Có nên tiêm thuốc trị bệnh cây có múi?
Bệnh vàng lá gân xanh (VLGX), bệnh vàng lá – thối rễ và bệnh “vàng đầu” là 3 loại bệnh phổ biến gây ra triệu chứng vàng lá trên cây có múi ở ĐBSCL. Cây bị nhiễm các bệnh kể trên cùng lúc coi như bị bệnh “nan y”, vô phương cứu chữa.
Múi cam có tiêm kháng sinh và không tiêm kháng sinh
Tuy nhiên, với tâm lý “còn nước, còn tát”, từ năm 2014, một số nhà vườn tại Hậu Giang sử dụng biện pháp tiêm chích để điều trị các loại bệnh trên. Sau đó biện pháp tiêm chích lan rộng sang các vùng trồng cây có múi khác ở các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp...
Trên thực tế, có nhiều nhà vườn áp dụng biện pháp tiêm chích thuốc cho cây có múi thì cây phục hồi, tiếp tục cho thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn khác tiêm chích để trị bệnh cho cây có múi bị thất bại, “tiền mất, vườn tan hoang”.
Đặc điểm chung của 3 loại bệnh nan y
Bệnh VLGX trên cây có múi do vi khuẩn Candidatus Liberobacter asiaticum gây ra và được rầy chổng cánh Diaphorina citri lây truyền. Bệnh vàng lá gân xanh có nhiều tên gọi khác nhau như bệnh greening (cách gọi theo tiếng Anh), Huanglongbing theo cách gọi từ Trung Quốc (tức hoàng long bệnh = bệnh rồng vàng), nhà vườn ở ĐBSCL gọi một cách dân dã là bệnh vàng bạc.
Triệu chứng điển hình của bệnh trên mặt đất là phiến lá bị vàng nhưng gân vẫn xanh, lá nhỏ lại, mọc thành chùm thẳng đứng (lá tai thỏ); trái nhỏ hơn bình thường, méo, khi bổ dọc thì tâm của trái bị lệch hẳn sang một bên.
Tuy nhiên, trước khi gây ra các triệu chứng bệnh phía trên mặt đất vi khuẩn này đã di chuyển đến rễ, tại đó chúng nhân mật số, làm hư hại từ 30 - 50% hệ thống rễ tơ và rễ nhánh của cây. Hệ thống rễ bị thiệt hại khiến cây bị thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng, suy yếu dần rồi chết.
Trong khi đó, bệnh vàng lá – thối rễ do nhiều loại nấm từ đất xâm nhập vào rễ gây ra như Phytophthora, Fusarium… Triệu chứng tiêu biểu là phiến lá màu vàng cam và gân lá bị vàng, rễ non và cả rễ lớn thối nâu, cành lá không được cung cấp dinh dưỡng dẫn đến nên chuyển sang màu vàng. Khi bị nhiễm bệnh vàng lá – thối rễ, cây bị suy yếu, đề kháng kém; bệnh nặng cây rụng lá và chết nhanh.
Theo PGS.TS Trần Kim Tính, hiện tượng “vàng đầu” trên cây có múi có nguyên nhân từ hệ thống rễ bị thiệt hại do oi nước, hoặc rễ kém phát triển do đất bị nén dẽ hoặc đất bị chua. Hệ thống rễ bị hư hại hoặc kém phát triển khiến cây không hấp thu đủ dinh dưỡng từ đất gây ra triệu chứng vàng lá ở chóp cây (nơi xa hệ thống rễ nhất) . Rễ bị hư thối còn là cửa ngõ để các loại nấm xâm nhập vào rễ, bội nhiễm và gây ra bệnh vàng lá – thối rễ.
Như vậy, cả ba loại bệnh trên đều có điểm chung là khi bị nhiễm bệnh thì hệ thống rễ bị thiệt hại, cây không lấy đủ dinh dưỡng từ đất và đây là căn nguyên gây ra triệu chứng vàng lá trên cây có múi. Nếu được cung cấp dinh dưỡng cân đối, đầy đủ, kịp thời qua phun trên lá hoặc trực tiếp tiêm vào mạch gỗ thì cây sẽ phục hồi, lá xanh trở lại. Nhà vườn đã chọn giải pháp cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng giải pháp tiêm chích, đồng thời phối trộn thêm chất kích thích tăng trưởng, nông dược, kháng sinh để trị bệnh cho cây.
Trên thực tế, trên cùng một cây có múi (đặc biệt là cam sành và bưởi da xanh) có thể nhiễm cùng lúc nhiều loại bệnh kể trên. Trên cùng một cây, vừa có triệu chứng vàng gân xanh do vi khuẩn gây bệnh VLGX gây ra, vừa có hiện tượng lá bị vàng do bệnh vàng lá thối rễ tấn công.
Thành phần của toa thuốc chích cây và hiệu quả điều trị
“Toa căn bản” thuốc chích cây gồm chất kích thích tăng trưởng; phân bón lá đa, trung, vi lượng - nhất thiết phải chứa các nguyên tố kẽm (Zn) ma-giê (Mg), man-gan (Mn). Tùy tình hình cây nhiễm một hay nhiều bệnh, toa sẽ được bổ sung thêm thuốc trừ bệnh cây, thuốc kháng sinh.
Thông thường, khi không đến được tận vườn để “chẩn bệnh”, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sẽ cho toa “đánh bao vây” gồm đầy đủ chất kích thích tăng trưởng; phân bón lá trung, vi lượng; thuốc trừ bệnh cây và thuốc kháng sinh.
Theo nhà vườn Lê Văn Hùng (xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng ), với toa thuốc điều trị bằng tiêm chích như trên đã cung cấp dinh dưỡng cho cây gồm kẽm, ma-giê, man-gan và các nguyên tố đa, trung vi lượng khác một cách nhanh chóng và trực tiếp, giúp cho cây mới nhiễm bệnh (bệnh nhẹ đến trung bình) ra cơi đọt mới có lá không còn bị vàng, kích thước lá bình thường như cây khỏe; cây ra một số rễ mới.
Cây có thể ra bông, kết trái bình thường thêm 2 - 3 vụ (thậm chí lâu hơn) nếu sau đó được bón đầy đủ phân bón qua rễ (nhất là phân Humic đậm đặc để giúp bộ rễ phục hồi tốt).
Tuy nhiên, nhà vườn Huỳnh Thanh Lễ (xã Ba Trinh, huyện Kế Sách) cho biết, đối với cây nhiễm bệnh nặng, cây đã suy kiệt thì việc tiêm chích với toa thuốc “đánh bao vây” sẽ làm cây chết nhanh hơn.
Related news
ông Võ Văn Tràng chuyển 5.000 m2 đất trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Nhờ vậy, gia đình ông có thu nhập ổn định
Dưới chân núi Hòn Giang (thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ, TX.An Nhơn, Bình Định), có một trang trại tổng hợp đang “ăn nên, làm ra” của ông Lê Thanh Hải (60 tuổi).
Sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược để thay thế kháng sinh trong chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gà nói riêng là giải pháp kỹ thuật nhằm kích thích