Đất cằn thì trồng na
Dọc con đường đến UBND xã Bồ Lý, huyện miền núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chúng tôi bắt gặp nhiều hộ ở lưng chừng đồi, có vườn cây ăn quả tươi tốt.
Chăm sóc na.
Nhà nào cũng có vườn rộng. Lối đi giữa, hai bên là vườn mít, ổi, thanh long… Nhưng phổ biến nhất, là na. Các vườn na ở đây, 100% là giống na dai. Rẽ vào thăm ông Nguyễn Văn Nghĩa, thôn Tân Lập, hai bên lối đi, là vườn cây ăn quả. Ông Nghĩa cho biết, gia đình vừa thu một lứa quả, thương lái đến tận nơi “cất hàng”. Mỗi ngày đều đặn hái quả 2 lần. Thu hái đến đâu, thương lái vào mua đến đấy.
Bà con ở đây cho biết, thôn nào cũng trồng na. Nhưng nhiều nhất, tập trung nhất, là ở 2 thôn Ngọc Thụ (Khu 8) và thôn Trại Mái (Khu 9). Hai thôn này có khoảng 70 ha trồng na và 100% là na dai. Na dai ở đây quả to vừa phải, nhưng ăn ngọt mát, vị thơm đặc biệt.
Tìm vào nhà ông Nguyễn Văn Tuyến – Trưởng thôn Trại Mái – chúng tôi thấy một vườn na sai quả. Ông Tuyến cho biết, dân ở đây có thói quen thu hái na ngày 3 lần. Sáng sớm thu lần 1. Đến khoảng 9 giờ thu lần 2. Chiều khoảng 3 giờ thu lần 3. Họ thu na theo cách chín tự nhiên, nên không để lâu ngày. Không như các vùng na khác “hãm” na lâu chín. Bởi vậy, na ở đây được coi là “na sạch” không dùng bất cứ thứ hóa chất gì.
Ông Tuyến cũng cho biết, các thương lái đều đăng ký từng nhà, và đến từng nhà thu mua. Tùy theo thời gian, giá na dao động từ 30 đến 50 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi hộ trong thôn có 3 sào trồng na. Mỗi cây na cho từ 10 đến 20 kg/vụ. Thu hoạch rầm rộ nhất là từ cuối tháng 6 đến hết tháng 7. Thu hoạch theo kiểu chín đến đâu, thu hái đến đó.
Các thôn từ ngày có cây na dai, đời sống khấm khá hẳn lên. Cây na cho thu nhập ổn định, không lo đầu ra. Chỉ có điều nên phát triển như thế nào. Những nhà có diện tích bình thường (từ 3 đến 5 sào) mỗi năm thu nhập cũng hàng trăm triệu đồng. Không ít nhà có diện tích từ 1 đến 2 mẫu (10 sào/mẫu) thì thu nhập phải cỡ tiền tỷ.
Hiện ở thôn Trại Mái, có gần 190 hộ và thôn Ngọc Thụ có trên 200 hộ trồng na. Đời sống rất ổn định, thu nhập khá. UBND xã Bồ Lý đang có kế hoạch hình thành một vùng na giai tập trung và xây dựng quả na dai Bồ Lý thành thương hiệu, được công nhận là loại quả đặc sản của địa phương.
Related news
Hiện tại nông dân trồng củ đậu ở các huyện biên giới như An Phú, TX Tân Châu (An Giang) rất phấn khởi bởi năm nay củ đậu vừa trúng mùa vừa bán giá cao.
Giống gà đen thuần chủng của người Mông ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) sống trên đỉnh núi cao có đặc điểm lông đen, chân đen, da đen, mỏ đen, xương tủy màu đen
Trong khi nhiều nhà vườn trồng các loại cây kiểng công trình thì một nông dân ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đã đột phá trồng hơn 20 ngàn cây hoa mào gà