Đáng nể lão nông khiến nhãn Bắc chín vào mùa đông, giá gấp 2,5 lần chính vụ
Trong cái rét hanh hao đầu đông, tôi được "mục sở thị" một vườn nhãn cây trái sum xuê, chùm nào quả cũng sai lúc lỉu, vỏ căng tròn mọng nước, cùi ngọt lịm như đường phèn, sau ăn hương còn thơm phảng phất...
Dự kiến nhãn của ông Tuấn sẽ thu hoạch vào tiết Đông chí (sau 20/12 DL)
Thời tiết vụ ĐX 2016 - 2017 ở đồng bằng Bắc Bộ được coi là ấm nóng lịch sử, vụ hè thu đã xảy ra mưa lớn liên tục chưa từng có từ hơn 10 năm nay. Làm cho hầu hết diện tích nhãn bị mất mùa quả.
Trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt ấy, có hai lão nông ở tỉnh Hưng Yên đã làm được những điều chưa từng thấy trong sản xuất nhãn: Điều khiển cho cây ra hoa giữa mùa hè, có nhãn chín cực muộn (trái vụ):
Lão nông thứ nhất được mệnh danh là “phù thuỷ nhãn” Nguyễn Văn Cảnh ở xã Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Trình độ học vấn chỉ hết phổ thông trung học, nhưng từ gần 20 năm nay ông Cảnh đã điều khiển được cho cây nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Nhờ vậy, trang trại nhãn hơn 1ha của gia đình năm nào cũng được mùa. Sản lượng thu hoạch luôn đạt 18 - 20 tấn quả. Doanh thu hơn 400 – 500 triệu đồng mỗi năm.
Riêng năm 2017 này, ngoài điều khiển cho nhãn ra hoa, thu quả chính vụ, ông Cảnh còn xử lý cho nhãn ra hoa cực muộn (cuối tháng 4 đầu tháng 5). Đến nay các cây nhãn này đã bắt đầu cho thu hái quả. Năng suất trung bình khoảng 12 tấn/ha. Sản lượng ước đạt 2,5 - 3 tấn. Thời vụ thu hoạch kéo dài tới 20 tháng 11. Với giá nhãn đang bán tại vườn là 50.000 đồng/kg, thì vụ nhãn mùa đông này gia đình ông Cảnh sẽ có thu tới 120 -150 triệu đồng. Lợi nhuận xấp xỉ 100 triệu đồng.
Ngoài xử lý để cho nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ như năm nay, hàng năm ông Cảnh còn điều khiển để có nhãn thu hoạch trà cực sớm (đầu tháng 6).
Do nắm được nhiều bí quyết điều khiển cho cây nhãn ra hoa đậu quả theo ý muốn, ông Cảnh đã được mọi người dân trong vùng mệnh danh là “phù thuỷ nhãn”.
Trang trại nhãn của ông Cảnh cùng đã từng được đón nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của nhà nước, một số đoàn chuyên gia các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan... đến thăm động viên và tìm hiểu cách làm.
Lão nông thứ hai làm xôn xao các nhà khoa học kinh điển về cây ăn quả, là ông Hoàng Quang Tuấn ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu. Việc trồng nhãn với ông chỉ là làm “tay ngang”. Sở trường của ông Tuấn là thâm canh cá. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sản xuất, ông Tuấn đã điều khiển cho một số cây nhãn vườn nhà ra hoa giữa mùa hè (đầu tháng 6).
Đến nay các cây nhãn này đều đã cho quả phát triển bình thường. Dự kiến sẽ cho thu hoạch xung quanh tiết Đông chí (khoảng sau ngày 20/12 DL). Sản lượng quả trên 100kg/cây. Khi đó giá nhãn có thể tới 100.000 đồng/kg, vì bấy giờ nhãn được coi là hàng “độc”.
Trước đó, Báo NNVN đăng bài “Tuyệt chiêu cho nhãn ra hoa trái vụ”, đã có rất nhiều chuyên gia đầu ngành về cây ăn quả như PGS.TS Trịnh Khắc Quang (nguyên Q.GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả), GS.TS Ngô Thế Dân (Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam)... cùng nhiều cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương, đã tìm đến trang trại nhãn của ông Hoàng Quang Tuấn để tham quan. Đây cũng là lần thứ hai ông Tuấn điều khiển cho nhãn có quả thu hoạch giữa mùa đông (lần đầu năm 2007).
Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy: Các cây nhãn cho quả trái vụ đều được xử lý ra hoa bằng chế phẩm Kaliclorat (KCLO3), kết hợp với khoanh vỏ thân/cành. Nhìn chung quả nhãn cho thu hoạch trái vụ đều tương đối nhỏ (bằng ¾ quả nhãn chính vụ cùng vườn). Nấm bệnh tồn dư trên quả rất ít (do hanh khô độ ẩm không khí thấp). Chất lượng quả nhãn ngọt thơm vượt trội. Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch thấp. Có thể bảo bảo quản tự nhiên được dài ngày hơn. Giá nhãn cũng cao gấp 2,5 lần so với nhãn chính vụ.
Thành công cho cây nhãn có quả thu trái vụ đã mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà làm vườn, có thể kéo dài mùa vụ hoạch nhãn tới giữa mùa đông, tăng thu gấp bội cho người làm vườn. Đây cũng là gợi mở cho các nhà nông khác có thể vận dụng sáng tạo trên các cây ăn quả khác.
Từ thành công thực tế của hai lão nông trên, có thể trong thời gian tới các nhà nông học nước ta phải thay đổi tư duy kinh điển về cây nhãn miền Bắc.
Related news
Khuyến cáo nông dân và ngành công nghiệp thực phẩm ngừng sử dụng kháng sinh thường xuyên nhằm thúc đẩy tăng trưởng và ngăn ngừa bệnh ở động vật khỏe mạnh
Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2012, anh Trần Nhật Mỹ xuất bán ra thị trường từ 3 – 4 tấn ếch thịt và gần 10.000 con ếch giống, mang lại thu nhập hàng trăm triệu
Với đặc tính nổi bật có thể nuôi được ở nước ngọt, nước lợ, nước mặn, thậm chí nước nhiều phèn, vịt biển được hy vọng sẽ là vật nuôi cho các tỉnh ven biển