Đăk Lăk huy động mọi nguồn lực chống hạn
Huy động hết khả năng của thủy lợi
Trên địa bàn huyện Ea Kar, mực nước ở các công trình hồ, đập thủy lợi như hồ Ea Dê (xã Cư Elang), Lồ Ô, Ea Bớt (xã Cư Bông), Trung Hòa, Ea Tao (xã Xuân Phú), trạm bơm Ea Knốp (xã Ea Kmut)… đã xuống dưới mực nước chết.
Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: Chính quyền các xã đang tự ứng kinh phí để nạo vét kênh mương, đặt trạm bơm khẩn trương chống hạn, đưa nước về tưới chống hạn cho 100ha lúa ở các xã Cư Ni, Ea Ô, Cư Elang.
Đề xuất với Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đăk Lăk đưa nước từ hồ Krông Buk hạ về phục vụ tưới cho hàng nghìn ha cây trồng của Công ty TNHH MTV cà phê 721, 716, xã Ea Kmut, Cư Ni và Ea Ô. Phòng NN-PTNT cũng giao các đơn vị chức năng huyện tiến hành khảo sát, triển khai xây dựng 800m kênh mương bằng bê tông, tuyến kênh đấu nối từ cuối kênh D26 bổ sung nguồn nước cứu cây trồng của người dân khu vực xã Ea Ô, Cư Ealang…
Huyện Ea H’leo có 46 công trình thủy lợi, thủy điện thì đến nay 20 hồ, đập đã cạn kiệt nước. Một số hồ thủy lợi, sông ngòi có sức chứa trung bình khác, mực nước cũng đang trong tình trạng sụt giảm nghiêm trọng (chỉ bằng 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2015)…
Trước tình trạng trên, huyện Ea H’leo đã phải tận dụng tối đa nguồn nước dự trữ như điều tiết nước từ hồ Ea Ral 1, bơm xả nước ở hồ chứa Ea Iun, hồ Ea Blong... để cứu trên 40ha lúa đang trong tình trạng thiếu nước tại các vùng hạ lưu.
Phòng NN-PTNT huyện vận động người dân tăng cường lắp đặt và vận hành các trạm bơm dầu dã chiến, tận dụng triệt để nguồn nước đọng, nước rỉ từ sông, suối, ao bơm chống hạn. Đến thời điểm này, huyện Ea H’leo có 4.160ha cà phê, 512ha hồ tiêu và 39ha lúa nước bị khô hạn. Ngoài ra, toàn huyện có 1.800 hộ ở 45 thôn, buôn, tổ dân phố đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm
Một trong những giải pháp tưới tiết kiệm nước có thể kể đến mô hình tưới nước phun sương cho cây tiêu của gia đình ông Đinh Văn Huynh ở buôn Ea B’Hôk, xã Ea B’Hôk (huyện Cư Kuin).
Năm 2013, ông Huynh đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động dạng phun sương trên diện tích 8 sào tiêu nhà mình. Hệ thống tưới tự động này gồm một máy bơm nước với công suất 2 mã lực để bơm nước từ giếng khoan lên; cộng với hệ thống đường ống chính bằng nhựa PVC 60mm dài 20m có van khóa và 1.000m ống nhựa nhỏ 27mm nối tiếp với nhau làm đường dẫn dọc theo các đường lô trong rẫy tiêu.
Từ các ống nhánh này, ông Huynh lắp tiếp các ống nhỏ 5mm bằng chất liệu nilon dẫn nước trực tiếp đến các gốc tiêu. Từ đây, nước được phun ra theo kiểu phun sương, thẩm thấu dần vào gốc cây. Tổng chi phí đầu tư hệ thống tưới nước tự động này khoảng 30 - 40 triệu đồng.
Ông Huynh cho biết, hệ thống tưới nước tự động này có thể duy trì cho việc tưới nước trên 10 năm. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước này, ông Huynh đã tiết kiệm được chi phí thuê nhân công tưới khoảng 600.000 đồng/lần tưới (mỗi năm 3 lần) và tiết kiệm khoảng 50% lượng nước tưới cho mỗi đợt so với việc bơm tưới trực tiếp trước đây.
Trên các cánh đồng ở huyện Lak, bà con cũng tăng cường công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hạn chế thất thoát nước như rải bạt nilon lót trên một số tuyến kênh, mương nội đồng; gia cố, đắp bờ đập kiên cố tránh việc thất thoát nước qua các lỗ chuột đào...
Ông Bùi Mạnh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết: Trước tình hình khô hạn, bà con đã tiến hành các biện pháp cấp nước bổ sung như đào thêm giếng, tăng cường các máy bơm, đường ống để dẫn nước đến chân ruộng khô cứu cây trồng.
Với phương châm không để người dân tự phát trong sản xuất, trước khi bước vào vụ đông xuân năm nay, chính quyền xã Buôn Triết đã tuyên truyền, vận động bà con nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại một số khu vực ít nước sang các loại cây ngắn ngày chống chịu hạn tốt như ngô lai cao sản, khoai lang, thuốc lá… Còn tại những vùng khô kiệt, không có khả năng canh tác thì tiến hành cày ải, phơi đất để khi có mưa mới sản xuất.
Related news
Khó có thể hình dung, những vùng đồng ruộng nơi sâu trũng, cồn bãi của xã Thạch Khê (Thạch Hà) lại có ngày được đánh thức bằng mô hình chăn nuôi tiền tỷ.
Hàng ngàn ha đất mặt trồng lúa ở Sóc Trăng đang bị “xẻ thịt” từng ngày để bán cho doanh nghiệp san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Để phù hợp với cam kết WTO là phân bổ cho đối tượng sử dụng cuối cùng nên sau khi trúng đấu giá, không được mua bán, trao đổi, chuyển nhượng...