Cơ nghiệp sinh sôi theo đàn trâu sinh sản
Khấm khá nhờ vốn vay
Trong đợt rà soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016 – 2020, ông Đào Đức Hải (57 tuổi) ở thôn Hợp Thành không giấu nổi niềm vui khi biết gia đình mình nằm ngoài danh sách hộ nghèo của xã. Ông Hải cho biết, trước năm 2014, gia đình ông Hải thuộc diện hộ nghèo, quanh năm bám víu đồng ruộng song vẫn chật vật, không đủ tiền nuôi 3 con ăn học. May mắn đã đến với gia đình ông Hải và 19 hộ nghèo, cận nghèo khác trong xã khi được chọn là hội viên tiên phong trên địa bàn triển khai mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ.
“Tháng 7.2014, nhận được số vốn vay 30 triệu đồng/hộ, thời hạn hoàn trả trong vòng 3 năm, chúng tôi mừng lắm liền đầu tư nuôi trâu sinh sản. Đến nay, chưa hết 2/3 thời gian hoàn vốn gốc nhưng gia đình đã thu về 22 triệu đồng nhờ việc bán 1 con trâu và thêm lãi 1 con nghé ngay sau đó. Cứ đà này, tôi tin chắc gia đình không chỉ hoàn trả vốn vay Quỹ HTND đúng hạn mà còn có của ăn của để…” – ông Hải khoe.
" Tham gia dự án nuôi trâu sinh sản, các hộ nông dân xã Núi Ngam đã biết liên kết chặt chẽ, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệp giúp đỡ nhau. Bà con bảo nhau “bọc lót” chăm chút đàn trâu kỹ lưỡng trước tình hình thời tiết thất thường…”.
Ông Trần Văn Hoài – Chủ tịch Hội ND xã Núi Ngam
Cũng thuộc diện hộ nghèo nhờ có đồng vốn nuôi trâu sinh sản “cứu cánh”, gia đình ông Nguyễn Văn Viên (59 tuổi) không phải lo sức kéo trong sản xuất nông nghiệp như trước nữa.
Ông Viên chia sẻ: “Việc đầu tư nuôi trâu sinh sản thuận lợi và cho thu lãi hơn so với việc chăn nuôi lợn, gà. Thức ăn của trâu đơn giản là cỏ, thân, lá ngô, hoặc cho ăn thêm sắn có sẵn trong gia đình. Trong khi đến mùa vụ nhờ con trâu cày kéo mà cả nhà nhàn nhã đi bội lần”.
Động lực nhân rộng mô hình
Ông Trần Văn Hoài – Chủ tịch Hội ND xã Núi Ngam, người theo dõi chặt chẽ việc cho vay Quỹ HTND thực hiện dự án nuôi trâu sinh sản cho biết, với 600 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND cho vay, 20 hộ dân xã Núi Ngam đã có tiền mua được 30 con trâu mẹ, kèm 4 con nghé con đi theo. Hiện, các hộ đã bán đi 11 con trâu non, tính ra số tiền lãi lên đến 200 triệu đồng. Tổng số trâu còn lại là 31 con duy trì tại 20 hộ ban đầu.
“Thời gian đầu nghe nói về chương trình vay vốn Quỹ HTND nuôi trâu sinh sản, nhiều người còn e dè, thậm chí tỏ ra lo lắng vì chưa biết cách chăm chút cho trâu. Tuy nhiên, khi được cán bộ thú y xã, huyện đến tập huấn kỹ thuật, quan tâm, động viên thường xuyên nên giờ nói đến chăn nuôi trâu sinh sản ai nấy đều rành rọt. Những hộ này sẽ là chỗ dựa vững chắc về kinh nghiệm cho những hộ mới chập chững nuôi trâu”- ông Hoài chia sẻ.
Ông Lường Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã Núi Ngam cho biết, Núi Ngam là vùng trọng điểm của huyện Điện Biên trong việc trồng trọt cây lương thực. Đồng thời, xã có địa hình thuận lợi để chăn nuôi trâu, bò. “Hình thức chăn nuôi theo nhóm hộ (từ 4- 5 hộ thành 1 nhóm) tạo cơ hội tốt để các hộ trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, tương trợ lẫn nhau. Hình thức này cũng rất phù hợp với phong tục tập quán của bà con dân tộc miền núi. Tôi tin rằng, sau một vài năm tới khi trở lại Núi Ngam sẽ nhận thấy sự đổi khác rõ rệt, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ tiến tới chăn nuôi quy mô nhằm nâng cao đời sống cho bà con hơn nữa…” – ông Sơn tự hào nói.
Related news
Thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất mía, nhiều nông hộ trồng mía ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) còn áp dụng kỹ thuật trồng mía lưu gốc, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác.
Việt Nam hiện nằm trong top đầu xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc. Nhiều mặt hàng rau củ quả nhiệt đới của Việt Nam có lợi thế tại thị trường này.
Từ một hộ gia đình khó khăn, nhờ mạnh dạn chuyển sang nuôi vịt trời đặc sản, đến nay gia đình ông Phan Văn Miền ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã trở thành tỷ phú.