Đất cằn vùng cao cho thu nhập cả trăm triệu từ trồng nghệ
Những năm gần đây, nhiều hộ dân huyện miền núi Anh Sơn đã đưa cây nghệ vào trồng trên diện tích đất cằn cỗi, mỗi ha cho giá trị kinh tế trên 300 triệu đồng.
Hiện nay không chỉ xã Tào Sơn mà ở các xã như: Thọ Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn được bà con trồng nhiều, với tổng diện tích toàn huyện hơn 15 ha. Ảnh: Thái Hiền
Gia đình ông Đào Văn Thi ở thôn 6, xã Tào Sơn có 2 sào đất bạc màu trước đây trồng rất nhiều loại cây nhưng đều thất bại vì đất quá xấu. Quyết tâm không để đất bỏ hoang, năm 2015, gia đình ông đã đầu tư mua hơn 1 tạ giống nghệ đỏ với số tiền 1,2 triệu đồng.
Qua 1 năm đầu trồng thử cây nghệ cho thấy rất phù hợp và phát triển trên diện tích đất này, đặc biệt là chi phí đầu tư ít, dễ chăm sóc, kháng được mọi loại sâu bệnh, cho năng suất đạt hơn 1 tấn củ/sào. Với giá bán 15.000 đồng/kg vào thời điểm đó, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 30 triệu đồng.
Gia đình ông Đào Văn Thi ở thôn 6 xã Tào Sơn có 2 sào trồng nghệ cho thu nhập cao.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nghệ ông Thi nói: "Để cây nghệ sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, bà con cần chú ý trồng theo đúng quy trình kỹ thuật với mật độ khoảng cách giữa các cây là 20 - 30 cm; luống rộng 1 m; hàng cách hàng là 50 cm. Trước khi trồng, bắt buộc phải đào hốc sâu 10 cm, băm tơi đất rồi mới đặt củ nghệ giống xuống. Sau đó phủ lớp phân hữu cơ và lớp rơm dày để giữ ẩm. Cây nghệ còn có thể trồng xen với các cây màu ngắn ngày như: lạc, đỗ để tăng thu nhập và tạo độ ẩm che mát cho cây. Sau 9 tháng, nghệ sẽ cho thu hoạch”.
Năm nay gia đình anh Nguyễn Văn Đức thôn 6, xã Tào Sơn đưa cây nghệ vào trồng trên diện tích hơn 1 sào. So sánh hiệu quả kinh tế giữa cây nghệ với một số cây trồng truyền thống, anh Đức cho biết: Trên cùng diện tích này, năm 2015, gia đình trồng sắn, sau khi thu hoạch trừ hết chi phí chỉ cho gia đình thu nhập được 800.000 đồng mà đối với cây nghệ sau khi trồng 1 năm năng suất được xấp xỉ 1 tấn thì cũng có hơn 15 triệu đồng.
Nghệ là loại cây quen thuộc với đời sống, củ nghệ không chỉ được sử dụng làm gia vị trong các món ăn mà còn được sử dụng trong Đông y và các bài thuốc dân gian. Việc triển khai mô hình, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm sẽ là hướng đi giúp người dân mở rộng quy mô trồng nghệ, nâng cao thu trong thời gian tới.
1 ha nghệ trên đất cằn có thể cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. Ảnh: Thái Hiền
Mô hình chuyển đổi trồng nghệ trên diện tích đất kém hiệu quả bước đầu mở ra hướng phát triển sản xuất mới cho bà con nông dân huyện Anh Sơn. Hiện nay không chỉ xã Tào Sơn mà ở các xã như: Thọ Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Tường Sơn cây nghệ được bà con trồng nhiều, với tổng diện tích toàn huyện hơn 15 ha. Cây nghệ được bà con trồng khắp nơi, từ trong vườn ra ngoài đồng, trên đồi vệ và trồng xen canh với một số cây ăn quả, đặc biệt là trên những diện tích đất cằn cỗi. Tính ra, mỗi sào nghệ cũng thu được từ 1- 1,5 tấn, với giá bán tùy thời điểm từ 12.000 - 30.000 đồng/kg, 1 ha nghệ cho giá trị kinh tế hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Tuy nhiên, bà con nông dân Anh Sơn vẫn còn lo lắng bởi hiện tại củ nghệ vẫn chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm để người dân phát triển lâu dài, mà hầu hết là các gia đình vừa trồng nghệ vừa tự tìm nơi tiêu thụ./.
Related news
Dù giá lên tới 150.000 đồng/quả khế ngọt Đài Loan với trọng lượng nặng 0,5kg, song các chủ hàng cho biết, loại khế này vẫn liên tục cháy hàng
Mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học, dùng chế phẩm vi sinh hoạt tính ủ men thức ăn. Nuôi vịt an toàn sinh học, hiệu quả đã rõ
Bí quyết trồng đào nở hoa đúng dịp Tết. Tùy từng năm nhuận hay năm thường, phụ thuộc vào cây sinh trưởng tốt hay xấu để tiến hành các biện pháp sau