Đánh cược với tôm hùm
Tuy nhiên, niềm hy vọng của người dân đất đảo có thể trở thành nỗi buồn khi mà khu vực nuôi tôm chưa có nơi neo trú ổn định cho các lồng bè khi thời tiết bất lợi. Cộng với đó là việc xử lý chất thải cũng như các vấn đề liên quan có nguy cơ biến vùng mặt nước được quy hoạch nuôi tôm sẽ bị ô nhiễm nếu không có biện pháp hữu hiệu…
Triển vọng…
Những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, tại khu vực cảng neo trú tàu thuyền xã An Hải (Lý Sơn), bên cạnh hình ảnh tàu thuyền đánh bắt thủy sản của ngư dân tấp nập ra vào thì một hình ảnh khác không kém phần sôi động đó là hàng chục người dân đang thi nhau đóng bè để kịp bước vào vụ thả giống tôm mới.
Từ trên bờ cảng những chiếc xe ba gác máy tấp nập vận chuyển những thanh sắt, ống nước, máy hàn… ồ ạt cập cảng. Phía bên dưới tuyến đường cơ động những lão ngư đang gò hàn những khung sắt để đưa lên tàu mang ra khu vực đóng bè. Những khung sắt hình vuông rộng khoảng 6m2 lần lượt ra đời và được bao bọc bởi những ống nước bằng nhựa khá chắc chắn.
Bỏ ra số tiền lên đến 1,5 tỷ đồng, ông Nguyễn Hùng, thôn Tây, xã An Hải bảo, sẽ đóng được 20 lồng và kết nối thành một bè để thả tôm nuôi. “Dù vốn đầu tư khá lớn nhưng tôi tin tưởng tiền bỏ ra sẽ thu về nhanh chóng vì hiện nay nếu như đầu tư thêm 1.000 tôm hùm con với giá từ 300 - 400 nghìn đồng/con tôm con, khi trưởng thành từ 8 lạng đến 1kg trở lên giá thành sẽ không dưới 1,5 triệu đồng/kg. Trừ chi phí thức ăn, giống mình thu về cũng khoảng 700 nghìn đồng/con. Chỉ cần trời cho thì sau hai mùa là có thể thu về vốn và những năm tiếp theo sẽ “hốt bạc” vì bè mình đóng rất chắc chắn sẽ tồn tại trên 5 năm” - ông Hùng chia sẻ.
Không chỉ ông Hùng mà hiện nay rất nhiều hộ dân đang ồ ạt đóng bè nuôi tôm với hy vọng đổi đời. Theo thống kê của huyện Lý Sơn, hiện khu vực quanh cảng neo đậu tàu thuyền An Hải có 61 bè nuôi tôm hùm và số lồng bè đang tăng lên chóng mặt do nguồn lợi mà các hộ nuôi thành công thu về quá lớn.
Theo các hộ đóng bè để nuôi tôm thì người dân nào muốn làm giàu nhanh từ tôm hùm thì phải có trong tay ít nhất trên một tỷ đồng để đầu tư lồng bè. Ngoài ra, cần phải có vài trăm triệu đồng tiền mua con giống cũng như thức ăn cho tôm trong thời gian nuôi. “Chung quy đầu tư nuôi tôm hùm thì phải đầu tư vốn lớn và… liều. Ai ít tiền thì đừng lao vào làm gì vì nhỡ “bể” thì sạt nghiệp” – chủ 16 bè nuôi tôm Nguyễn Văn Hải cho biết.
… và những nỗi lo
Tôm hùm là loài thủy sản có giá trị cao và thời gian nuôi không dài. Nguồn thu từ tôm hùm rất lớn nếu vụ nuôi không xảy ra sự cố. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân đóng bè nuôi tôm ở quanh khu vực cảng neo trú tàu thuyền An Hải là những ngư dân và nuôi tôm theo… phong trào. Ngoài ra, nguồn con giống nuôi hiện nay cũng chưa thực sự ổn định mà chủ yếu được người dân mua trôi nổi trên thị trường.
Theo ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, việc người dân trúng lớn trong vài năm qua nhờ nuôi tôm hùm kết hợp với một số loại cá là có thật. Tuy nhiên, tình trạng ồ ạt đổ vốn để đầu tư lồng, bè nuôi như hiện nay là rất đáng lo ngại, dù trong đề án phát triển thủy sản của huyện là quy hoạch khu vực này với diện tích mặt nước 50ha để nuôi trồng thủy sản. “Cái lo hiện nay là các hộ nuôi chủ yếu bằng kinh nghiệm và tự học hỏi lẫn nhau. Vì vậy một khi xảy ra sự cố thì người nuôi rất dễ mất trắng do chưa có phương pháp kỹ thuật để xử lý. Một vấn đề khác là môi trường nước ở đây sẽ bị ô nhiễm nếu các hộ dân không có biện pháp xử lý chất thải. Hiện giờ môi trường còn sạch nhưng nếu tăng số lượng lồng bè lên thì nguy cơ xảy ra ô nhiễm và dịch bệnh rất dễ lây lan” – ông Nguyên chia sẻ.
Bên cạnh nỗi lo ô nhiễm môi trường thì khu vực được quy hoạch vùng nuôi hiện nay chưa có nơi để các chủ bè neo trú lồng bè mỗi khi biển động. Người nuôi tôm chủ yếu lai dắt bè vào khu neo trú tàu thuyền dẫn đến tình trạng quá tải cho khu neo đậu tàu thuyền khi có bão. Trong đó, hình ảnh vào mùa mưa bão năm 2013, hàng chục bè nuôi tôm chắn ngang cửa vào khu neo trú khiến nhiều tàu thuyền không thể vào bên trong dẫn đến cả khu vực biển rộng lớn bị “kẹt cứng” bởi đội tàu hàng trăm chiếc và bè nuôi tôm chen chúc nhau trong gió lớn.
“Hiện huyện đang xây dựng phương án chi tiết trước khi thông qua khu quy hoạch mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, đang tính toán đến nơi neo trú cho hàng trăm bè trong tương lai. Nếu không có nơi neo trú, khi biển động, chỉ cần vài đợt gió lớn là các bè này sẽ bị sóng đánh tan tành. Khi đó, thiệt hại sẽ là rất lớn. Do vậy, người dân cần phải tính toán thật kỹ trước khi đầu tư số tiền lớn vào con tôm” - ông Nguyên nói.
Related news
Ông Phạm Văn Ngời, Phó Chủ tịch UBND xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) cho biết, sau hơn 18 tháng dự án LCASP triển khai, đến nay trên địa bàn xã đã xây dựng được 120 công trình khí sinh học.
Bệnh sương mai đang phát sinh gây hại cây khoai tây vụ đông sớm. Vết bệnh có màu đen.
Thoạt nghe chuyện nuôi dê trên thuyền như là chuyện…bịa, chuyện hài hước. Nhưng đó là chuyện thật 100%.
Vụ này, Bình Định có kế hoạch SX 47.129 ha lúa, trong đó 29.411 ha SX trên chân đất 2 vụ/năm; 17.589 ha SX trên chân đất 3 vụ/năm.
Trung tâm KN-KN Quảng Ngãi vừa bế giảng lớp bồi dưỡng, kiểm tra tay nghề dẫn tinh viên phục vụ thực hiện Dự án “Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt, giai đoạn 2014 - 2018” cho 30 học viên.