Home / Tin tức / Tin thủy sản

CPTPP sẽ mở rộng cửa thị trường Nhật Bản

CPTPP sẽ mở rộng cửa thị trường Nhật Bản
Author: Phan Thảo
Publish date: Thursday. April 19th, 2018

Sau Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), quan hệ thương mại giữa hai nước đã rất khởi sắc, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản cũng rộng mở. Tuy nhiên, theo đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai mở hết thị trường này. Hy vọng đang đặt ra sau khi CPTPP được ký kết.

Nhật Bản là thị trường lớn của xuất khẩu tôm Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng 

Đối tác lớn

Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác thương mại truyền thống lớn của Việt Nam. Hiện nay, Nhật Bản đứng thứ 4 trong tổng số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ buôn bán hàng hóa với Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ).

Đặc biệt, kể từ khi FTA Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực, Nhật Bản ngày càng trở thành thị trường quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu đến các thị trường trên thế giới. Cơ cấu hàng hóa của Nhật Bản và Việt Nam lại mang tính bổ sung, không cạnh tranh. Nhật Bản là nước nhập siêu lớn về thủy sản, mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm chế biến trong khi Việt Nam lại là nước có lợi thế cạnh tranh về các sản phẩm này. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản, máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên liệu cho sản xuất.

Cùng đó, với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), lĩnh vực đem lại lợi ích xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam là thủy sản. Nhật Bản sẽ giảm thuế suất đối với hàng thủy sản của Việt Nam từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống còn 1,31% năm 2019. Cam kết này thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Hơn nữa, trong vòng 10 năm, theo thỏa thuận, Việt Nam và Nhật Bản cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh. Theo đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Rộng cửa thủy sản

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói chung và sản phẩm thủy sản Việt Nam nói riêng sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico. Đây là những đối tác thương mại quan trọng của thủy sản Việt Nam. Về kim ngạch, các nước thành viên CPTPP hằng năm nhập khẩu gần 2 tỷ USD sản phẩm thủy sản Việt Nam, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong đó, Nhật Bản chiếm 15%, với các mặt hàng thế mạnh là tôm, bạch tuộc, cá ngừ…

Cùng đó, mặc dù đã có hai hiệp định thương mại với Việt Nam, nhưng Nhật Bản vẫn giữ mức thuế 3,5% đối với thủy sản tươi sống và 7,3% đối với thủy sản chế biến của Việt Nam nhập khẩu vào nước này. Do vậy, việc xuất khẩu những mặt hàng này vào Nhật Bản còn rất hạn chế. Khi CPTPP chính thức có hiệu lực, các mức thuế này tiếp tục được giảm sâu và loại bỏ, tạo ra lợi ích đáng kể so với những gì hai bên đang có.

Theo một số chuyên gia kinh tế, với cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi CPTPP có hiệu lực trừ các nhóm hàng có lộ trình 3, 5, 10 năm, tất cả các nước thành viên đều kỳ vọng vào việc thúc đẩy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so những cam kết hiện có trong khu vực, Hiệp định buộc Nhật Bản phải chấp nhận cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm nông sản. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam khai thác tối đa thị trường này.

Theo Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe, với CPTPP, nhiều ngành nghề có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có thủy sản. Ngoài giá trị về thương mại, giảm thuế suất… việc tham gia CPTPP còn là cơ hội cho những thay đổi về thể chế lẫn kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng là kỳ vọng của doanh nghiệp thủy sản trong tiến trình hội nhập.

Hơn nữa, việc tham gia vào CPTPP cũng sẽ giúp thủy sản Việt Nam tăng lợi thế so với các nước đối thủ trong xuất khẩu sang các nước thành viên. Nhưng điều nhiều người lo ngại là chúng ta tận dụng điều này như thế nào. Bởi đi kèm với cơ hội thì sẽ là những thách thức. Những yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh, kiểm dịch sản phẩm, chất lượng sản phẩm, cũng như các rào cản phi thuế quan khác sẽ là những thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu và có giải pháp ứng phó sau khi Hiệp định đạt mục tiêu cắt giảm thuế quan hoàn toàn. 


Related news

Chuyện ông Lộc nuôi cua đồng Chuyện ông Lộc nuôi cua đồng

Ông Hoàng Thế Lộc đã sáng tạo ra một mô hình nuôi cua sinh sản “độc nhất vô nhị”, đem lại giá trị kinh tế cao.

Wednesday. April 18th, 2018
Tôm càng xanh và định hướng vùng chuyên canh ở Bắc Bình Tôm càng xanh và định hướng vùng chuyên canh ở Bắc Bình

Hiện nay tôm càng xanh thương phẩm có giá bán rất cao (từ 350 - 500 ngàn đồng/kg tùy loại), nhưng vẫn không cung cấp đủ nhu cầu thị trường tại địa phương…

Wednesday. April 18th, 2018
Vi sinh với nuôi trồng thủy sản Vi sinh với nuôi trồng thủy sản

Để giảm thiểu được tình trạng này, tiến tới nuôi an toàn bền vững mà vẫn hiệu quả không thể không nhắc tới các chế phẩm vi sinh.

Wednesday. April 18th, 2018