Cước Phí Tăng, Giá Xoài Giảm Chủ Vựa Và Nông Dân Lao Đao
Xoài vận chuyển ra phía Bắc bị tăng giá cước vận tải lên gấp đôi, trong khi giá thu mua xoài bị giảm đi một nửa. Điều này khiến người dân ở vựa xoài Cam Lâm, Khánh Hòa âu lo.
Lượng đặt hàng giảm
Ngày 4-4, 4 ngày sau khi Bộ Giao thông vận tải đồng loạt triển khai kiểm tra tải trọng xe lưu thông trên các quốc lộ trọng điểm, chúng tôi có mặt tại huyện Cam Lâm. Tuy đang là thời điểm thu hoạch xoài canh nông (chiếm 70% diện tích xoài trên địa bàn huyện) nhưng không khí thu mua ảm đạm, khác hẳn mọi năm.
Dọc trục Quốc lộ 1A, đoạn từ địa phận xã Cam Hải Tây đến thị trấn Cam Đức, chúng tôi đếm được 5 - 6 vựa xoài đóng cửa. Ở vài vựa xoài khác, tuy có người nhưng cũng chỉ ngồi chơi. Từ sáng tới trưa không thấy xe tải đậu chờ “ăn hàng”.
Chị Nguyễn Thị Yến - chủ một vựa xoài ở xã Cam Hải Tây ngán ngẩm nói: “Chơi dài thôi! Cước phí vận tải đội lên cao như thế, ai thu mua nổi”. Theo chị Yến, trước ngày 1-4, vựa của chị bắt đầu thu mua xoài canh nông với giá 22.000 đồng/kg để chuyển ra miền Bắc. Nhưng từ ngày 1-4 đến nay, bạn hàng phía Bắc báo giá giảm đi một nửa, thậm chí chỉ còn bằng 1/3. Cụ thể: Xoài canh nông loại 1 giá 8.000 đồng/kg, loại 2 còn 4.000 đồng/kg.
Lượng hàng cũng sụt giảm đáng kể, từ 50 thùng/ngày (60kg xoài/thùng) còn 15 - 20 thùng/ngày. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, vựa của chị xuất trung bình 200 thùng/ngày. Hàng bán chậm, giá lại thấp nên chị Yến đã cho các nhân viên tạm nghỉ, chỉ người nhà chị đóng gói là đủ.
Một chủ vựa khác ở thị trấn Cam Đức than thở, từ sáng tới trưa, vựa này chẳng có ai gọi điện thoại đặt mua. Vì nể mấy nông dân đã bán xoài cho mình nhiều năm, chị phải ra vựa để cân hàng. Chỉ chỗ xoài canh nông loại 1 đang nằm chất đống, chị nói: “Bạn hàng chở tới nhưng tôi chưa muốn đóng gói, vì chẳng biết chuyển đi đâu. Ngoài miền Bắc không mua, bán chợ lẻ quanh đây thì chẳng được bao nhiêu. Mình nhận hàng do giữ chữ tín với nông dân, nhưng nhận rồi chưa biết tính sao đây…”.
Tăng cước do phải giảm tải trọng
Một lái xe tải đi qua thị trấn Cam Đức cho biết, cước phí vận tải tăng là tình hình chung trên cả nước. Chủ trương kiểm tra tải trọng xe lưu động trên đường bộ đã khiến nhiều lái xe phải giảm tải trọng.
Do quãng đường vận chuyển, việc tiêu hao nhiên liệu, chi phí ăn nghỉ dọc đường… không thay đổi nên cước phí vận tải phải tăng lên. Chị Trần Thị Thanh Hương (xã Cam Hải Tây) cho biết, nhiều bạn hàng ngoài Hà Nội đã báo ngưng lấy hàng hoặc lấy cầm chừng bởi cước phí vận tải tăng, họ ít lãi.
Trước đây, cước phí vận tải trung bình 2 triệu đồng/tấn (2.000 đồng/kg). Sau ngày 1-4, người thu mua ở phía Bắc nói giá cước tăng lên 5 triệu đồng/tấn; cộng cả công bốc xếp, đóng hàng thì chi phí này khoảng 6.000 đồng/kg. Nếu giữ giá thu mua xoài 22.000 đồng/kg thì họ phải chi tổng cộng 28.000 đồng/kg, tới tay người tiêu dùng không dưới 30.000 đồng/kg nên rất khó bán. Giá xoài giảm mạnh là để bù cho cước vận tải tăng cao. Tính ra, khi cước vận tải tăng gấp đôi, giá xoài phải giảm một nửa…
Việc bạn hàng phía Bắc ngừng thu mua hoặc mua cầm chừng với giá thấp khiến các chủ vựa ở Cam Lâm khó khăn. Tuy nhiên, người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân trồng xoài. Ông Nguyễn Văn Thơm (thôn 1, xã Cam Hiệp Bắc) - người có 147 cây xoài đang ra trái cho biết, năm ngoái, nhà ông lãi 70 triệu đồng; nhưng năm nay, với giá thu mua 8.000 đồng/kg, tiền bán xoài may ra sẽ bằng chi phí đầu tư. “Giá thấp cũng đành chịu! Mình là nông dân, chỉ có quyền bán hay không bán. Xoài chín, không thể ngồi chờ giá được”, ông Thơm than.
Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm thừa nhận, vụ xoài năm nay, nông dân “thiệt đơn thiệt kép”, bởi vừa mất mùa, vừa không được giá. Trong 4.021ha xoài (3.361ha đang cho trái), xoài canh nông chiếm tới 70%, nhưng diện tích không sâu bệnh chỉ chiếm 20 - 30%. Số này lại đang giảm giá từng ngày.
Related news
Gần 100 hộ nuôi cá lồng tại đầm Lập An ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, không dám tin vào mắt mình khi chỉ trong hơn 1 ngày, toàn bộ số cá nuôi trong lồng có giá trị cao đang gần đến kỳ thu hoạch của họ đã chết sạch
Sau khi thất bại với con cá rô đầu vuông, anh Phan Văn Khiêm, ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chọn nuôi cá trê vàng và bước đầu đã mang lại hiệu quả
Mặc dù còn trẻ nhưng Trần Văn Diên ở xã Cam Thành Nam (Cam Ranh - Khánh Hòa) đã trở thành điển hình trong việc lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương
Cá Dứa (Pangasius kunyit) là một loài cá da trơn sống ở vùng nước lợ. Với ưu thế là loài cá quý, từ lâu được người dân ĐBSCL cho là thịt thơm ngon hơn cá tra, cá basa nhiều lần. Nhu cầu tiêu thụ rất lớn, là món đặc sản ở các quán, nhà hàng. Vì vậy cá Dứa đã và đang là đối tượng nuôi có triển vọng trong tương lai ở vùng Nhà Bè và Cần Giờ
Hàng chục hộ nông dân ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế) đang rơi vào cảnh khốn đốn vì mua phải phân bón kém chất lượng, đã “giết” hàng chục ha lúa và hoa màu. Trong khi người dân kêu cứu nhiều nơi thì Công ty sản xuất phân bón lại im hơi lặng tiếng!