Công Dụng Khác Của Cây Đu Đủ
I. Tác dụng tuyệt vời của cây đu đủ
Đu đủ chín chứa khoảng 70% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carotenoit, axit hữu cơ, vitamin A, B, C, Protit, 0,9% chất béo, xenlulôzơ (0,5%), canxi, photpho, magiê, sắt, thiamin, riboflavin...
1. Thành phần dinh dưỡng:
Đặc biệt trong đu đủ lượng beta caroten nhiều hơn trong các rau quả khác. Beta caroten là một tiền chất của vitamin A, vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành vitamin A. Đây là một loại vi chất dinh dưỡng có vai trò là chống oxy hoá mạnh giúp chống lại một số căn bệnh ung thư, chống khô mắt, khô da và có tác dụng nhuận tràng. Trong 100g đu đủ chín chứa 2.100 mcg beta caroten.
Tuy nhiên nhu cầu beta caroten cũng cần vừa phải, nếu ăn quá nhiều, liên tục sẽ dẫn đến thừa và gây vàng da. Hiện tượng vàng da này sẽ mất nếu giảm lượng beta caroten ăn vào.
Ngoài ra trong đu đủ còn chứa nhiều vitamin. Đu đủ có thể cung cấp cho cơ thể các loại vitamin thiết yếu như vitamin A và vitamin C, trong 100g đu đủ có 74-80 mg vitamin C. Ở Ấn Độ người ta đã chiết xuất vitamin A từ quả đu đủ để sản xuất ra thuốc chống lại bệnh quáng gà ở trẻ em. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm. Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Do có nhiều sinh tố C và caroten nên đu đủ có tác dụng chống oxy hoá, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
2. Dưỡng sinh với đu đủ:
Đu đủ chín có quanh năm và mùa nào dùng cũng tốt cho sức khoẻ. Vào mùa hè, ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Vào thu đông, đu đủ giúp nhuận táo, ôn bổ tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hoá đàm.
Đu đủ có tác dụng tốt cho những người chóng già, da mai mái, thể trạng không sung mãn, có các bệnh mạn tính. Dùng đu đủ chín 200g, chuối xiêm 300g, 3 thứ trên xay trong nước dừa non, uống hằng ngày. Đây là phép dưỡng sinh chống lão suy của người xưa.
Đu đủ chín coi là một món ăn bồi bổ và giúp sự tiêu hoá các chất thịt. Còn trong nấu ăn khi hầm các loại thịt, xương cứng người ta thường cho quả đu đủ xanh vào làm cho các thức ăn mau nhừ, nhuyễn, tiêu hoá tốt.
3. Làm đẹp với đu đủ:
Đu đủ rất giàu enzyme tự nhiên, dễ dàng thấm sâu vào làn da giúp đẹp da, mau lành các tổn thương trên da. Đu đủ cũng có tác dụng tẩy tế bào da chết, hồi phục sự tươi trẻ cho làn da.
Hỗn hợp massage da mặt từ đu đủ: Trộn đu đủ xay với một thìa dầu aloe vera và massage khắp cơ thể. Nên thực hiện đều đặn mỗi tháng 1 lần để tái tạo làn da.
Mặt nạ dành cho mọi loại da: Xay nhuyễn 1 quả đu đủ, 1 muỗng cà phê mật ong và chút nước cốt chanh. Đắp lên mặt 20 phút, rồi rửa sạch.
Với da mụn: dùng đu đủ chín bỏ vỏ và hạt, nghiền mịn làm mặt nạ lột da mặt, giúp chữa khỏi mụn trứng cá.
Quả đu đủ xanh nghiền nát với nước dùng bôi mặt hoặc tay để chữa chai chân và bệnh eczema.
Chú ý: Đặc tính tẩy tế bào chết ở đu đủ rất mạnh nên tránh dùng đu đủ trên các vùng nhạy cảm như vùng mắt, da non...
4. Chữa bệnh với đu đủ:
Trong đu đủ có chứa rất nhiều loại enzim, ví như enzim papain rất tốt cho tiêu hoá, giúp tiêu hoá các thức ăn giàu protein một cách dễ dàng hơn. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh celiac (một loại bệnh mà không thể tiêu hoá protein trong lúa mì, hay gliandin) thì có thể ăn đu đủ xanh để chữa căn bệnh này.
Ở Ấn Độ, Srilanka và Malaysia, người ta dùng lá, hạt và quả đu đủ xanh để phá thai. Các công trình nghiên cứu cho thấy tác dụng phá thai có được là do chất nhựa papain, có nhiều trong quả xanh, lá, hạt đu đủ. Chất này khi vào cơ thể sẽ phá huỷ progesterol là một trợ thai tố. Quả đu đủ đã chín ít nhựa thì không còn tác dụng này nữa.
Ở Mỹ người ta đã chứng minh rằng quả đu đủ có thể chế biến thuốc để chữa bệnh lệch khớp xương hay có thể chế ra thuốc tiêm, có công dụng làm giảm đau do các dây thần kinh gây nên.
5. Một số chú ý:
- Không nên ăn hạt đu đủ bởi trong hạt đu đủ có chứa chất độc gọi là carpine. Với một số lượng lớn carpine sẽ làm bạn bị rối loạn mạch đập và làm suy nhược hệ thống thần kinh.
- Không ăn nhiều đu đủ chín hàng ngày trong thời gian dài vì sẽ khiến phần da lòng bàn tay, bàn chân bị vàng. Hiện tượng này hết sau một thời gian ngừng ăn.
- Loại quả này giàu đường nên cũng không dùng nhiều cho người đường huyết cao.
- Đu đủ chín có tính nhuận tràng, nên kiêng với những trường hợp đang đi ngoài hay đang uống các thuốc nhuận tẩy của Đông Tây y.
- Ăn đu đủ nên hạn chế dùng lạnh vì bản thân đu đủ có tính hàn.
II. Công dụng của đu đủ
1. Tác dụng bảo vệ tim mạch
Vì đu đủ có chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, E và A, các dưỡng chất này có tác dụng ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol, hạn chế các mảng tiểu cầu do quá trình oxy hóa cholesterol tạo ra bám vào thành mạch máu, gây tắc nghẽn mạch và làm máu không lưu thông được. Vitamin E và C của đu đủ kết hợp tạo ra hợp chất có thể ức chế quá trình oxy hóa.
Đu đủ còn là loại quả giàu chất xơ nên có tác dụng làm giảm mỡ máu (cholessterol), riêng acid folic có trong đu đủ có tác dụng làm chuyển hóa homocysteine thành acid amino cần thiết như cysteine hoặc methionine. Nếu không được chuyển hóa thì homocysteine có thể gây phá hủy trực tiếp các mạch máu, thậm chí nếu cao, có thể gây bệnh đau tim hoặc đột quỵ.
2. Tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa
Chất xơ có trong đu đủ có thể "thu gom" các độc tố gây bệnh trong kết tràng và bảo vệ tế bào khỏe mạnh trước nguy cơ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, trong đu đủ còn có chứa các dưỡng chất như: có tác dụng giảm thiểu bệnh ung thư kết tràng. Vì vậy, tăng cường ăn đu đủ cũng là biện pháp phòng ngừa ung thư kết tràng rất tốt cho mọi người.
3. Thuốc chống viêm nhiễm
Trong đu đủ có chứa 2 hợp chất có tác dụng làm giảm quá trình viêm nhiễm và làm lành các chấn thương. Ngoài ra, đu đủ còn có chứa nhiều vitamin C, E và betacarotene nên có tác dụng phòng ngừa viêm nhiễm ở mức cao nhất, bởi vậy những người bị bệnh hen suyễn, thấp khớp thường được bác sĩ kê đơn cho dùng các dưỡng chất nói trên.
4.Tăng cường sức đề kháng
Vitamin C và A do đu đủ cung cấp cho cơ thể sẽ giúp hệ miễn dịch làm việc tốt hơn, nhất là nguy cơ phòng chống các loại bệnh thường xuất hiện khi giao mùa như: cảm, cúm, viêm tai...
5. Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp
Vitamin C có trong thực phẩm, đặc biệt là trong đu đủ lại có tác dụng bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc bệnh polyarthiritis, một dạng bệnh viêm khớp dạng thấp.
6. Tăng cường chức năng phổi
Những người nghiện hút thuốc lá hoặc phải sống trong môi trường có khói thuốc (hút thuốc thụ động) thì nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, trong đó có đu đủ.
III. Sự kỳ diệu từ lá đu đủ
Chất chiết xuất từ lá đu đủ cũng như trà được làm từ lá đu đủ có thể giúp chống khối u. đu đủ có tác dụng chống các khối u cổ tử cung, vú, gan, phổi và tuyến tụy. Chất chiết xuất từ lá đu đủ giúp kích thích sản sinh các phân tử giúp điều hòa hệ miễn dịch.Ngoài ra, chiết xuất từ lá đu đủ không gây tác dụng phụ cho các tế bào bình thường.
IV. Hoa đu đủ đực có thể chữa ho
Hoa đu đủ đực là một vị thuốc được dùng phổ biến để chữa ho. Khi dùng, hái hoa mới nở ngay tại nay, thường dùng tươi.
1. Chữa ho viêm họng:
- Hoa đu đủ đực 15 g, xạ can 10 gr, củ mạch môn 10 g, lá húng chanh 10 g.
- Tất cả cho vào một bát nhỏ, thêm ít muối, hấp cơm rồi nghiền nát.
- Ngày ngậm 2 - 3 lần, nuốt nước dần dần, dùng 3 - 5 ngày.
2. Chữa ho kèm theo mất tiếng:
Hoa đu đủ đực 15 g, lá hẹ 15 g, hạt chanh 10 g, nước 20 ml.
Các dược liệu để tươi, nghiền nát với nước. Thêm ít mật ong hoặc đường kính, uống làm ba lần trong ngày.
Dùng 2 - 3 ngày.
3. Ho gà
- Hoa đu đủ đực 20 g (sao vàng)
- Vỏ quýt lâu năm 20 g
- Vỏ rễ dâu 20 g (tẩm mật sao lên)
- Củ bách bộ 12 g
- Phèn phi 12 g.
Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 3 lần.
Trẻ em 1 - 5 tuổi mỗi lần uống 1 - 4 g; trẻ 6 - 10 tuổi mỗi lần uống 5 - 8 g.
Related news
Để hạn chế bớt chiều cao cây đu đủ nhiều nhà vườn ở các nước như Thái Lan, Malaisia, Đài Loan... có kinh nghiệm trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật như uốn cong cây, ghép đu đủ nhằm giảm chiều cao cây tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hái.
Rệp sáp hại đu đủ là loài gây hại phổ biến và đáng kể trên cây đu đủ. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm như hiện nay, khá phù hợp cho loài rệp sáp gây hại
Nên chọn các giống đu đủ lai F1 (Hồng Phi, Trạng Nguyên của Đài Loan) sẽ cho năng suất cao, quả đồng đều, chất lượng tốt. Đu đủ gồm nhiều giống, mỗi giống đều có 3 loại cây: Đực, cái, lưỡng tính do đó khi trồng vườn lớn nên trồng thêm một số cây đực theo tỷ lệ từ 1/25-1/30 để tăng cường sự thụ phấn chéo, cây sẽ sai hơn, quả sẽ to hơn cây tự thụ phấn
Đào mương rộng để có đủ đất đắp lên luống cao cách mực nước ngầm cao nhất khoảng 60-70cm, thiết kế mặt luống hình mai rùa, xây dựng hệ thống thoát nước, không để nước đọng trong vườn khi có mưa lớn và kéo dài
Sau nhiều năm tìm tòi, anh Nguyễn Văn Huỳnh (thôn Phước Điền, Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) đã thực nghiệm thành công phương pháp trồng nghiêng cây đu đủ cho năng suất cao. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh Huỳnh được coi là người có nhiều kinh nghiệm làm vườn. Anh đã trồng rất nhiều loại cây ăn quả như xoài, mít, chuối, đu đủ và đều đạt hiệu quả tốt.