Cuộc chiến ong nội - ong ngoại: Phi lý việc cấm cản ong ngoại
Được phép nuôi rộng rãi, với nhiều ưu điểm vượt trội so với ong nội, con ong Ý (ong ngoại) đã và đang tạo nên bước “đột phá” cho nghề nuôi ong, giúp hàng vạn người thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Vậy nên việc tỉnh Hà Giang “ngăn sông cấm chợ” con ong ngoại vào địa bàn tỉnh này khiến không chỉ người nuôi ong mà dư luận cũng bức xúc
Khắp nơi nuôi ong ngoại
Hơn chục năm trước, con ong ngoại đã được du nhập vào Việt Nam và đã được người dân nuôi dưỡng, thuần hóa thành công và trở thành giống thuần chủng, nội địa. Từ lúc chỉ có vài chục đàn ong ngoại, hiện cả nước đã có khoảng 1,2 triệu đàn (trong tổng số 1,5 triệu đàn ong). Con ong ngoại đang được hầu hết các hội, HTX nuôi ong và nhân dân các tỉnh thành lựa chọn để thay thế cho con ong nội. Các tỉnh có đàn ong ngoại nhiều phải kể đến như: Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai…
Trong ảnh: Ông Năng Văn Túy ở thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan (Tam Đảo, VĨnh Phúc) giới thiệu về kỹ thuật nuôi ong ngoại cho người dân. Ảnh: V.T
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Chiến - Phó Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ (xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết: “Giống ong của HTX là ong Ý, được nhập về nước ta từ những năm 1967. Sau mấy chục năm nhân giống, nay ong Ý đã được nuôi thương mại ở nước ta theo Thông tư 25. Nhưng khi tôi đưa đàn ong lên Hà Giang, thì bị lãnh đạo địa phương ngăn cản không cho vào địa bàn tỉnh”.
Theo ông Chiến, trước khi đưa ong lên, HTX đã có đầy đủ các giấy tờ như: Giấy đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận nguồn gốc ong; giấy kiểm dịch động vật; biên bản niêm phong phương tiện vận chuyển chứa động vật, sản phẩm động vật. Hợp đồng cho mượn vườn đặt trại ong; hợp đồng lao động với người nuôi; đơn xin đặt trại ong lấy mật gửi UBND xã nơi đặt trại ong..., nhưng rồi xã không cho, mà lại tổ chức lực lượng liên ngành xua đuổi.
Năm 2011, UBND tỉnh Lào Cai đã đề xuất và được Bộ KHCN phê duyệt Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ nuôi ong mật và khai thác, chế biến mật ong tại Lào Cai”.
Ông Phạm Thanh Xuân – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Ong miền núi Thanh Xuân - một trong các đơn vị thực hiện dự án cho biết, lúc đầu ông chỉ có 50 đàn ong nội, rồi phát triển lên 100 đàn, mỗi năm thu hoạch từ 1,5 - 2 tấn mật. Song giống ong nội thuộc loài dã sinh, tính tụ đàn không cao, năng suất thấp, rất khó phát triển và mở rộng... “Sau một thời gian nghiên cứu, tôi thấy giống ong ngoại có rất nhiều đặc tính tốt nên đã quyết định nuôi. Kết quả, năm 2012, 100 đàn ong ngoại đã cho thu hoạch trên 4 tấn mật (gấp 2 – 2,5 lần ong nội - PV). Hiện tôi nuôi 800 đàn ong, trong đó 600 đàn ong ngoại” – ông Xuân nói.
Tương tự, tháng 5.2013, Hội Nuôi ong tỉnh Vĩnh Phúc đã được thành lập, với 120 hội viên thuộc 4 chi hội (Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên), tổng số hơn 9.000 đàn ong. Đến nay, hội này đã phát triển lên hàng trăm hội viên và hơn 10.000 đàn ong, trong đó chủ yếu là ong ngoại.
Ông Năng Văn Túy ở thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan (Tam Đảo) đang nuôi 150 đàn ong, trong đó có hơn 100 đàn ong ngoại. Ông cho hay bắt đầu nuôi ong từ năm 1980, với 4 đàn. Đến nay mỗi năm ông có từ 100 -150 đàn, mỗi đàn cho thu 10 - 13 lít mật/năm, trừ chi phí ông thu về khoảng 150 triệu đồng. Với kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi ong, ông Túy chia sẻ: “Mùa khai thác mật chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6, còn lại là thời gian dưỡng ong, khi đó cần cho ong ăn thêm đường vì hoa nở ít nên không đủ dinh dưỡng cho đàn ong sinh trưởng”.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phong trào nuôi ong ngoại cũng đang rất phát triển, với hàng trăm nghìn đàn ong và chủ yếu do người dân từ nơi khác đến gửi nuôi. Ông Leo Văn Phúc – Phó Trưởng phòng NNPTNT Lục Ngạn cho biết: "Toàn huyện có từ 70.000 – 80.000 đàn ong ngoại của các chủ nuôi ong ở khắp các tỉnh, thành phố về khai thác mật hoa vải, trong đó có hơn 10.000 đàn ong của người dân trong tỉnh”.
Ong ngoại “áp đảo” ong nội?
Vì sao những năm gần đây, con ong ngoại lại được nhiều người nuôi ong ở khắp cả nước lựa chọn như vậy. Và việc nuôi con ong này có ảnh hưởng gì đến con ong bản địa? Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến những vùng nuôi ong lớn và được hàng chục chủ nuôi ong giàu kinh nghiệm tiết lộ.
Ông Phạm Thanh Xuân – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Ong miền núi Thanh Xuân cho biết, con ong ngoại có nhiều đặc tính tốt như: “Tính tụ đàn cao, thế đàn đông, năng suất mật vượt trội, ít dịch bệnh, thích nghi di chuyển, rất phù hợp để đầu tư phát triển trên quy mô lớn”.
Còn theo ông Phạm Minh Dương (Bình Dương) - người thường xuyên đưa đàn ong ngoại về Lục Ngạn vào mỗi mùa hoa vải để lấy mật lại đánh giá rất cao tính thích nghi, khỏe và năng suất mật cao của con ong ngoại. Ông Dương nói: “Đặc thù của nghề nuôi ong lấy mật, là phải thường xuyên di chuyển theo các mùa hoa, vùng hoa, nên nếu con ong không khỏe, không thích nghi nhanh thì việc di chuyển sẽ hao tổn đàn rất lớn. Nhưng con ong ngoại tôi di chuyển 2 – 3 ngày từ trong Nam ra, nhưng khi gặp hoa là chúng bay đi lấy mật ngay”.
Ông Dương cho biết thêm, với sức khỏe của con ong ngoại, nếu gặp thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc, chỉ 2 – 3 ngày lại được quay mật một lần, con ong nội phải chục ngày đến nửa tháng. Trong điều kiện thời tiết đẹp, mỗi mùa hoa vải thiều có thể quay được 6 lần.
Chúng tôi đề cập đến việc con ong ngoại to khỏe như vậy, liệu nó có gây hại cho con ong nội hay sản xuất nông nghiệp? Ông Nguyễn Văn Điệp (Hải Dương) - người đang có 800 đàn ong thuê đặt tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn) cho hay: “Con ong ngoại rất hung dữ với người lạ, nhất là lúc lấy cầu mật, song lại “hòa bình” gần gũi với ong nội, chứ chúng không cắn nhau như ong ruồi, hoặc các loại ong đối địch khác nên không gây ảnh hưởng đến giống ong nội”.
Với hơn 30 năm gắn bó với con ong, ông Năng Văn Túy cho biết: “Tôi gắn bó với con ong nội hơn 20 năm, nhưng chỉ khi gắn bó với con ong ngoại, kinh tế gia đình mới dần khấm khá. Nếu ai nói nuôi ong ngoại gây hại cho ong nội, là người chưa hiểu gì về con ong. Mà phải khẳng định rằng, chính con ong ngoại đã tạo nên bước đột phá, kỳ tích cho người nuôi ong, nhờ nó mà sản lượng mật hàng năm đều tăng và chất lượng mật ngày càng được khẳng định”.
Related news
Không chấp nhận ong ngoại vào địa bàn tỉnh là việc phải làm bởi giống ong ngoại gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động nuôi ong và sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Giá sầu riêng vùng chuyên canh sầu riêng tỉnh Tiền Giang đang lên từng ngày và lập đỉnh giá mới. Thương lái thu mua tại vườn từ 85.000 đồng đến gần 90.000 đồng
Có thể khẳng định, cam Vinh, với các tên gọi thân quen như cam Xã Đoài, cam Phủ Quỳ, cam Con Cuông... đã nức tiếng xa gần