Đánh Thức Tiềm Năng Cây Lê Ở Trà Lĩnh
Lê Trà Lĩnh được các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá có hàm lượng đường dinh dưỡng cao nhất so với các giống lê trong tỉnh. Cây lê được nhân dân huyện Trà Lĩnh trồng từ rất lâu đời, nhưng trải qua thời gian, cây lê gần như bị mai một, chỉ còn rải rác ở một số ít địa phương trong huyện.
Trước tình hình đó, từ năm 2003 - 2005, để bảo tồn nguồn quỹ gen giống cây lê, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện Trà Lĩnh thực hiện Dự án “Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê”.
Dự án hỗ trợ 5.000 cây lê giống cho các hộ dân ở các xã: Cao Chương, Xuân Nội, Quang Hán, Hùng Quốc trồng thử nghiệm. Triển khai thực hiện Dự án, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn kỹ thuật chiết, ghép, chăm sóc cây lê cho 50 cán bộ khuyến nông xóm, xã và một số hộ nông dân trong huyện.
Chọn những cá thể lê có nhiều đặc tính tốt để tiến hành ghép mắt cây lê trên gốc ghép là cây mác cọt để tạo giống; xây dựng mô hình trồng lê với diện tích 1 ha tại xã Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc. Dự án đã bảo tồn được quỹ gen, cây lê trên địa bàn huyện phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.
Đến năm 2012, huyện Trà Lĩnh phối hợp với Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Làm vườn tỉnh tiếp tục thực hiện Dự án; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chiết ghép, trồng tạo tán, hỗ trợ phân bón để mở rộng phát triển cây lê địa phương và đưa cây lê giống Đài Loan vào trồng thử nghiệm.
Gia đình chị Triệu Thị Liên, xóm Nà Khoang, thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh), là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình trồng lê thuộc Dự án "Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê" của huyện Trà Lĩnh.
Vườn lê của gia đình chị phát triển tốt, đang thời kỳ thu hoạch quả. Nhìn những quả lê chín vàng, mọng nước, mùi vị thơm, ngọt, chị Liên vui vẻ cho biết: Lê là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ tiêu thụ và cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2003, gia đình chị là một trong 3 hộ được huyện chọn thí điểm làm mô hình trồng cây lê, chủ yếu là giống lê địa phương và một số giống lê Đài Loan.
Tham gia thực hiện mô hình, chị được tập huấn kỹ thuật, trồng, chăm sóc, chiết ghép... Với 60 cây lê giống của Dự án đã được trồng và cho thu hoạch 3 năm nay, mỗi vụ lê, gia đình chị Liên thu khoảng 15 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây lê, với những kiến thức đã được tập huấn, chị Liên tiếp tục nhân giống mở rộng thêm diện tích trồng lê, đồng thời cung cấp giống cho bà con trong vùng.
Trung bình mỗi cây lê từ lúc trồng mất khoảng 7 - 8 năm mới cho thu hoạch, nhưng thời gian cây cho quả trên 50 năm; mỗi 1 ha lê có thể cho 150 tấn quả/vụ. Với giá bán như hiện nay từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg, có lúc từ 40.000 đồng - trên 50.000 đồng/kg sẽ là nguồn thu nhập không nhỏ đối với nông dân.
Đại hội Đảng bộ huyện Trà Lĩnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định phát triển cây lê theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đến năm 2015 trồng được thêm 30 ha. Hiện nay, toàn huyện đã trồng được khoảng 40 ha cây lê, trong đó, khoảng 10 ha cho thu hoạch. Tuy nhiên, diện tích này chưa tập trung thành vùng chuyên canh, vẫn còn trồng rải rác tại các địa phương.
Ông Lưu Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Lĩnh cho biết: Huyện đã có định hướng trong thời gian tới tập trung huy động nguồn lực để phát triển cây lê. Mở rộng diện tích trồng giống lê địa phương, phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh và các công ty giống để nhân tạo giống lê, đưa thêm giống lê Đài Loan vào trồng.
Đồng thời, chuyển đổi những vùng đất thiếu chủ động về nước, vùng đất trống, vùng trồng các loại cây hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng lê, phát triển cây lê trở thành cây hàng hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Related news
Thương lái gọi điện đặt mua hàng tới tấp, giá cao, có bao nhiêu mua hết. Đặc biệt, ở vùng nuôi TCX tập trung, dù thu hoạch rộ với số lượng nhiều cũng không lo rớt giá, vì đã có một số công ty từ TP.HCM về hợp đồng thu mua tôm tươi XK.
Vừa nhanh tay cắt những trái cam đầu mùa bắt đầu chín, anh Nguyễn Đức Huy ở khu 4, thị trấn Cao Phong phấn khởi: "Gia đình tôi có 6 ha cam, trong đó 2 ha đang cho thu hoạch. Năm ngoái sau khi trừ chi phí, gia đình thu về trên 1,2 tỷ đồng.
Hiện nay, tại Hải Minh trong thuộc tổ 46, KV 9, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn (Bình Định) có 80 hộ nuôi cá lồng biển tại vùng biển đầm Thị Nại, với khoảng 720 lồng nuôi đã an tâm và phấn khởi nhờ cá hồng giống - đối tượng nuôi chủ lực, đã hết khan hiếm và giá thấp.
Ngày 27/10, tại TP.HCM, hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 27 – 30/10) đã khai mạc với sự tham dự của 250 đại biểu đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới.
Chiều 27/10, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông cùng đoàn công tác của tỉnh gồm nhiều cán bộ trong ngành thủy sản vừa kết thúc chuyến công tác tại tỉnh Okinawa với những kết quả vô cùng phấn khởi.