Để nâng cao hiệu quả quản lý đất nông, lâm trường
Đất sử dụng kém hiệu quả, tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý đất nông lâm trường!
Toàn cảnh hiện trạng đất nông, lâm trường
Theo số liệu tổng hợp của UBND tỉnh: Giai đoạn 2004-2014, các nông trường, lâm trường trên địa bàn tỉnh được giao quản lý: 39.298,3ha, bao gồm đất các nông trường quốc doanh trước đây (nông trường chè Yên Sơn, Ngọc Đồng, Hưng Long, Vạn Thắng, nhà máy chè Cẩm Khê) do Công ty CP chè Phú Thọ quản lý, đất của 8 công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam (Công ty lâm nghiệp Yên Lập, Đoan Hùng, Sông Thao, Tam Thắng, Tam Sơn, Xuân Đài, Thanh Hòa, Tam Thanh).
Qua công tác rà soát, sắp xếp lại tỉnh đã thu hồi trên 20.207,6ha diện tích đất chưa sử dụng, đất có tranh chấp, lấn chiếm, giao trùng, cấp trùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở, đất công trình công cộng… giao cho các địa phương quản lý.
Như vậy đến nay, tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng hoặc thuê là: 19.090,7ha, trong đó đã cấp giấy chứng nhận cho: 17.131,1ha, đạt 90% diện tích. Cụ thể diện tích đất đang quản lý, sử dụng của các công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam là: 17.131,1ha; diện tích đất của các công ty chè trực thuộc Công ty CP chè Phú Thọ là: 1.959,6ha.
Hiện nay hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp đang áp dụng hình thức giao khoán đất sản xuất cho công nhân, người lao động và người dân địa phương theo Nghị định 01/NĐ-CP và 135/NĐ-CP. Tuy nhiên bên cạnh những diện tích quản lý, sử dụng có hiệu quả thì còn nhiều diện tích đất bị tranh chấp, bị lấn chiếm, hoặc giao trùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với nhân dân địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.
Chỉ tính riêng Công ty lâm nghiệp Yên Lập - đơn vị đang quản lý sử dụng 3.309,2ha đất trên phạm vi hành chính của 11 xã, thị trấn huyện Yên Lập - hiện có tới 180ha đất bị lấn chiếm, tập trung ở các xã: Ngọc Lập, Ngọc Đồng, Lương Sơn, điều đáng nói là toàn bộ diện tích đất này đều là đất có sổ đỏ của công ty đã kinh doanh trồng rừng nguyên liệu giấy được nhiều chu kỳ. Ngay tại Công ty chè Phú Thọ - đơn vị được giao quản lý sử dụng 4.031,43ha, nhưng diện tích đất bị lấn chiếm lên tới: 1.098,89ha; diện tích đất bị cấp trùng giấy chứng nhận là: 674,31ha; diện tích đất giao trùng: 228,29ha; diện tích đất xảy ra tranh chấp: 70,3ha; thực tế công ty chỉ quản lý được: 1.959,64ha.
Đâu là nguyên nhân?
Trong buổi làm việc về thực trạng quản lý đất ở các nông lâm trường quốc doanh, đại diện các huyện Thanh Sơn, Yên Lập đều khẳng định: Nguyên nhân của tình trạng trên là do một thời kỳ chuyển đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang kinh tế thị trường, năng lực quản lý sản xuất kinh doanh của các công ty nông, lâm nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế khiến cho công tác quản lý sử dụng đất lỏng lẻo, cụ thể là: Cơ chế hoạt động của các đơn vị quản lý đất nông lâm trường chưa thay đổi nhiều, mặc dù một số đơn vị đã sát nhập với nhau, đã thực hiện cổ phần hóa.
Ngay trong tổ chức sản xuất kinh doanh, nhiều đơn vị vẫn quen nếp làm ăn cũ, chưa mạnh dạn chuyển đổi mô hình sang thực hiện đa dạng nhiều loại hình dịch vụ: Vật tư, giống, phân bón, kỹ thuật trồng, khai thác chế biến sản phẩm; hoạt động kinh doanh mới chỉ dừng lại ở khâu khai thác và xuất thô chưa có sản phẩm chế biến sâu, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao.
Việc mở rộng sản xuất kinh doanh ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất và đầu tư thâm canh còn hạn chế, trong khi diện tích đất được giao quản lý lớn nhưng lại chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế sẵn có về đất đai. Định mức giao khoán đất sản xuất cho cán bộ CNV và các hộ dân địa phương khác nhau dẫn đến sự so bì, chưa kích thích được sản xuất, một số nơi còn xảy ra tình trạng công nhân các công ty nông, lâm nghiệp cho nhân dân địa phương thuê lại đất gây ra sự bất hợp lý trong quản lý sử dụng đất của Nhà nước.
Suốt một thời gian dài tồn tại nhiều diện tích đất nông, lâm trường sử dụng chưa hiệu quả, công tác quản lý lỏng lẻo trong khi nhiều đơn vị cũng không xác định được ranh giới đất rõ ràng, chưa cắm được mốc giới cụ thể tại thực địa… là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất giữa các công ty nông lâm nghiệp với người dân địa phương kéo dài và đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên qua tìm hiểu thì nguyên nhân sâu xa hơn nữa còn do sản xuất lâm nghiệp ngày càng phát triển, nhiều cây trồng mũi nhọn có giá trị kinh tế cao như cây chè, keo lai được đưa vào trồng khiến nhu cầu cần đất sản xuất của người dân ngày càng tăng, đất đai ngày càng có giá trị cao, trong khi diện tích đất giao cho các công ty lâm nghiệp quá lớn, tài liệu bản đồ giao đất trước đây chưa chính xác, có nơi còn cấp chồng cả phần đất của nhân dân địa phương đã ở ổn định, lâu đời...
Bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người tại các xã, thị trấn khu vực có các công ty nông, lâm nghiệp thấp nhưng mỗi công nhân của các đơn vị này quản lý, sử dụng các diện tích đất sản xuất lớn hơn rất nhiều cộng với mức khoán chưa phù hợp… khiến cho việc quản lý sử dụng đất nông, lâm trường nảy sinh nhiều bất cập.
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định 170/2004/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh, tỉnh ta đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai; đẩy mạnh sắp xếp đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh, các doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng đất nông, lâm nghiệp; nghiêm túc thực hiện rà soát hiện trạng sử dụng đất và xử lý những tồn tại trong sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn, từ đó có biện pháp chấn chỉnh thu hồi những diện tích đất chưa sử dụng, đất cấp chồng lấn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Hầu hết các nông, lâm trường quốc doanh đã được sắp xếp lại thành công ty nông, lâm nghiệp; những diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện quản lý. Đối với các phần diện tích đất đai sử dụng kém hiệu quả, bị dân cư xâm lấn, tranh chấp được giao cho chính quyền địa phương để giao cho các hộ nông dân làm đất ở, đất sản xuất, hoặc giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ở huyện Yên Lập, việc thực hiện rà soát hiện trạng sử dụng đất và xử lý những tồn tại trong sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp được thực hiện nghiêm túc, UBND tỉnh qua rà soát đã thu hồi 4.870,14ha đất chưa sử dụng, đất có tranh chấp, lấn chiếm, giao trùng, cấp trùng giấy chứng nhận… giao cho huyện quản lý theo đúng quy định, từ đó đã làm giảm tình trạng khiếu nại, bức xúc của nhân dân trong khu vực có các công ty nông lâm nghiệp, diện tích đất còn lại của các công ty, đơn vị cũng được sử dụng hiệu quả hơn, giá trị sản xuất tăng 2-3 lần so với trước.
Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả quản lý đất nông lâm trường trong những năm tới, các cấp, các ngành, các công ty nông, lâm nghiệp trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 cũng như tinh thần Nghị quyết 28, 30- NQ/TƯ/2014 của Bộ Chính trị, các Nghị định của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc tranh chấp, lấn chiếm đất, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng giữa các hộ dân và các công ty nông lâm nghiệp từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH của địa phương.
Về lâu dài Nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm sản được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng, mở rộng nhà máy chế biến sản phẩm nông, lâm sản và phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn; có cơ chế hỗ trợ các địa phương xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản; ban hành quy định cụ thể về định mức giao đất cho các công ty nông, lâm nghiệp trên cơ sở năng lực sản xuất nhằm tránh tình trạng được giao quản lý quá nhiều nhưng không sử dụng hiệu quả còn người dân địa phương lại thiếu đất sản xuất.
Related news
Giá tôm sú trên thị trường thế giới nói chung và trên thị trường Nhật Bản nói riêng vẫn ở mức cao là cơ sở chính giúp giá trị XK tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản duy trì tăng trưởng mạnh. Trong khi, giá tôm chân trắng đang có chiều hướng giảm bởi nguồn cung loại tôm này gia tăng nhờ sản xuất tại nhiều nước cải thiện hơn sau “cơn bão” EMS (Hội chứng tôm chết sớm).
Sinh ra từ cái nôi của làng nghề, ông Nguyễn Duy Hòa, chủ cơ sở đồ gỗ Hòa Hiếu là một trong những người “giữ lửa” nghề truyền thống ở làng Hạ Vũ. Sau hơn 20 năm thành lập, từ một cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay người chủ cũng là nghệ nhân này đã có một cơ ngơi với hai cơ sở sản xuất gần 600m2, có uy tín trên thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Trong quá trình hoạt động, công ty gặp không ít khó khăn, như: Cơ sở vật chất, lao động phân bố rải rác trên địa bàn gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành; một số hệ thống công trình quan trọng lâu năm đã bị xuống cấp, hư hỏng không đáp ứng được nhu cầu phục vụ; tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp (hạn hán, lũ lụt, mặn ngày càng thâm nhập sâu); bên cạnh đó, tài chính gặp cũng không ít khó khăn do việc cấp phát vốn theo kế hoạch đang còn chậm...
Thời điểm hiện nay, sau một thời gian khá trầm lắng, nhu cầu sử dụng phân bón trên địa bàn Bình Định đang bắt đầu sôi động trở lại khi nông dân bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2014-2015.
Ngày 13.6, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2014 này, tỉnh đã đồng ý cho huyện Lạc Dương xây dựng 26 mô hình chăn nuôi và trồng trọt trong vùng đồng bào DTTS huyện Lạc Dương (huyện có gần 80% đồng bào DTTS sinh sống) theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.