Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cử nhân rau thủy canh

Cử nhân rau thủy canh
Author: Lê Khánh
Publish date: Saturday. February 29th, 2020

Chưa từng học qua một trường lớp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng với niềm đam mê, cô gái trẻ ở Quảng Nam đã quyết định thực hiện mơ ước của mình với mô hình rau thủy canh.

Mỗi ngày, mô hình rau thủy canh của Sang xuất ra thị trường khoảng 60 - 80kg rau sạch. Mỗi tháng, Sang thu khoảng trên dưới 70 triệu đồng từ các loại rau xà lách, cải, cà chua…

Chỉ sau gần 2 năm từ ngày bắt tay vào xây dựng mô hình, đến nay thành quả mà cô có được là một vườn rau đa dạng các chủng loại trị giá tiền tỷ, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chặng đường đầu gian nan

Dù đang tất bật với công việc kinh doanh ở cửa hàng bán rau sạch nhưng Huỳnh Thị Sang (SN 1992, trú thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vẫn vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi để chia sẻ về thành công mà cô có được với mô hình trồng rau thủy canh của mình.

Sang chia sẻ, cô vốn là cử nhân ngành Kinh doanh Thương mại của Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Sau ngày tốt nghiệp, Sang cũng tìm cho mình được một công việc với mức lương ổn định ở Cty ô tô Trường Hải. Với một cô gái trẻ mới ra trường thì những gì đạt được như vậy là quá đủ nhưng Sang lại không nghĩ vậy. Khát khao lập nghiệp của cô còn lớn hơn như thế.

“Em làm ở Cty ô tô Trường Hải được 4 năm và mọi công việc đều bình thường. Sau đó, em cảm thấy cứ làm như thế thì càng ngày càng nhàm chán và không có cơ hội phát triển bản thân nên quyết định tìm hướng đi mới. Cuối năm 2018, trong một lần đi tham quan ở Đà Lạt cùng với Cty, nhìn thấy người dân ở đó trồng rau thủy canh rất hay và hiệu quả nên em rất thích thú. Ngay sau đó, em đã quyết định sẽ đem mô hình này về thực hiện ở quê mình”, Sang nhớ lại.

Nghĩ là làm, về nhà Sang lên mạng và tìm các sách báo hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ trồng rau thủy canh. Cùng với đó, tranh thủ những ngày được nghỉ, cô gái trẻ còn đi đến các mô hình trồng rau theo phương pháp này để học hỏi thêm kinh nghiệm từ các chủ vườn. Đến tháng 6/2018, sau 6 tháng kể từ ngày nảy sinh ý tưởng, Sang đã mạnh dạn đầu tư mua trang thiết bị để bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình.

Tuy nhiên, quyết định này của cô gái trẻ ban đầu gặp phải sự phản đối gay gắt của gia đình. Họ không muốn cô bỏ dở công việc để chuyển sang một lĩnh vực mới mà trước giờ không học qua trường lớp nào. Cùng với đó, nguồn vốn để thực hiện mô hình này cũng tương đối lớn nên người thân của Sang cũng rất ngần ngại. Nếu xảy ra sơ suất gì thì “mất cả chì lẫn chài”.

“Sau nhiều lần thuyết phục để thực hiện bằng được quyết tâm, cuối cùng em cũng được gia đình ủng hộ. Khó khăn bước đầu cũng đã qua nhưng phía sau em biết mình còn phải vượt qua những thách thức nữa. Nhưng với niềm đam mê và kiên trì, em cũng đã vượt qua được tất cả”, Sang tâm sự.

Để tiết kiệm chi phí, Sang và chồng tự mua các trang thiết bị cần thiết cho mô hình rồi về nhà tự mày mò, lắp đặt. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế rủi ro, Sang cũng chỉ thực hiện diện tích thử nghiệm khoảng 100m2. Đúng là để đi đến thành công chưa bao giờ trải qua con đường bằng phẳng. Kinh nghiệm còn thiếu nên lứa rau đầu tiên mà Sang trồng đều bị nhiễm nấm rồi chết hết, đành bỏ đi.

“Lúc đó, diện tích nhỏ nhưng một lứa rau bị thiệt hại như thế cũng hết hơn chục triệu đồng. Lứa đầu tiên không đạt, lứa tiếp theo cũng không như kỳ vọng vì vườn rau tiếp tục bị nhiễm các loại nấm khác. Thấy vậy, em lại tiếp tục tìm hiểu xem mình đã thực hiện sai kỹ thuật gì. Đồng thời, em cũng nhờ các Cty giống và các chủ vườn có kinh nghiệm để hướng dẫn thêm rồi quyết làm lại từ đầu”, Sang kể.

Từ lý thuyết đến thực tiễn thất bại đã không khiến Sang nản lòng mà càng tạo thêm cho cô gái trẻ ý chí vươn lên cũng như giúp Sang thêm những kinh nghiệm quý báu. Để rồi hơn 8 tháng sau ngày thực hiện, thành quả mà cô có được là một vườn rau phát triển xanh tươi, có thể xuất ra thị trường những sản phẩm đầu tiên

Thu “quả ngọt”

Thành công ban đầu, Sang quyết định cải tạo lại 1,7 ha đất trồng keo sau nhà để mở rộng mô hình cũng như thành lập HTX rau công nghệ cao Dream garden. Để đầu tư được toàn bộ diện tích này thì chi phí mà cô bỏ ra không hề nhỏ, hơn 4 tỷ đồng nên Sang phải vay mượn khắp nơi mới có đủ. Với kiến thức đã có được trong tay, HTX của Sang nhanh chóng được hình thành.

HTX của Sang đang trồng các loại cải, xà lách, xà lách lolo xanh, xà lách lolo tím, xà lách mỡ, Romain, cà chua, dưa chuột, cải xoăn, rau gia vị, rau mầm… đều phát triển rất tốt. Hơn 1 tháng sau đó, HTX Dream garden đã xuất bán lứa rau đầu tiên và rất được thị trường đón nhận.

Sang cho biết, hiện mỗi ngày HTX rau sạch của mình xuất bán ra thị trường khoảng 60 – 80kg rau các loại. Với giá bán trên thị trường hiện nay trung bình từ 40 – 50kg thì mỗi tháng mang lại nguồn thu trên dưới 70 triệu đồng.

Các sản phẩm của Sang không chỉ cung cấp cho người dân địa phương mà nhiều đơn vị ở tỉnh khác như Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng đặt hàng nên số lượng hiện có vẫn không thể cung cấp đủ nhu cầu của khách hàng.

Được biết, hiện nay mô hình rau sạch và của hàng thực phẩm của Sang đang tạo việc làm cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập trung bình từ 6 – 7 triệu đồng/người/tháng

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện hiệu quả mô hình, Sang cho biết, với mô hình thủy canh, cây rau được trồng trong môi trường cách ly nên ít khi nhiễm sâu bệnh mà chủ yếu là chịu tác hại của các loại nấm. Trong quá trình trồng thì hầu như các loại nấm phổ biến Sang cũng đã gặp phải và khắc phục được. Bên cạnh đó, để cây rau phát triển tốt nhất thì 3 yếu tố quan trọng nhất là nước, dinh dưỡng và giống.

“Với nguồn nước thì phải kiểm tra thường xuyên, đảm bảo độ pH phù hợp. Giống em trồng khoảng 50% là giống trong nước và 50% giống nhập từ nước ngoài được kiểm nghiệm chất lượng.

Còn về dinh dưỡng thì mỗi loại rau có một chế độ khác nhau, trồng loại gì thì pha chế tỷ lệ dung dịch cho phù hợp. Đảm bảo được 3 yếu tố này thì mô hình sẽ không bao giờ thất bại”, Sang nói.

Cửa hàng thực phẩm sạch của Sang được nhiều khách hàng tìm đến để lựa chọn sản phẩm an toàn.

Chưa dừng lại ở đây, đầu năm 2019, với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất, Sang cũng đã liên kết với nhiều mô hình sản xuất sản phẩm sạch để mở cửa hàng thực phẩm ở thị trấn Núi Thành. Sau 1 năm đi vào hoạt động, của hàng của Sang ngày càng có nhiều khách hàng biết đến và tìm tới mua.

“So với doanh thu từ vườn rau thì doanh thu từ của hàng này còn cao hơn gấp 5 lần nên mỗi năm cũng đem lại cho gia đình nguồn thu nhập tương đối. Đây là hướng đi đúng và có tiềm năng trong tương lai. Sắp tới, em sẽ tiếp tục mở rộng thêm mô hình để sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn nữa, cung cấp cho khách hàng cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương”, Sang tâm sự.


Related news

Tỷ phú vịt Tỷ phú vịt

Khởi nghiệp bằng đàn 50 con vịt đẻ, anh Nguyễn Văn Đường (Thái Nguyên) không thể tin rằng 20 năm sau đã có cơ ngơi hàng chục tỷ đồng.

Tuesday. February 18th, 2020
Bí quyết làm giàu - Thành triệu phú từ cây cà phê ghép Bí quyết làm giàu - Thành triệu phú từ cây cà phê ghép

Là người đầu tiên của H.Đăk Tô (Kon Tum) xây dựng mô hình cà phê ghép, sau 10 năm phát triển, ông Cao Văn Luận có thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Wednesday. February 19th, 2020
Thành tỷ phú nhờ nuôi loại cá lắm thị phi Thành tỷ phú nhờ nuôi loại cá lắm thị phi

Con cá chép thường sau nửa năm cho ăn đậu tằm nhập từ Trung Quốc biến thành loại cá giòn với thịt ngon, nhưng có người đồn là nhờ ăn hóa chất mà cá biến thành

Tuesday. February 25th, 2020