Đại gia làm nông nghiệp: Mật ngọt và vị đắng
Nông nghiệp được nhận định là lĩnh vực có nhiều tiềm năng nên nhiều “đại gia” đã bỏ cả nghìn tỷ đồng đầu tư, nhưng không phải ai cũng được hưởng “mật ngọt” mà còn nếm cả “trái đắng”.
Trong ảnh: Công nhân thu hoạch rau ở trang trại của VinEco tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ảnh: T.Q
“Mảnh đất” màu mỡ
TS Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: Nền nông nghiệp của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành công to lớn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp góp phần quan trọng vào xuất khẩu và cũng là ngành duy nhất có cán cân thương mại dương trong nhiều năm liền. “Với điều kiện khí hậu, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, lao động dồi dào, đất đai màu mỡ, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn” - ông Thắng nói.
Bộ NNPTNT cho biết, tính đến năm 2015 chỉ có hơn 3.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 1% tổng số DN trên cả nước. Đặc biệt, trên 90% trong số đó là DN nhỏ và siêu nhỏ. Nguyên nhân chính khiến DN chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc về chính sách đất đai và tín dụng hỗ trợ cho DN.
Thực tế cho thấy, để chính sách tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) thực sự phát huy hiệu quả, thì vai trò của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp (DN) trong mối liên kết 4 nhà là vô cùng quan trọng, đặc biệt là vai trò của DN. Nhìn lại các DN đã và đang rót hàng nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp có thể thấy, rất nhiều “ông lớn” đã được hưởng mật ngọt.
Đầu tiên phải kể tới “ông lớn” Vinamilk. Nhìn lại quãng đường 40 năm có thể thấy, từ một DN vô danh, thiếu tiền lẫn nguyên liệu, Vinamilk đã trở thành đơn vị có vốn hóa lên tới hơn 9 tỷ USD - lớn nhất thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện nay. Không chỉ khẳng định vị thế là “ông lớn” ở trong nước mà Vinamilk còn “vươn cao”, đưa các sản phẩm có mặt tại hàng loạt quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Đến nay, Vinamilk đã có 7 trang trại chăn nuôi bò sữa đang hoạt động và 3 trang trại đang xây dựng đều có quy mô lớn.
Ngoài Vinamilk, trong lĩnh vực nông nghiệp cũng còn rất nhiều DN đã thu được “mật ngọt”. Trên sàn chứng khoán hiện có khá nhiều mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành nông nghiệp luôn được các nhà đầu tư trong nước quan tâm, lựa chọn như: PHR, DPR, HRC, TRC, SSC, NSC, HRC... Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cổ phiếu ngành nông nghiệp luôn có mức chi trả cổ tức khá cao so với mặt bằng chung, trung bình 25%/năm cũng là yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư rất quan tâm tới cổ phiếu của DN ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, còn nhiều DN liên quan tới nông nghiệp như cung cấp giống, vật tư, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, phân bón… cho ngành nông nghiệp cũng gặt hái được rất nhiều thành công.
Trái đắng...
Bên cạnh những DN thành công, cũng có những đại gia nếm “trái đắng” khi đầu tư vào nông nghiệp. Trong năm 2016, “ông lớn” gây bất ngờ nhất chính là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), báo cái tài chính hết quý II đã báo lỗ tới hơn 1.000 tỷ đồng - trong khi cùng kỳ 2015 lãi hơn 900 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính của HAGL, cao su và hợp đồng xây dựng là hai mảng bị lỗ của doanh nghiệp này. Khi HAGL bắt đầu trồng cao su, giá mủ năm 2008 lên đến 5.000 USD/tấn, còn từ năm 2014 đến nay thường xuyên ở mức dưới 1.500 USD/tấn, gần như bằng hoặc dưới cả giá thành sản xuất. Trong khi đó, chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm 2016 tăng 70% so với cùng kỳ, lên 782 tỷ đồng. Ở lĩnh vực thủy sản cũng có nhiều “đại gia” vỡ nợ, phá sản, bỏ trốn sang Mỹ hoặc bị phạt tù, như: Ông Lâm Ngọc Khuân - nguyên Chủ tịch HĐQT Công CP Chế biến thực phẩm Phương Nam, hiện bỏ trốn ở Mỹ sau khi chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng từ các ngân hàng; Nguyễn Thị Thu Sương - nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH An Giang, bị tòa sơ thẩm phạt 20 năm tù vì cùng đồng bọn chiếm đoạt trên 190 tỷ đồng từ các ngân hàng…
Hai “nút thắt” lớn
Đánh giá về những nguyên nhân dẫn tới thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả, lãnh đạo Bộ NNPTNT cho rằng, thời gian qua, chủ trương, chính sách, cơ chế liên tục được hoàn thiện, nhưng xét trên bình diện chung, một số nội dung của chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống và còn vướng mắc trong quá trình triển khai. DN và nông dân chưa tiếp cận được vốn và có quỹ đất lớn nên chưa hào hứng đầu tư lớn làm nông nghiệp.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chỉ rõ, đất đai và tín dụng là những rào cản chính của DN khi đầu tư vào nông nghiệp. Theo ông Tuấn, về đất đai có đến 63% số DN được khảo sát kêu là khó khăn, 46% kêu là rất khó khăn; về tín dụng, có đến 70% DN kêu khó khăn khi tiếp cận. Các lĩnh vực khác như bảo hiểm cũng có đến 82,5% số DN chưa tiếp cận được; về KHCN thì có 77% DN kêu là khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách.
Để tháo gỡ “nút thắt” về đất đai, TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất, cần thành lập ngân hàng đất để gom đất bỏ hoang hay sử dụng kém hiệu quả, từ đó cho DN thuê lại để có quỹ đất rộng, tập trung cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Liên kết nông dân, HTX
Một “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng, thương mại điện tử... là Vingroup đã tham gia đầu tư lĩnh vực nông nghiệp với những bước đi bài bản, táo bạo. Hiện tại, đơn vị này đã đầu tư gần 50ha nhà kính và 200ha nhà lưới theo công nghệ hiện đại Israel tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) chuyên canh tác các loại rau mầm, rau thủy canh và các loại rau quả khác.
Vingroup còn liên kết với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để sản xuất rau sạch cung ứng cho thị trường. Trong tháng 12.2016, đại gia này đã ký kết với 250 hợp tác xã và hộ sản xuất đầu tiên thuộc các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây trong khuôn khổ Dự án liên kết 1.000 hộ sản xuất.
Phương Vy
Hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của nông dân
Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NNPTNT cho biết, nhiều doanh nghiệp quan tâm, muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có đất, vì đất đã được giao cho người dân. Bộ đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số chính sách về đất đai hướng đến tập trung ruộng đất hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
“Những vướng mắc về đất đai đã được Bộ trình Chính phủ và Quốc hội. Bộ sẽ phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai. Có khuyến khích việc tập trung ruộng đất thì mới thúc đẩy tạo thuận lợi cho ngành nông nghiệp thực hiện thành công tái cơ cấu, hướng tới sản xuất quy mô lớn, đến lúc đó mới thu hút mạnh mẽ được nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp” - bà Hồng cho hay.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cũng cho rằng, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp phải tích tụ được ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình tập trung ruộng đất phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của nông dân. Do đó, cần có thêm nhiều cơ chế chính sách đủ mạnh tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Minh Long
Related news
Không chỉ cho năng suất vượt trội, HN66 còn có sự kết hợp nhiều đặc tính xuất sắc từ các dòng ngô thực phẩm, cho chất lượng rất độc đáo.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng, dù không áp dụng công nghệ cao nhưng ngành lúa gạo của Campuchia phát triển mạnh mẽ như hiện nay
Thực tế của năm 2016 là tính đến hết tháng 11, rau quả đã vượt mặt lúa gạo, trở thành ngành hàng “hot”, có triển vọng xuất khẩu mạnh mẽ nhất trong thời gian tới