Đa canh nên nhanh có lãi
Đến thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát (Bình Định) hỏi anh Nguyễn Thanh Long ai cũng biết. Anh là một người làm kinh tế giỏi và nhiệt tình trong công tác xã hội. Với mô hình đa canh, trồng trọt kết hợp chăn nuôi, gia đình anh mỗi năm có lãi hơn 500 triệu đồng.
Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em, nên khi lập gia đình cha mẹ cho ra ở riêng chỉ với hai bàn tay trắng. Năm 2000 anh đã mạnh dạn nhận thầu 3ha đất bạc màu xây dựng mô hình đa canh. “Làm chuyên 1 sản phẩm cũng tốt, mà làm đa canh cũng có cái hay là phân tán được rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu nhập, tận dụng được điều kiện về đất đai, không gian…”-anh Long chia sẻ.
Khởi đầu, anh Long trồng đậu phộng (lạc) trên phần lớn diện tích cải tạo. Thu nhập sau mỗi vụ đậu phộng, tích lũy được vốn, anh chuyển sang đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Diện tích đất trang trại dần được anh cơ cấu phù hợp với tính chất đa canh.
Hiện nay, phần diện tích trồng đậu phộng và rau màu của anh là hơn 1ha, trồng 1,5ha xoài cát Hòa Lộc, khu chăn nuôi bò sinh sản, gà và cá. Bình quân mỗi năm anh trồng 2 vụ đậu phộng, sản lượng đạt 5,5 tấn, sau khi trừ chi phí lãi ròng 110 triệu đồng. Hàng năm, 1,5ha xoài cát Hòa Lộc cho lãi thêm 80 triệu đồng.
Sau nhiều năm gây dựng, trừ số đã bán đi, đàn bò sinh sản của gia đình anh Long hiện vẫn duy trì 10 con. Với mô hình đa canh, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Long lãi ròng hơn 500 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Long còn là người tích cực giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo. Từ năm 2000 đến nay, gia đình anh đã giúp 15 hộ thoát nghèo bằng cách hỗ trợ cây, con giống, tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn… Anh Nguyễn Thanh Long nhiều năm liền đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi” cấp tỉnh và T.Ư. Anh đã được Hội ND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2012 – 2015.
Related news
Về huyện miền núi Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông hỏi mô hình kinh tế nông nghiệp nào hiệu quả, chị Chung Thị Lân được giới thiệu đầu tiên. Chị là người phụ nữ giỏi dang nhất vùng khi làm mô hình nuôi tằm bằng lá dâu lai, cho tằm làm tổ trên né gỗ…
Ở huyện Lý Sơn, từ bao đời nay, tỏi luôn là cây kinh tế chủ lực. Loại cây trồng này giúp người dân đất đảo có cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Thế nhưng, vừa qua tỏi mất mùa, khiến nhiều nông dân lo lắng về những vụ mùa tỏi tiếp theo.
“Từ ngày có Quỹ Phát triển thôn, dân bản chúng tôi chủ động được nguồn vốn để thực hiện các việc liên quan tới thôn và thực hiện các mô hình đầu tư cho hộ nghèo vươn lên làm ăn” – ông Tẩn Văn Canh- Trưởng thôn Lũng Dầm, xã Du Già, huyện Yên Minh (Hà Giang) chia sẻ.