Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp Ở Phú Ninh
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Phú Ninh có sự phát triển mang tính đột phá với việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.
Giải phóng sức lao động
Xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; thực hiện dồn điền đổi thửa; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng…
Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh - Trần Ngọc Bằng cho biết, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, xây dựng cánh đồng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa, huyện đã tập trung chỉ đạo 11 xã, thị trấn tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc vào mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Từ năm 2012 đến nay tại 9 xã trên địa bàn huyện, nhân dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) mua sắm 269 máy cày các loại với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ theo cơ chế 33 của tỉnh là 2,99 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hộ dân, các HTX, tổ hợp tác mua sắm 90 máy cày có công suất 18CV trở lên 38 máy gặt đập liên hợp, 44 máy gặt xếp hàng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân và chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương.
Riêng xã Tam Phước có 41 máy các loại để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cũng theo ông Bằng, trước đây thời gian thu hoạch lúa một vụ phải gần một tháng mới xong, nay được đầu tư cơ giới hóa, một vụ lúa nhân dân trong huyện hoàn thành việc thu hoạch 15 ngày và quay sang làm đất để tiếp tục vụ mùa mới, thời gian rỗi người dân làm hoa màu phụ và chăn nuôi gà thả vườn…
Tăng năng suất
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Bá Dự cho biết, đến nay Phú Ninh đã dồn điền đổi thửa được 2.450ha. Mỗi năm có 900ha sản xuất lúa hàng hóa cung cấp các công ty giống Quảng Bình, Thái Bình. Trong vụ đông xuân 2013-2014, Phú Ninh đã tổ chức triển khai xây dựng cánh đồng mẫu ở các xã (Tam Thành, Tam An, Tam Phước, Tam Vinh, Tam Dân,...) với diện tích trên 480ha.
Trong đó, có 12 cánh đồng mẫu (tăng 5 cánh đồng so với vụ đông xuân trước) có liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa với diện tích 328ha; 16 mô hình sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật với diện tích 152ha, năng suất bình quân đạt 63 - 65 tạ/ha, có nơi lên đến trên 70 tạ/ha, tại Tam An, Tam Thành...
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Bá Dự, bên cạnh việc đầu tư được 62% cơ giới hóa vào sản xuất, Phú Ninh còn lồng ghép các chương trình nông thôn mới, gắn với kiên cố hóa kênh mương, phấn đấu năm 2014 hoàn thành 40km giao thông nội đồng.
Nông dân Võ Duy Trịnh ở thôn Tân Vinh, xã Tam Vinh cho hay, từ khi có máy cày, máy gặt đập liên hợp đã giải phóng rất nhiều sức lao động cho nông dân.
Ông Lê Minh Đức - Chủ nhiệm HTX Tam Thành 2 cho biết, HTX có 150/200ha sản xuất lúa giống tại các cánh đồng mẫu lớn. Áp dụng cơ giới hóa còn giúp tiết kiệm được nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động, nên lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công, bán thủ công từ 5 đến 6 triệu đồng/ha/vụ.
“Cuộc sống người nông dân đã được đổi thay nhiều từ khi có đề án phát triển HTX và tổ hợp tác. Từ khi sản xuất lúa giống cho HTX, nhiều gia đình đã tăng thu nhập và có tích lũy để chăm lo học tập, mua nhiều dụng cụ phục vụ cho sản xuất, trang thiết bị cho gia đình” - ông Đức cho hay.
Related news
Trước khi đến với nghề nuôi thỏ, ông Nguyễn Hồng Phú, ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn (Bình Định) từng lăn lộn với nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Khi được giới thiệu mô hình nuôi thỏ, ông đã bỏ công sức tìm hiểu thị trường, nghiên cứu kỹ thuật nuôi và quyết định làm giàu từ thỏ.
Theo phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), đến nay, toàn huyện có 142 lán trại trồng nấm tại 24 xã với tổng diện tích 21.150 m2. Năm nay, huyện tiếp tục sản xuất các loại nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ cung cấp ra thị trường. 9 tháng qua, sản lượng thu hoạch nấm tươi của toàn huyện đạt 153 tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ - Bình Định), cho biết: Do thiếu nước tưới, vụ bắp vừa qua nông dân Mỹ Thọ chỉ trồng 79 ha bắp xen với cây hành, giảm 31 ha so cùng vụ năm ngoái. Tuy thời tiết nắng nóng kéo dài, gây khó khăn cho sản xuất, nhưng diện tích nào đã trồng thì bà con nông dân vẫn kéo điện ra đồng khai thác mạch nước ngầm để tưới, nên năng suất bắp đạt khá cao.
Những ngày qua, 14 hộ nông dân ở ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây đang “khóc dở” vì đã trồng giống ớt mới có tên là Hồng Hạc 2 của Công ty TNHH Giống cây trồng Long Hoàng Gia, địa chỉ 922/8 Cách mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây, số lượng tàu thuyền làm nghề khai thác ở vùng biển xa bờ của Bình Thuận đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, dịch vụ hậu cần trên biển cho ngư dân (tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thu mua hải sản) vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của những chuyến đánh bắt cũng như ngành thủy sản của địa phương.