Cử nhân về quê làm giàu từ nông nghiệp
Năm 2010, tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), Trần Hải Hùng, sinh năm 1987, trú tại buôn 9, xã Đắk D'rô (Krông Nô) quyết định về quê lập nghiệp bằng mô hình kinh tế vườn ao chuồng.
Tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, chứng kiến công việc nương rẫy của cha mẹ, Hùng luôn trăn trở về câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nông dân. Thấy quỹ đất nông nghiệp của gia đình khá lớn, Hùng quyết định lấy sản xuất nông nghiệp làm hướng đi trong phát triển kinh tế. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, năm 2011, Hùng về quê bắt tay ngay vào phát triển kinh tế.
Ban đầu Hùng quy hoạch 2,5 ha diện tích đất trống cha mẹ “cấp vốn” lập nghiệp theo cơ cấu: 1 ha trồng hồ tiêu với khoảng 1.500 trụ; 0,6 ha trồng cà phê; 0,3 ha hồ nước phục vụ tưới cà phê, tiêu vào mùa khô; 0,6 ha đất còn lại trồng cây ngắn ngày, xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi. Quy hoạch là vậy nhưng để thực hiện được, Hùng đã phải tính toán theo từng giai đoạn của các loại cây trồng để trồng xen các loại cây ngắn ngày tạo nguồn thu và lấy “ngắn nuôi dài”.
Mặc dù là "con nhà nông" nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thiếu vốn, kỹ thuật là những khó khăn Hùng gặp phải khi bắt tay vào khởi nghiệp nên dự án của anh "trầy trật" trong hai, ba năm đầu. Dự án chỉ thực sự ổn định khi vườn tiêu và cà phê bắt đầu có nguồn thu giúp Hùng giải quyết về vốn đầu tư và chi phí sản xuất. Hùng chia sẻ: "Trong quá trình sản xuất, ban đầu chủ yếu tôi vẫn theo lối canh tác truyền thống. Nhưng qua các lớp tập huấn, qua mạng thông tin đại chúng, tôi dần thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, lấy phân chuồng ủ men vi sinh bón cho các loại cây trồng giúp giảm chi phí đầu tư.
Tận dụng phân bò làm phân bón chính cho tiêu và cà phê
Hiện nay, mô hình sản xuất nông nghiệp của Hùng là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương trong phong trào lập nghiệp. Với Hùng, làm nông nghiệp nếu không có ý chí và đam mê thì sẽ rất dễ thất bại và bỏ cuộc. Theo kinh nghiệm của Hùng thì để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hiện nay, đòi hỏi phải trồng đa cây, nuôi đa con, tạo nhiều nguồn thu trên một đơn vị diện tích đất sẽ từng bước cho thu nhập ổn định và có nhiều cơ hội vươn lên làm giàu.
Trăn trở lớn nhất của Hùng là những sản phẩm nông nghiệp làm ra, vẫn bán cho các thương lái, giá cả bấp bênh. Chính vì thế, hiện nay, ngoài việc cần vốn đề đầu tư và áp dụng máy móc vào các khâu tưới nước, chế biến… Hùng còn mong muốn kết nối được với đại lý cung cấp các vật tư nông nghiệp và các đơn vị thu mua để yên tâm sản xuất, chủ động được “đầu ra, đầu vào”.
Theo tính toán của Hùng, 1.500 trụ tiêu, 600 cây cà phê đang cho thu hoạch mùa thứ 8, đàn heo thịt 10 con, 4 con bò, đàn gà thả vườn khoảng 200 con, ao cá trừ chi phí sản xuất, mỗi năm mô hình này cho thu nhập trên 500 triệu đồng.
Lò ấp để chủ động nguồn giống gà thả vườn
Bằng sức trẻ, đam mê và sự chủ động tính toán trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước giúp Hùng vượt qua những khó khăn ban đầu lập nghiệp. Mô hình vườn, ao, chuồng của Hùng được đánh giá cao bởi cách tận dụng hiệu quả các diện tích đất để tạo nhiều nguồn thu cho gia đình. Nhờ quy hoạch bài bản nên chi phí sản xuất, chăn nuôi của Hùng giảm so với mặt bằng chung về đầu tư khi anh tận dụng lượng phân gà, phân bò để cung cấp cho các loại cây trồng, chuồng trại không phải đầu tư lớn vì gà thả vườn.
Để chủ động nguồn gà giống thả vườn, anh Hùng còn đầu tư mua 2 lò ấp trứng với công suất 500 quả trứng mỗi lò. Ngoài cung cấp con giống cho gia đình mình, anh còn cung cấp giống gà địa phương cho các hộ dân trên địa bàn.
Related news
Lan mokara cắt cành thì giá bán khoảng 5.000 đồng/cành. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn lan của chị cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2017, đàn gà của Phan Văn Hòa đã đạt con số 10.000 con thương phẩm. Đầu năm 2018, anh đã cho xuất chuồng một đợt 3.000 con
Mướp đắng, dưa chuột “bén duyên” trên đất Cẩm Trung từ rất lâu, trở thành cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương trong vòng 5 năm trở lại