Đẩy lùi nhiễm ký sinh trùng trong ương cá tra
Biện pháp hỗ trợ giảm tình trạng nhiễm ký sinh trùng, nâng cao tỷ lệ sống, đảm bảo con giống cá tra sạch bệnh.
Thực tế cho thấy, việc sản xuất cá tra giống hiện nay vẫn phát triển theo quy luật cung và cầu, còn mang tính tự phát, sản xuất chạy theo thị trường, không quan tâm đến chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến người nuôi nói riêng và nghề nuôi cá tra nói chung.
Một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến chất lượng cá tra giống là do chưa có sự hợp nhất giữa các nhà nuôi trồng và các hộ nuôi để thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng một quy trình ương cá tra một cách hợp lý và hiệu quả. Đồng thời, cũng chưa có sự quan tâm đúng mức về các vấn đề trong việc cải tiến và xây dựng các giải pháp để kiểm soát môi trường, cải tiến dinh dưỡng và kiểm soát dịch bệnh, v.v.... Vì thế, việc ương cá tra gặp nhiều khó khăn vì bệnh thường xuyên xảy ra, các yếu tố thủy lý hóa môi trường nước ao nuôi luôn có biến động lớn và không ổn định, v.v... làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cá nuôi và có tỷ lệ sống thấp.
Đề tài “ Hiệu quả của việc sử dụng hệ thống thổi khí trong ương cá tra từ bột lên hương ở Đồng bằng sông Cửu Long” với mục tiêu đưa ra được quy trình kỹ thuật ương cá tra giống chất lượng: không có bệnh nguy hiểm, tỷ lệ sống cao.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu đã thực hiện 2 nghiệm thức (NT) ương cá tra từ giai đoạn bột lên hương với thời gian ương 21 ngày, mỗi NT thực hiện 6 ao, mỗi ao có diện tích từ 3.500 đến 3.700 m2. Mật độ thả bột 750 con/m2 và tất cả các yếu tố kỹ thuật ương của 2 NT đều như nhau, chỉ khác nhau ở NT 1 có cung cấp thổi khí và NT 2 thì không.
Hệ thống thổi khí được thiết kế với lượng khí thổi ra từ các đĩa hình tròn, hoạt động qua máy thổi khí và khoảng cách lắp đặt được tính toán nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng.
Kết quả
Việc thực hiện các kỹ thuật ban đầu (cải tạo ao, lấy nước vào và xử lý nước) và gây nuôi moina. Kết quả cho thấy mật độ Moina sp. trong ao giai đoạn 12 ngày đầu ở NT 1 cao hơn ở NT 2, sai khác có ý nghĩa thống kê (p < 0,05); và lượng Moina sp. ở cả hai NT đạt cao nhất ở ngày 3 và giảm dần đến ngày 12.
Các yếu tố thủy lý hóa như nhiệt độ nước, pH, độ kiềm, NH3-N, NO2-N, NO3-N và COD của nước ao ở 2 NT đều nằm trong giới hạn thích hợp cho sự phát triển của cá; riêng hàm lượng oxy hòa tan (DO) sáng ở NT 2 thấp hơn NT 1 và thấp hơn ngưỡng thích hợp cho cá phát triển, DO sáng ở NT 2 dao động từ 2,95 đến 4,80 mg/l, ở NT 1 dao động từ 4,6 đến 6,25 mg/l, sai khác có ý nghĩa thống kê (p<0,05), trừ các ngày ương thứ 5, 6 và 16.
Tăng trưởng chiều dài của cá NT 1 có kết quả tốt hơn NT 2, cá bột khi mới thả có chiều dài trung bình từ 5,85 đến 6,30 mm, sau 21 ngày, chiều dài cá đạt 27,7 mm (NT 2) và 37,0 mm (NT 1), sai khác có ý nghĩa thống kê p<0,05.
Cá nuôi ở NT 1 có tần suất và tỷ lệ nhiễm trùng bánh xe (Trichodina sp.) và tần suất nhiễm vi khuẩn A. hydrophyla thấp hơn cá nuôi ở NT 2, sai khác có ý nghĩa thống kê (p<0,05); cường độ nhiễm Trichodina sp. của cá ở NT 1 ở mức (+), trong khi ở NT 2 nhiễm cả hai mức (+) và (++). Tỷ lệ sống trung bình của cá ở NT 1 (37,17%) cao hơn NT 2 (22,82%), sai khác có ý nghĩa thống kê p <0,05 và chỉ số FCR dao động từ 0,36 đến 0,39.
Kết quả nghiên cứu góp phần hoàn thiện quy trình ương cá tra từ giai đoạn cá bột lên giai đoạn cá hương, giúp giảm thiểu tình hình nhiễm ký sinh trùng, nâng cao tỷ lệ sống và đảm bảo con giống sạch bệnh duy trì chất lượng sức khỏe của cá nuôi trong những giai đoạn về sau.
Theo Đinh Thị Thủy, Nguyễn Thành Nhân, Đoàn Văn Cường, Nguyễn Diễm Thư.
Related news
Nuôi cá tra đang ngày càng giảm hiệu quả do chất lượng cá giống xuống thấp làm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi có khi lên đến 40 - 50%
Mô hình nuôi cá tra nước mặn được hộ gia đình ông Võ Thanh Vân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thực hiện rất thành công. Đây được coi là mô hình độc đáo
Trong môi trường nước bị ô nhiễm, giun sán sẽ phát triển nhiều, thường thành dịch. Bệnh không gây chết cá hàng loạt nhưng làm giảm tăng trưởng