Đà Nẵng Hy Vọng Những Chuyến Biển Cuối Năm
Những ngày giữa tháng Chạp, trời nắng, biển êm, ngư dân miền Trung ra khơi chuyến biển cuối năm với hy vọng trúng đậm để có tiền trang trải trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Âu thuyền Thọ Quang những ngày cuối năm nhộn nhịp hẳn lên. Trên các cầu cảng, ngư dân khẩn trương vá lưới, buộc chì, buộc phao. Dưới tàu, các máy trưởng kiểm tra lại máy móc, các thiết bị liên lạc, máy dò cá… chuẩn bị sẵn sàng trước giờ vươn khơi. Trên các cầu cảng, nhiều xe chở dầu, lương thực, thực phẩm, nước uống đậu kín chờ bốc xuống tàu.
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến (51 tuổi, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, tỉnh Đà Nẵng – chủ tàu ĐNa 90351) hối hả cùng các thuyền viên của mình đậy các nắp hầm đá, chuẩn bị nổ máy cho tàu rời cầu cảng.
“Chuyến biển này chúng tôi dự định đi khoảng 10 ngày ở ngư trường Hoàng Sa. Trước giờ lên đường anh em đặt nhiều hy vọng lắm, bởi ở nhà vợ con đang trông chờ chuyến biển này để sắm sửa Tết”, thuyền trưởng Chiến nói. Trong năm 2014, tàu của Lê Văn Chiến ra khơi hơn 7 chuyến, thu nhập khá, cuộc sống của các thuyền viên ổn định.
Ngư dân Phạm Văn Hoàng (22 tuổi, Bình Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ: “Suốt 5 năm đi biển, chuyến biển cuối năm luôn đầy háo hức. Vì trước tháng Chạp là khoảng thời gian biển động, tàu nằm bờ nhiều ngày, cuộc sống lao động gặp không ít khó khăn. Do đó, khi được chủ tàu gọi đi chuyến biển cuối năm, tôi cùng các thuyền viên đón xe từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng từ mấy ngày trước để chuẩn bị mọi thứ với chủ tàu”.
Trước giờ nổ máy ra khơi, tàu QNg 97049 do anh Trần Văn Hòa (31 tuổi, trú tại thành phố Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã cùng 10 thuyền viên chuẩn bị hơn 400 cây đá, hơn 4.000 lít dầu cùng nhiều lương thực, thực phẩm, nước uống, trị giá hơn 100 triệu đồng phục vụ cho chuyến đi 15 ngày ở ngư trường Hoàng Sa.
“Cách đây đúng một năm, vào dịp này, tàu chúng tôi trúng đậm khi khai thác giữa khu vực ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyến biển đi chỉ hơn 10 ngày nhưng mỗi lao động thu nhập trên 8 triệu đồng. Tết năm đó họ vui lắm”, thuyền trưởng Hòa chia sẻ và tin tưởng chuyến biển cuối năm này cũng sẽ lặp lại sự may mắn đó.
Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp may, bởi ra khơi thường ẩn chứa nhiều rủi ro. Ngoài thời tiết thất thường thì việc hư hỏng máy móc không thể lường trước. Ngư dân Phan Văn Nguyên (Thăng Bình, Quảng Nam) bồi hồi nhớ lại: “Tháng chạp năm Quý Tỵ, chúng tôi cho tàu ra khu vực vịnh Bắc Bộ đánh bắt thì tàu bị hỏng máy, phải thuê tàu bạn lai dắt về. Chuyến biển năm ấy không chỉ lỗ nặng mà còn tốn mấy chục triệu đồng để khắc phục máy móc. Các lao động cũng “đói”, Tết gặp khó khăn. Để giữ chân bạn, chúng tôi phải cho họ ứng tiền tiêu Tết, trong khi mình cũng gặp không ít khó khăn”.
Anh Nguyên hy vọng chuyến biển cuối năm Giáp Ngọ này sẽ trúng cá mực, để tạo động lực cho các thuyền viên của mình tiếp tục bám tàu, bám biển. “Vài năm trở lại đây, việc tìm bạn thuyền ngày càng khó, phần vì thu nhập không ổn định, phần vì họ không còn tha thiết với nghề. Chuyến biển cuối năm dù lời hay lỗ chúng tôi cũng phải trả công cao cho thuyền viên để khích lệ họ tiếp tục bám tàu cho năm mới”, ngư dân Phan Văn Nguyên chia sẻ.
Âu thuyền Thọ Quang những ngày biển động, bình quân từ 600 - 800 tàu vào trú ẩn. Những ngày giữa tháng Chạp, âu thuyền càng nhộn nhịp hơn với những lượt tàu hối hả tiến ra biển. Hy vọng, chuyến biển cuối năm sẽ là niềm vui để ngư dân có thêm động lực, bám tàu, giữ biển trong năm mới 2015.
Related news
Khoảng một triệu người ở châu Á kiếm sống từ nuôi tôm. Tại Việt Nam, xuất khẩu tôm đem lại 2,4 tỷ USD trong năm 2011 – tương đương hơn một phần sáu tổng giá trị sản lượng tôm ở châu Á cùng năm đó.
Sáng 29.11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp bàn, tìm cách giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan, tự phát tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì.
Các nhà quản lý và chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ứng dụng công nghệ cao mới giúp phát triển ngành công nghiệp bò sữa ở Việt Nam.
Đầu tháng 10-2013, tổng đàn bò toàn tỉnh có trên 82.800 con, tăng trên 3.470 con so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số lượng đàn bò tăng nhanh theo mô hình “2b” vẫn là các xã, thị trấn vùng cù lao Giêng và cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới), với trên 21.260 con, vượt 28,8% kế hoạch và tăng 23% so năm 2012.
Khoảng dăm năm trở lại đây, tại khu vực ngoại thành Hà Nội, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, số người tham gia bắt chuột ngoài đồng ngày một nhiều. Có thể gọi họ là những “dũng sỹ” bảo vệ mùa màng bội thu, cho dù chưa hẳn ai cũng ý thức được đầy đủ rằng cần phải diệt chuột vì chúng là “chuyên gia” cắn phá cây trồng.