Của ăn của để từ nuôi tôm
Sau 38 năm làm nông nghiệp (với đủ ngành nghề nhưng nổi bật là nuôi tôm sú, tôm thẻ), đến giờ vợ chồng ông Tư Lễ (ảnh, ông Nguyễn Văn Lễ và bà Lê Thị Tĩnh, ngụ ấp 4 xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) đã có của ăn của để, không chỉ ổn định cuộc sống cho gia đình mà còn dùng thành quả đó để làm những việc có ích cho xã hội.
Ông Tư Lễ kể, mấy đời tổ tiên gia tộc đã gắn bó sản xuất nông nghiệp ở vùng đất Nhơn Đức, với diện tích 8.000m2 đất (của gia đình) và 10ha mặt nước nuôi tôm (của người quen cho mượn để sản xuất).
Trước đây gia đình ông trồng lúa, nhưng vùng đất Nhơn Đức thấp, lại gần biển, nên trồng lúa rất cực mà thường hay mất mùa. “Thế nên, dù trồng lúa là nghề chính, nhưng thu nhập của gia đình tôi lại trông chờ vào đàn vịt nuôi thả đồng nhiều hơn”, ông Lễ cười nói.
Sau đó, vợ chồng ông bao đê nuôi cá các loại (rô phi, mè, chép, chẽm…), mức thu nhập cũng chỉ đủ cho gia đình đắp đổi qua ngày. Với mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang nuôi tôm để có thu nhập khá hơn, từ năm 2008, ông Tư Lễ là người đi tiên phong trong phong trào nuôi tôm thẻ, tôm sú ở Nhà Bè và phát triển ổn định đến nay.
Mới đầu, ông Tư Lễ nuôi 1ha, sau nâng dần và đến giờ là 10ha, với nhiều hình thức nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm quảng canh kết hợp cua… Để có kiến thức trong sản xuất nuôi tôm, hai ông bà cùng tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị của Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện tổ chức.
Ông kể: “Trung bình mỗi vụ dài 2 tháng rưỡi, tôi thả 4ha tôm thẻ, thu nhập được 120 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình kiếm được hơn 100 triệu đồng”. Để nuôi tôm thành công, theo ông thì không có một lý thuyết nuôi tôm dùng chung, một chuẩn chung chính xác cho tất cả các ao, mà người nuôi cần kiên nhẫn quan sát, vận dụng trí óc để tính toán mật độ thả tôm và số vụ tôm nuôi trong năm sao cho hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ao nuôi như về diện tích, độ sâu, độ mặn...
Ông bà Tư Lễ chia sẻ: “Cơ ngơi có được như hiện nay là thành quả từ sự nỗ lực của vợ chồng tôi. Chúng tôi làm tất cả những việc gì có thu nhập, miễn không phạm pháp là làm. Ban ngày cấy mướn cho ruộng người ta, tối đến mới làm cho ruộng nhà, cực là thế nhưng giờ rất vui, con cái giờ đã thành danh, công ăn việc làm ổn định và có của ăn của để”.
Hiện ngoài nuôi tôm xen cua, ông bà còn trồng dừa dứa, chuối và hoa cây kiểng. Đây được xem là mô hình điểm của huyện Nhà Bè trong việc tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho bà con nông dân nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng. Ngoài ra, hàng năm gia đình ông bà Tư Lễ còn tiếp đón các cháu học sinh đến ăn ở, để học tập kinh nghiệm thực tế từ mô hình.
Vợ chồng ông Tư Lễ còn là điển hình trong tham gia công tác xã hội ở địa phương. Gia đình ông đã tự nguyện hiến 208m2 đất và gần 200 triệu đồng để làm đường xi măng, giúp bà con trong ấp đi lại thuận tiện. Ông bà cũng là mạnh thường quân cho các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo hộ chính sách nghèo, trẻ mồ côi… của địa phương.
Related news
Nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD) được du nhập vào Việt Nam từ thập niên 90 (TK 20). Ở Việt Nam có 3 tỉnh phát triển mạnh nghề khai thác CNĐD
Các mô hình sản xuất thực nghiệm và liên kết sản xuất nhằm góp phần nâng cao thu nhập, tăng cường điều kiện sống, làm việc cho cán bộ viên chức
Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, cá tra duy trì giá khá tốt là do thị trường xuất khẩu châu Á, châu Mỹ…