nay anh Liêm cho thả 1 triệu con tôm giống nhập từ Ninh Thuận về.

Anh Liêm cho biết, trước kia nguồn nước cấp cho các ao nuôi thủy sản chủ yếu dựa vào hệ thống kênh tưới tiêu nội đồng nên chất lượng nước không đảm bảo cho việc nuôi thủy sản do ảnh hưởng của các loại hóa chất, thuốc, chế phẩm sinh học dùng trong quá trình canh tác nông nghiệp. Hơn nữa, do phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ bơm nước của các trạm bơm thủy lợi không phù hợp với chu kỳ thay nước của ao nuôi, ảnh hưởng đến sản lượng nuôi thủy sản.

Chính vì vậy nên anh và một số hộ nuôi tôm trong xã đã tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng hệ thống ống lọc qua cát. Nước biển được bơm lên từ độ sâu khoảng 1,5 - 4m qua giếng khoan về khu xử lý, sau đó được phân phối qua dàn ống đục lỗ, phun trực tiếp trên mặt bể lọc. Qua lớp cát, nước được lọc sạch rồi đưa sang bể chứa trước khi được phân phối tới các ao nuôi. Nguồn nước lúc này đã được đảm bảo trong sạch, góp phần giúp tôm phát triển khỏe mạnh.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại hộ anh Liêm đạt được kết quả cao. Bên cạnh hộ anh Liêm, hộ của ông Trần Văn Sinh, xóm 1 cũng rất thành công trong việc nuôi cá lóc bông và các loại cá truyền thống như cá trắm, cá trôi, cá chép... Ông Sinh đã nuôi thủy sản nước ngọt hơn 10 năm.

Nhờ những kinh nghiệm thực tế đúc kết được nên đàn cá của ông hầu như không bị dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cá lóc bông khi thu hoạch đạt 8 lạng - 1,5 kg/con với mức giá bán trung bình là 60 - 65 nghìn đồng/kg. Còn đối với các loại cá truyền thống, trung bình ông thu được 1 tấn cá/năm, lãi khoảng 300 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lóc bông, ông Sinh cho biết: “Trước khi thả cá vào ao tôi luôn chú trọng việc nạo vét bùn, rải vôi đáy và phơi nắng ao vài ngày rồi mới dẫn nước vào. Nguồn nước cấp cho ao nuôi cá phải chủ động, cấp thoát dễ dàng, nước không bị nhiễm phèn và mặn”.

Đặc biệt, ông Sinh chia sẻ thêm, trong 2 tháng đầu, khi cá lóc bông còn nhỏ, ông thường xay nhuyễn hoặc băm nhỏ thức ăn. Thức ăn cho cá được rải sẵn trên sàng làm bằng tre hoặc gỗ, đặt ngập trong nước khoảng 5cm. Trong thời gian tới, ông tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng diện tích ao nuôi.

Cùng với kết quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển đồng bộ các lĩnh vực sản xuất, nghề nuôi thủy sản của xã Hải Hoà ngày càng phát triển góp phần nâng cao đời sống của người dân bởi thu nhập được cải thiện rõ rệt.

Đến nay, thu nhập bình quân ở Hải Hòa đã đạt 35,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,8%. Một số hộ nuôi thủy sản trong xã đã liên kết với nhau thành lập ra CLB nuôi thủy sản xã Hải Hòa để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp kỹ thuật giúp cho nghề nuôi thủy sản của xã ngày càng phát triển bền vững hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi thủy sản của xã Hải Hòa đang phải đối diện với những khó khăn như ô nhiễm môi trường nước, vẫn còn nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, thiếu chủ động về con giống và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Đây là các vấn đề mà Đảng ủy, chính quyền xã Hải Hòa cùng với người dân đang nỗ lực tìm giải pháp khắc phục, hướng tới phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản. Xã tích cực tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các hoạt động khuyến nông - khuyến ngư, mời các kỹ sư thủy sản về dạy, tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân; khuyến khích người dân đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng kỹ thuật ao nuôi, đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển cho các đối tượng nuôi thủy sản.


Related news

Lợi ích của việc sử dụng chế phẩm vi sinh Lợi ích của việc sử dụng chế phẩm vi sinh

Ứng dụng chế phẩm vi sinh hay còn gọi là Probiotic trong nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nghề nuôi tôm và đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc giảm thiểu các tác động của môi trường. Tuy nhiên hiện nay trong tình hình nuôi tôm gặp khó khăn, nhiều bà con lo lắng các chế phẩm vi sinh có thực sự phát huy tác dụng và cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả.

Wednesday. May 11th, 2016
Thử nghiệm nuôi cấy loài trai ngọc nữ Thử nghiệm nuôi cấy loài trai ngọc nữ

Mô hình nuôi cấy ngọc trai có kỹ thuật nuôi giống nuôi hàu ở Việt Nam, do đó có thể nuôi kết hợp nuôi chung hai loài này.

Wednesday. May 11th, 2016
An Giang nâng giá trị cá tra xuất khẩu từ chuỗi liên kết An Giang nâng giá trị cá tra xuất khẩu từ chuỗi liên kết

Tạm biệt nỗi lo bấp bênh về thị trường tiêu thụ, sự trồi sụt của giá cá nguyên liệu hay những khó khăn của giá thức ăn chăn nuôi, những hộ dân tham gia “Chuỗi liên kết dọc cá tra” tại tỉnh An Giang đã yên tâm về một mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt.

Wednesday. May 11th, 2016