Đánh giá thức ăn ép đùn cho tôm thẻ
Thức ăn ép đùn cải thiện khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng, tăng năng suất sản xuất và lợi nhuận đối với tôm thẻ.
Cải thiện năng suất và lợi nhuận
Qui trình sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản có tác động trực tiếp đến tính chất hóa lý của thức ăn, có thể ảnh hưởng đến độ bền, tính ổn định của thức ăn viên và cả chất lượng nước ao nuôi. Ngoài ra, điều kiện chế biến trong các qui trình sản xuất cũng có thể làm thay đổi thành phần chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn và sinh khả dụng của thức ăn. Duy trì chất lượng dinh dưỡng của các thành phần trong quá trình chế biến là chìa khóa trong sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản, sự suy giảm chất lượng dinh dưỡng và lạm dụng chất dinh dưỡng là những thách thức trong hầu hết các quy trình sản xuất truyền thống.
Pelleting (kĩ thuật chế biến thức ăn bằng cách kết tụ sau khi ép và lực đùn ép đẩy qua những lỗ đục của khuôn kim loại nhờ vào lực đẩy cơ học) là kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản nhưng công nghệ đùn ép (Extrusion - quá trình trong đó thức ăn được tạo ra bằng cách chuyển các thành phần nguyên liệu qua một khuôn ép dưới áp suất và nhiệt độ cao. Khi thức ăn ra khỏi khuôn ép, nó nở ra và viên thức ăn được tạo thành sẽ nổi) có một số đặc điểm thuận lợi và độc đáo hơn khi so sánh với các quy trình chế biến khác, vì nó có khả năng biến đổi một số chất dinh dưỡng (protein, tinh bột) để cải thiện đặc tính, tăng khả năng cung cấp chất dinh dưỡng. Ngoài ra, quá trình ép đùn làm biến tính các enzyme không mong muốn và vô hiệu hóa một số yếu tố phản dinh dưỡng, tăng cường sinh khả dụng của các thành phần dinh dưỡng, từ đó có thể căn cứ vào để xây dựng chế độ ăn uống chính xác cho động vật thủy sản. Tuy nhiên, để cho ra thức ăn với chất lượng tốt phụ thuộc rất nhiều vào máy móc sử dụng và kiến thức chuyên môn.
Thức ăn viên và thức ăn ép đùn.
Khả năng tiêu hóa protein, axit amin và carbohydrate
Trong nghiên cứu đầu tiên, tỷ lệ tiêu hóa rõ ràng của protein (DAP), axit amin (DAAA) và carbohydrate (DAC) đã được xác định trong cá thể tôm thẻ chân trắng (6 - 10 gram) có nguồn gốc từ một trại nuôi thương mại địa phương có độ mặn 7,0 ± 0,4 ppt. Tôm đã thích nghi với độ mặn của đơn vị thí nghiệm và được cho ăn chế độ ăn đùn ép và thức ăn viên với cùng một công thức cơ bản (35% protein thô, 7,5% chất béo thô).
Thí nghiệm này được thực hiện trong một hệ thống tuần hoàn sử dụng bể 60 lít và nước được tuần hoàn với tỉ lệ là 400%. Mười con tôm đã được thả trong mỗi bể và duy trì trong năm ngày sau đó bắt đầu thu thập phân. Tôm được cho ăn một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều với tỷ lệ thức ăn tăng 3% mỗi ngày.
Chế độ ăn ép đùn và viên được cho ngẫu nhiên vào từng bể thí nghiệm trong bốn lần. Vào đầu mỗi ngày thu gom, phân và thức ăn còn sót lại được loại bỏ khỏi bể. Phân tươi được thu thập sau mỗi lần cho ăn bằng cách hút nước, rửa sạch sẽ ngăn chặn mọi ảnh hưởng do độ mặn và được bảo quản trong tủ lạnh cho đến khi được đông khô cho các phân tích tiếp theo.
Các phân tích cho thấy sự khác biệt về mức độ tiêu hóa protein: tỷ lệ protein được tiêu hóa trong thức ăn ép đùn cao hơn so với thức ăn viên. Nói cách khác, tôm sử dụng protein tốt hơn của chế độ ăn ép đùn (Bảng 1).
Protein là thành phần thiết yếu của tế bào và là thành phần chính cấu tạo lên mô cơ tôm. Sự phát triển của tôm dựa trên việc giải phóng các axit amin thiết yếu để thực hiện các chức năng cấu trúc, điều tiết và cân bằng nội môi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xử lý nhiệt liên quan đến quá trình ép đùn ướt được sử dụng để làm thức ăn cho tôm có thể đủ để làm bất hoạt hầu hết các chất ức chế trypsin (enzyme trypsin có liên quan đến sự phân hủy của nhiều loại protein khác nhau, chủ yếu trong quá trình tiêu hóa) trong bột đậu nành. Điều này rất quan trọng, vì trypsin là protease chịu trách nhiệm phá vỡ các liên kết peptide và giải phóng các peptide và axit amin chuỗi ngắn.
Tỷ lệ tiêu hóa axit amin trong kết quả cho thấy sự khác biệt đáng kể về arginine, isoleucine, lysine, methionine, threonine, glycine và proline. Trong những trường hợp này, tỷ lệ tiêu hóa cao hơn đối với thức ăn ép đùn. Và đối với kết quả về khả năng tiêu hóa protein, sản phẩm ép đùn cho thấy khả dụng sinh học tốt hơn. Ngoài ra, rất đáng chú ý, tỷ lệ tiêu hóa axit amin trong chế độ ăn ép đùn đối với lysine và methionine - hai axit amin thiết yếu khả dụng trong thức ăn của tôm là vô cùng quan trọng đối với sự trao đổi chất và hình thành mô dựa trên protein phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến sự hình thành mô tôm và tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng cao hơn lần lượt cho phép hiệu quả và lợi nhuận cao hơn, rút ngắn chu kỳ sản xuất.
Các nguồn năng lượng phù hợp nhất cho thức ăn tôm là những thành phần có hàm lượng carbohydrate cao. Nhưng tinh bột từ phần lớn các loại củ, ngũ cốc và các loại đậu được sử dụng trong chế độ ăn của động vật không dễ dàng tiếp cận được với enzyme alpha-amylase rất quan trọng, trừ khi các loại ngũ cốc được xử lý trước đây. Nấu ướt với nhiệt độ cao hơn 70oC trong vài phút là phương pháp chính tạo điều kiện thuận lợi cho tinh bột có thể xâm nhập vào nước và do đó cho phép hoạt động của alpha-amylase. Khi tinh bột được xử lý bằng cách đùn, cấu trúc của chúng thay đổi hoàn toàn, cho phép nhiều điểm tiếp xúc hơn để enzyme phân hủy tinh bột thành các phân tử nhỏ, giải phóng glucose. Do đó, tinh bột nấu chín hoặc gelatin hóa có tỷ lệ tiêu hóa cao hơn so với tinh bột chưa nấu chín hoặc thô.
Kết quả của chúng tôi cho thấy hàm lượng carbohydrate tiêu hóa trong thức ăn ép đùn cao hơn đáng kể so với thức ăn dạng viên (Bảng 1). Lý do là quá trình nấu đùn các thành phần có hàm lượng carbohydrate cao làm tăng tính khả dụng sinh học của chúng, và từ đó xảy ra quá trình đồng hóa.
Thức ăn ép đùn tăng hiệu suất nuôi
Trong nghiên cứu thứ hai, tôm thẻ chân trắng (3,86 ± 0,06 gram) được thả với mật độ 15 con/m2 nuôi trong 54 ngày, tôm được cho ăn hai chế độ ăn thử nghiệm. Kết quả cho thấy sự khác biệt trong tăng trưởng hàng tuần, trọng lượng và sinh khối cuối cùng giữa các chế độ ăn uống mà không có sự khác biệt về tỷ lệ sống và chuyển đổi thức ăn giữa các thí nghiệm.
Tôm trong bể nuôi thức ăn ép đùn có sinh khối cuối cùng cao hơn 9% và trọng lượng cuối cùng cao hơn 10%, cho thấy quá trình ép đùn ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất của tôm.
Trước đây, cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy dùng thức ăn ép đùn cho tôm mang đến kết quả tốt hơn so với thức ăn dạng viên. Ví dụ, một số nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng thức ăn ép đùn tạo ra sự tăng trưởng tốt hơn so với thức ăn dạng viên (8,35 gram so với 7,11 gram) trong một hệ thống thí nghiệm có kiểm soát. Kết quả tương tự đã được báo cáo cho các loài giáp xác nuôi khác, ví dụ như postlarvae của tôm càng xanh (Macrobranchium rosembergii) được cho ăn thức ăn ép đùn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả hấp thụ protein tốt hơn so với chế độ ăn dạng viên và ít mất chất dinh dưỡng và có tỉ lệ chuyển đổi thức ăn cao hơn khi sử dụng thức ăn ép đùn.
Related news
Mối quan hệ mật thiết giữa thuốc trừ sâu hoạt chất deltamethrin và hiện tượng vểnh mang ở tôm nuôi.
Để hạn chế quá trình này, các loại thuốc mê được lạm dụng khá nhiều, điều này vừa làm lãng phí tiền vừa gây hại cho vật nuôi. Do đó, các nhà khoa học
Chi phí một con trai để nuôi và cấy ghép khá thấp nhưng giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình từ 200 - 500.000 đồng