Cơn lốc nhập bò ngoại không lo sợ, nhưng...
Ông Hoàng Thanh Vân bên con bò giống triệu đô không bán
Giống và khác
Chuyện nuôi bò ở Úc khác ta những gì, thưa ông?
- Bò Úc với bò ngon ở Việt Nam chẳng chênh lệch nhau bao nhiêu. Đối với bò ta đã lai tạo tốt, mang từ 50-75% máu bò Zebu (nhóm giống bò có u) trở lên thì khối lượng so với bò Úc không chênh nhau đáng kể (Úc thường giết thịt ở tầm 4 - 4,5 tạ/con).
Cái khác thứ nhất là của ta tỷ lệ bò lai ở các vùng rất không đều nên khi đưa vào vỗ béo đương nhiên tốc độ lớn, chất lượng thịt cũng khác nhau.
Thứ hai là bò Úc thuần chủng nên độ đồng đều về giống tốt và có công nghệ vỗ béo tốt. Từ lúc sinh ra đến 3 - 3,5 tạ bò được nuôi thả tự do trên đồng cỏ đến khi chuẩn bị giết thịt mới có doanh nghiệp đi gom, nuôi vỗ béo chừng 2 tháng bằng một công thức riêng nhằm tạo thớ thịt ngon.
Thậm chí họ điều chỉnh thức ăn thế nào đó để mỡ dắt giữa thịt cho hợp lý.
Ở Úc họ giết thịt với quy mô công nghiệp. Tôi đi thăm một nhà máy giết mổ thịt 700 con/ngày mà ông chủ đó có tới ba cái nhà máy như vậy.
Ở ta, chuyện vỗ béo (trừ lượng bò nhập khẩu) còn chăn nuôi trong nông hộ mỗi người vỗ béo một kiểu khác nhau dù cũng đã có khuyến cáo, có công thức.
Có ngô thì cho ăn ngô, có thóc thì cho ăn thóc, có sắn thì cho ăn sắn vì số lượng bò ít. Con nào vỗ béo đúng kỹ thuật (rơm, cỏ tươi, rỉ mật ure, khoáng, tinh bột…) thì thịt bò ngon không kém gì bò Úc.
Cái khác thứ ba là tuổi giết thịt. Ở Úc, bò giết thịt rất đồng đều. Thường bò từ 18-24 tháng là thịt ngon nhất, mềm mại nhất. Ở ta mỗi lò mổ giết theo tuổi khác nhau, thậm chí theo khẩu vị, nơi thích bò già, nơi thích bò non.
Có nơi thấy bò béo lên, có mông vai là thịt chẳng cần biết bao nhiêu tháng tuổi. Thế nên thịt bò bán trên thị trường rất khác nhau.
Cái khác thứ tư là ở ta dùng thịt tươi còn ở Úc sau khi giết thịt họ đưa vào phòng lạnh 5-8 độ C trong khoảng 24h để tạo điều kiện giải phóng hết những axit trong thớ thịt, giúp cho thịt ngon, chất lượng tốt nhất.
Khác biệt quan trọng nhất theo tôi là tất cả bò thịt, bò giống hay bất cứ loại bò gì của Úc đều có truy xuất nguồn gốc hết sức rõ ràng. Mỗi con bò được đeo hai thẻ tai, một ghi giống, một ghi tên tuổi, thời gian, doanh nghiệp, trang trại nuôi. Khi giết mổ vẫn kèm theo thẻ tai đó.
Có thể truy xuất bất cứ miếng thịt của con vật nào, trang trại nào, giống gì, bao tháng trong cả nước Úc… Cái này Việt Nam chưa làm được.
Ông có thấy lo sợ cho con bò Việt Nam không khi ta không có lợi thế về đồng cỏ, về giống, về cách nuôi?
- Không có gì đáng lo ngại cả. Như Hàn Quốc điều kiện tự nhiên kém xa Việt Nam nhưng vẫn có ngành chăn nuôi bò thịt hết sức phát triển.
Họ nhập cả những sản phẩm từ các nước xa xôi về để chăn nuôi bò thịt và vẫn bán được thịt trên nước họ. Không cớ gì Việt Nam không làm được.
Vì vậy cần rà soát lại tất cả những khâu mà ta còn yếu để đưa ra những giải pháp. Nhà nước chỉ tác động một phần nhỏ còn cái chính là phải doanh nghiệp bởi việc kinh doanh sản phẩm thịt đều phải lấy thị trường làm trung tâm.
Doanh nghiệp chấp nhận được thì mở rộng quy mô mà đã nuôi phải như người ta, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc truy xuất khó hay dễ? Thực ra nếu nói về chuỗi chăn nuôi khép kín thì không có gì khó cả.
Cảnh chọn bò bên Úc
Với chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ có thể là khó, còn chăn nuôi theo hướng hàng hóa thì lại dễ dàng vì các doanh nghiệp quản lý ngay từ gốc các giống bò nhập về hoặc sản xuất ra.
Chiến lược nào?
Ông có thể nói đôi nét về chiến lược cho phát triển bò thịt, và đâu là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam?
- Trước đây khi xây dựng chiến lược phát triển bò thịt, ta căn cứ vào thị trường trong nước như tỷ lệ thị phần của thịt bò so với các loại thịt khác chỉ 6-7% nên nghĩ rằng còn khả năng mở rộng.
Bởi thế ta xây dựng chiến lược phải nhanh chóng cải tạo tầm vóc, thể trạng của đàn bò thông qua Zebu hóa từng bước để phục vụ cho nhu cầu thịt trong nước.
Thế nhưng nay hội nhập rồi, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT cũng đang giao cho Cục Chăn nuôi rà soát tái cơ cấu để định hình, định dạng cho việc phát triển đàn bò thịt đến cỡ nào là hợp lý.
Ta sẽ chấp nhận theo hai cách cạnh tranh một là nội địa hai là với một số doanh nghiệp có khả năng tài chính, quản lý thì cạnh tranh cả ở thị trường xuất khẩu nữa.
Với tư duy như vậy có thể chia làm ba nhóm. Thứ nhất là nhóm đầu đàn gồm các doanh nghiệp, trang trại lớn có sức đầu tư lớn thì định hướng nhanh chóng có bộ giống thuần chủng trên cơ sở tiếp nhận những giống mới của thế giới để ta có sản phẩm tương đồng mà cạnh tranh.
Nhóm thứ hai là các trang trại thì nên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và gắn với doanh nghiệp để bán sản phẩm.
Nhóm thứ ba là chăn nuôi nông hộ, chắc chắn còn tồn tại rất lâu để phục vụ cho mục đích cày kéo, giết thịt giải quyết tiêu thụ nội bộ.
Phải chăng ta chưa có chính sách cho con bò thịt?
- Đến giờ phút này tất cả chính sách cho chăn nuôi tương đối đồng bộ. Quyết định 50 của Thủ tướng có nêu rõ là người chăn nuôi nông hộ được hỗ trợ toàn bộ tinh dịch nếu ở vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ con đực giống. Tinh dịch loại gì, giống gì là do tỉnh đó quyết định.
Với doanh nghiệp lớn thì thực hiện theo cơ chế của Nghị định 210 là nếu nhập giống gốc được hỗ trợ 40% giá trị, được hỗ trợ hạ tầng, thiết bị...
Chính sách này áp dụng chung cho cả gà, lợn, bò. Bộ NN-PTNT đã ra Thông tư số 14 công bố danh mục các loại giống gốc cao sản được phép ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.
Rất nhiều doanh nghiệp đã nhập giống gà, giống lợn gốc về nhưng giống bò thịt thì chưa, kể các doanh nghiệp lớn đang nhập bò hiện nay. Hiện tại chúng ta đang rất khuyến khích việc nhập các giống gốc cao sản để nâng cao khả năng sản xuất tại Việt Nam.
Lý do có phải do giống quá đắt?
- Giống bò gốc bên Úc cực kỳ đắt, có những con lên tới 3,6 triệu USD nhưng không biết họ có bán ra ngoài nữa không. Một phôi giống tốt bên đó cũng đã 500 USD.
Việc thực hiện chậm chính sách hỗ trợ không phải do chính sách kém mà bởi các tỉnh chưa triển khai vì trong Nghị định 210 giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư công bố danh mục được ưu đãi đầu tư tại tỉnh.
Các đơn vị trong tỉnh phải nắm vào cái đó mà thực hiện chứ không thể lên tận Trung ương đề xuất hỗ trợ, phải thực hiện ngay từ cơ sở.
Xin cảm ơn ông!
Liệu bò thịt có cần cú hích nào mạnh bạo như bò sữa không?
Thực ra vấn đề vẫn là thị trường. Nếu không có Vinamilk, TH truemilk thì đàn bò sữa của Việt Nam chỉ loanh quanh 150.000 con (hiện tại trên 250.000 con).
Trong giai đoạn hiện nay, nuôi bò thịt đang có những khó khăn nhất định. Với giá thị trường chấp nhận xung quanh 70.000đ/kg hơi (nếu dưới đó là khó khăn) phải tính nuôi tại Việt Nam để giảm giá thành xuống mới có lợi nhuận. Nếu cứ nhập bò từ Úc về vỗ béo không cẩn thận là lỗ.
Ba quý trở lại đây, giá thịt bò ở Úc liên tục tăng vì nhu cầu xuất khẩu của họ lớn lắm. Việt Nam bảo nhập nhiều nhưng không chiếm nổi 1% sản lượng bò thịt của Ú c.
Related news
Lần đầu tiên thịt heo đạt chuẩn VietGAP có kênh tiêu thụ riêng, góp phần tạo ra phân khúc thịt an toàn VietGAP mà người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng nhiều nhờ bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Đó là kết quả của hơn 5 năm thực hiện Dự án Lifsap - nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Nuôi gà là nghề “xưa như trái đất”, nhưng để kiếm tới hơn nửa tỷ đồng nhờ triết lý cộng sinh trồng bèo hoa dâu và nuôi gà thì ít ai dám tin. Đó là câu chuyện của lão nông Nguyễn Chừ ở thôn Phong Niên, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh).
Với mục tiêu hạn chế ô nhiễm do chất thải từ chăn nuôi những năm qua, Quảng Ngãi đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi nhằm giúp người dân vừa tăng gia sản xuất, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Từ hiệu quả mô hình trồng mè trên đất trồng lúa kém hiệu quả ở thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh, ngày 9.10, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã phối hợp với Trạm KN huyện Vân Canh tổ chức Hội thảo nhân rộng mô hình thâm canh cây mè trên chân đất lúa chuyển đổi.
UBND tỉnh đã có văn bản trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, thống nhất cho sử dụng gần 2,5 tỉ đồng từ nguồn dự phòng chi ngân sách tỉnh để hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng cạn thực hiện chuyển đổi sản xuất trên đất lúa do hạn hán vụ Hè Thu năm 2015.