Dasco và dự án trồng nấm sạch tại Đồng Tháp
Nhận thấy Đồng Tháp là tỉnh có nhiều điều kiện thích hợp để phát triển nghề trồng nấm, nhưng thực tế sản xuất thì phần lớn các mô hình trồng nấm thường tự phát hoặc chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa ứng dụng đúng quy cách và tiêu chuẩn các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vì vậy, về sản lượng, chất lượng cũng như các tiêu chí về “sản phẩm sạch” của các loại nấm vẫn còn ở mức độ hạn chế.
Xác định điểm mấu chốt để giúp nghề nấm phát triển trong tương lai và để người nông dân có thể yên tâm sản xuất, đồng thời đảm bảo được nguồn giống đạt chất lượng, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, Công ty Dasco đã đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại, được đảm bảo sản xuất khép kín, từ giai đoạn ươm tạo, nuôi cấy giống trong phòng thí nghiệm cho đến khi sản phẩm có mặt trên thị trường.
Công ty luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe về tác phong, nơi làm việc của đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân viên trong môi trường vô trùng, nhằm đảm bảo cho sản phẩm luôn đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó mới có thể đưa ra thị trường những sản phẩm nấm hoặc phôi nấm có chất lượng tốt nhất.
Công ty sử dụng mùn cưa, trấu sạch... làm nguyên liệu cơ chất để trồng nấm với tỷ lệ hợp lý đảm bảo để cho nấm được sạch, phát triển tự nhiên, không can thiệp bất cứ một loại hóa chất kích thích sinh trưởng nào. Đồng thời, nhờ sử dụng thiết bị và kỹ thuật hấp bịch hiện đại, nên các bịch phôi nấm sẽ đạt trạng thái tiệt trùng và vô khuẩn hoàn toàn trước khi được cấy giống. Bên cạnh đó, nhờ kỹ thuật phân lập và chọn dòng được thực hiện liên tục, nên chất lượng phôi giống của Công ty luôn đảm bảo được tính đồng nhất, mầm giống khỏe và cho năng suất cao.
Với quy mô sản xuất hiện đại như vậy, trung bình mỗi ngày Dasco có thể cho xuất xưởng trên 6.000 bịch phôi nấm giống các loại với chất lượng phôi nấm đồng nhất. Ngoài cung cấp phôi giống cho các loại nấm ăn như: nấm bào ngư, nấm rơm, kim châm, nấm hương, nấm mèo... Công ty Dasco còn cung cấp các loại phôi giống đối với các loại nấm dược liệu quý như: nấm linh chi, vân chi, hầu thủ...
Hiện nay, Dasco đang tiến hành liên kết và phối hợp với một số vùng trọng điểm trồng nấm trong tỉnh như: huyện Lai Vung, TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh... để tiến hành chuyển giao công nghệ trồng nấm cho nông dân. Ngoài ưu thế về sở hữu quy trình công nghệ sản xuất nấm hiện đại, Dasco còn chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn với sản phẩm sạch, đồng thời hướng đến mục tiêu sẽ kết nối liên kết bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Ông Thái Thanh Phong - Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ phát triển nông nghiệp Dasco cho biết: “Hiện nay, ngoài sản xuất và cung ứng phôi nấm cho thị trường, Công ty còn tiến hành nuôi trồng nấm và xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng nấm, sơ chế, đóng gói bảo quản và tiêu thụ. Trước mắt, một khi liên kết với bà con nông dân, ngoài việc cung ứng phôi giống, Công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ tập huấn hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trồng nấm; hỗ trợ thu mua nấm cho người nông dân bằng với giá của thị trường để bà con yên tâm sản xuất”.
Công ty Dasco đang xây dựng chiến lược về xây dựng hình ảnh và thương hiệu mang tên “Nấm sạch Dasco” để có thể tiếp cận thị trường “khó tính” như các hệ thống siêu thị, các trung tâm thương mại. Ngoài việc định hướng tiêu thụ nấm tươi, sắp tới Công ty cũng dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại sản phẩm từ nấm sau thu hoạch nhằm tăng thêm giá trị kinh tế cho người nông dân.
Related news
Vụ ớt tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phải thẳng thắn thừa nhận là mất mùa. Thất bát trong trồng trọt là điều khó tránh khỏi, nhất là vụ ớt đã gặp phải một mùa nắng nóng đỉnh điểm.
Với diễn biến của thị trường phân bón hiện nay, các nhà sản xuất phân bón nội địa tại Việt Nam đang có lợi thế, nhất là nhà máy sản xuất Urê và DAP.
Hơn nửa tháng nay, một số bà con trồng lúa ở TX. Gò Công và huyện Gò Công Tây phải gánh chịu thiệt hại vì hiện tượng lúa bị khô bông.
Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước tạm ngưng hoạt động để thực hiện bảo dưỡng định kỳ hai năm/lần đã khiến việc nhập khẩu phân bón, nhất là mặt hàng phân đạm (Urê) trong những tháng đầu năm nay tăng khá mạnh.
Việc sử dụng chất cấm salbutamol nhằm tăng trọng, tạo nạc trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Nếu không chặn đứng hiện tượng này, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu và bị người tiêu dùng trong nước quay lưng.