Đậm Đà Chè Shan Tuyết Phình Hồ
Không có những cây cổ thụ to cả người ôm như ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) nhưng những cây chè Shan tuyết ở Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) cũng có tuổi cả trăm năm.
Được trồng trên độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, bốn mùa mây phủ, khí hậu mát mẻ quanh năm, chè phát triển hoàn toàn tự nhiên, chắt lọc những tinh túy của trời đất tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết đến lạ thường.
Dưới cái nắng vàng cuối thu, chúng tôi vượt qua hơn 10 km đường bê tông uốn lượn bên các triền núi, thi thoảng lại có những đám mây bồng bềnh, bảng lảng, quấn quýt để đến với những cây chè ở xã vùng cao Phình Hồ. Từ trung tâm xã ngước mắt nhìn lên các ngọn núi, những cây chè Shan mọc thành rừng, cao từ 2 - 3 m để lộ ra gốc mốc trắng.
Cũng là giống chè Shan tuyết nhưng những cây chè ở đây không cổ thụ, không có các nhánh đan cài vào nhau như chè Shan tuyết Suối Giàng mà mọc thẳng và tạo thành những rừng cây tự nhiên, có lá to, dài màu xanh nhạt, búp mẩy, có nhiều lông tơ trắng, mịn trông như tuyết. Cho đến nay, vẫn chưa biết chính xác cây chè Shan tuyết có trên đất Phình Hồ từ bao giờ nhưng tuổi thọ nhiều cây gần 200 năm.
Theo người dân bản địa, chè được trồng cách đây từ 80 - 100 năm. Mục đích trồng chè trước đây không phải chỉ để lấy búp mà đồng bào Mông nơi đây trồng theo kiểu rừng chè, chống xói mòn đất, giữ nguồn nước. Hiện nay, toàn xã Phình Hồ có trên 150 ha chè Shan tuyết với trên 305.000 cây. Trong vòng gần chục năm trở lại đây, người dân mới khai thác chè để uống và làm hàng hóa với 197 hộ dân chăm sóc, bảo vệ toàn bộ diện tích.
Sùng A Rua - người dân tộc Mông nói như một kỹ sư trồng trọt: “Cây chè ở đây được trồng trên núi cao, quanh năm có sương mù bao phủ, búp có nhiều lông tơ trắng như tuyết nên loại chè này còn được gọi là chè Shan tuyết! Chè Phình Hồ không chỉ cây to, lá dày, dài, được nước mà nó hấp dẫn, ngon bởi giá trị thực tế từ tỷ lệ đường, cafein nhiều hơn, tỷ lệ tananh ít hơn so với chè trồng ở nơi khác. Khả năng chống hạn, chịu rét và kháng sâu bệnh tốt nên người dân chỉ thu hái chứ không bao giờ bón phân, phun thuốc sâu mà chè vẫn xanh tốt”.
Quả thật, những cây chè mọc xen với cây rừng hoang dã, ít bị tác động bởi con người mà vẫn nẩy búp căng tràn nhựa sống. Có lẽ cũng chính vì sự “hoang dã”, sự thơm ngon được chắt lọc tinh túy trời đất mà đã có cả thương nhân người Hà Lan đến tận Phình Hồ liên kết với nhà máy, người dân ở đây sản xuất chè xanh rồi mang về nước tiêu thụ. Từ khi có sự liên kết, người dân đã quan tâm tới chè nhiều hơn, từ cách thu hái, bảo vệ, chăm sóc nên cuộc sống cũng khấm khá hơn, cái đói, cái nghèo đang ngày một vơi bớt.
Trong câu chuyện về chè, về sự thơm ngon, sự lạ của chè Shan tuyết Phình Hồ, anh Giàng A Lầu - Trưởng nhóm Câu lạc bộ “Chè sạch” pha một ấm chè mới mời chúng tôi. Chè được rót ra nước vàng óng như mật ong. Cầm chén chè đưa lên hương thơm ngào ngạt, nhấp ngụm đầu tiên dễ dàng cảm nhận vị chè chan chát nhưng khi nuốt đến họng thì lại cảm nhận được vị ngọt đọng lại mãi nơi đầu lưỡi.
Nhưng cái quý giá nhất tạo nên một thương hiệu chè Shan tuyết Phình Hồ chính là sạch 100%, không có bón phân hóa học hay phun thuốc trừ sâu mà chỉ có hấp thụ những tinh tuý của sương mù, của mây, của núi. Chè Shan tuyết Phình Hồ thực sự là sản vật của núi rừng ban tặng cho đồng bào Mông nơi đây.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: “Chè Shan tuyết Phình Hồ có cái hay là không hề tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại thuốc kích thích mà phát triển hoàn toàn tự nhiên nên dù sản xuất thủ công hay sản xuất công nghiệp cũng không làm mất đi chất lượng vốn có của nó. Chè Shan Phình Hồ được giới nghiền chè trong và ngoài nước rất ưa chuộng dẫu giá một ki-lô-gam chè khô không hề rẻ, luôn dao động từ 180 - 250 nghìn đồng”.
Hiện nay, toàn huyện Trạm Tấu có gần 500 ha chè Shan tuyết tập trung ở Phình Hồ, Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ... cho năng suất bình quân 17,5 tạ/ha, sản lượng mỗi năm đạt gần 800 tấn. Nếu biết khai thác tốt, cơ chế tốt thì người dân nơi đây sẽ khá giả lên từ chè, sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn đủ sức chinh phục dân nghiền chè trên thế giới. Tiềm năng là rất lớn nhưng hiện nay chè Shan tuyết nơi đây vẫn chưa khai thác hết thế mạnh.
Bởi thế, huyện Trạm Tấu đang xây dựng Dự án “Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chè Shan Phình Hồ”, mời gọi các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy chế biến chè tại Phình Hồ. Song song với đó là hướng dẫn người dân cách chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, sạch, an toàn.
Related news
Với giàn gấc mỗi lứa thu hoạch hơn 300 quả, giá thị trường 50.000 đ/kg, trái gấc đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp gia đình ông Lê Phước Dũng (đội 4 thôn Quảng Đại 2, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) thoát khỏi cảnh nghèo bấy lâu đeo bám.
Diễn biến thời tiết phức tạp cùng với sự thiếu chặt chẽ trong quản lý lưu thông, buôn bán gia súc, gia cầm khiến cho dịch lợn tai xanh bùng phát ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và dịch cúm gia cầm xuất hiện (H5N1) trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Anh Nguyễn Văn Khánh (40 tuổi), trú tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi mỗi tháng thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ nuôi rắn.
Anh Nguyễn Đức Thịnh là hội viên nông dân chi hội thôn Bắc Song, xã Đông Hà huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đã nhiều năm liền, anh Thịnh được suy tôn là nông dân tiêu biểu của xã, của huyện, của tỉnh bởi thành tích gương mẫu đi đầu thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Đến thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh được nghe mọi người nhắc nhiều tới người phụ nữ đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao. Đó là chị Nguyễn Thị Chiên ở thôn Nà Tèn.