Home / Tin tức / Tin thủy sản

Cò cá bắt tay thương lái Trung Quốc lùng sục mua cá tra non

Cò cá bắt tay thương lái Trung Quốc lùng sục mua cá tra non
Author: Thuận Hải
Publish date: Saturday. November 12th, 2016

Diện tích, sản lượng cá tra sụt giảm trong 10 tháng đầu năm dẫn tới thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Đã xuất hiện tình trạng “cò cá” bắt tay với thương lái Trung Quốc lùng sục mua cả cá tra “non” để xuất khẩu. Thế nhưng, cũng có tình trạng, tại một số vùng nguyên liệu, “cò cá” tung giá rồi bỏ đi biền biệt khiến nông dân mỏi mắt chờ...

Nơi nhộn nhịp, nơi mỏi mắt trông

Suốt tháng 10 vừa qua là những ngày phấn khởi của bà con nuôi cá tra ở ĐBSCL. Giá cá tăng từ 18.500 đồng/kg lên 22.500 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Nhưng từ đầu tháng 11 đến nay, giá cá dù vẫn “đứng” ở mức cao nhưng nhiều vùng nuôi lại vắng bóng thương lái.

 

Trong ảnh: Cá tra đang đứng ở giá cao nhưng nông dân vẫn rất khó bán được hàng. Ảnh: T.H

Nhiều loại cá nuôi đồng loạt giảm giá

Khác với cá tra, bà con nuôi một số loại cá khác ở ĐBSCL đang dở khóc dở cười khi giá tụt giảm mạnh. Tại An Giang, giá thu mua cá lóc chỉ còn 22.000 đồng/kg, trong khi giá thành xấp xỉ 30.000 đồng/kg, giá cá nàng hai giảm từ 70.000 đồng/kg hồi năm ngoái xuống còn 28.000 – 30.000 đồng/kg trong khi giá thành cũng xấp xỉ 38.000 – 40.000 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú (An Giang), buồn bã kể, đầu tháng 9 vừa qua mấy hầm cá của gia đình tới ngày xuất bán. Đợi mãi giá cá không nhích lên được, ông đành đồng ý bán với giá 18.000 đồng/kg, chấp nhận lỗ vì dưới giá thành.

Nhưng chỉ chưa đầy 2 tuần sau, giá cá vọt lên đến 20.000 đồng/kg, rồi 21.000 đồng/kg khiến cả vùng An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đều nhộn nhịp, xôn xao chuyện giá cá. Đến cuối tháng 10, có thời điểm giá cá tra nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu lên đến 22.000 – 22.500 đồng/kg. Thương lái lùng sục đi hỏi mua cá khắp nơi. Nhiều hộ nuôi lên kế hoạch bán cá.

Rồi 10 ngày trở lại đây, vùng Châu Phú bặt tăm bóng dáng người mua cá. Ông Nguyên còn vài hầm cá sắp tới ngày thu hoạch nhưng từ sáng tới chiều, ngóng hoài không thấy ai tới hỏi mua. Ông Nguyên vừa lo giá sẽ quay đầu giảm, vừa lo cá sẽ quá lứa mà không bán được, lỗ chồng lỗ.

Cách nhà ông Nguyên vài căn, nhà ông Chín Chẩn cũng đang “khóc đứng khóc ngồi” vì cả trăm tấn cá tra đã quá lứa mà không kiếm được người mua. Thông thường, cá đạt 0,8 – 0,9kg/con thì đã xuất bán, thế nhưng cá nhà ông có hầm đã đạt xấp xỉ 4kg/con.

Trong khi đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp tại Cần Thơ, nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến xuất khẩu lại đang thiếu trầm trọng. Hiện tại, đã có một số doanh nghiệp nhỏ lẻ bắt tay với thương lái Trung Quốc tìm kiếm và thu mua cá tra cỡ nhỏ từ 0,3 – 0,4kg/con.

Tại Tiền Giang, tình trạng trên cũng manh nha khi một số nhà máy chế biến nhỏ lẻ liên doanh với Trung Quốc bán cá loại 0,7kg/con với số lượng lớn khiến nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu bị hụt mạnh.

Thiếu nguyên liệu đến quý I năm sau?

Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn cá tra hiện đã cạn, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đến hết quý I năm sau.

Báo cáo của Bộ NNPTNT, 9 tháng đầu năm 2016, tổng diện tích nuôi cá tra đạt trên 5.100ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thu hoạch tăng khoảng 2,5%. Trong khi đó, số lượng cá giống nuôi ước đạt gần 1,4 tỷ con, giảm đến 11% so với cùng kỳ năm 2015.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, đến hết tháng 9.2016, tổng sản lượng cá tra thu hoạch của vùng ĐBSCL đạt 860.900 tấn. Như vậy, theo cân đối, những tháng cuối năm 2016, vùng ĐBSCL chỉ còn chưa đầy 300.000 tấn cá nguyên liệu. VASEP cho rằng, với số lượng này, nguyên liệu cá tra cho chế biến xuất khẩu có thể thiếu hụt cho đến hết quý I.2017

Ông Trần Toại - thương lái thu mua cá tại Tiền Giang cho biết, nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc dịp cuối năm đang tăng cao nên cần nhiều nguyên liệu cho chế biến. Thế nhưng, nguồn cá trong dân không còn nhiều, phải “lùng sục” khắp nơi thì mới mua được cá như đặt hàng của doanh nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, suốt một thời gian dài việc nuôi cá rất bấp bênh nên rất nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá lóc, cá điêu hồng, cá nàng hai… Các cơ sở sản xuất cá tra giống cũng teo tóp dần. Hiện vùng An Giang, Đồng Tháp, giá cá giống đã tăng 7.000 – 9.000 đồng so với thời điểm 3 tháng trước đó nhưng lượng cá giống ước hụt từ 15 - 20%. Nhiều hộ muốn thả nuôi mới cũng không tìm mua được cá giống đủ chất lượng.

Lý giải tình trạng loạn thiếu hụt nguyên liệu và một số thương nhân lùng sục mua cá cỡ nhỏ để xuất khẩu sang Trung Quốc, VASEP cho rằng, từ quý III năm nay, nhu cầu mua cá tra Việt Nam của thị trường Trung Quốc tăng mạnh. VASEP dự báo, trong quý IV và quý I.2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng thêm từ 15-30% so với cùng kỳ năm 2016.


Related news

Tạo chuỗi giá trị cho thủy sản mới cách tân được sản xuất Tạo chuỗi giá trị cho thủy sản mới cách tân được sản xuất

Phân tích từ cả 3 góc độ: Ngành sản xuất, tổ chức tín dụng và chính sách quản lý, nhiều ý kiến đồng tình phải tổ chức chuỗi giá trị để phát triển ngành thủy sản

Wednesday. November 9th, 2016
Kiểm soát chặt thủy sản xuất khẩu Kiểm soát chặt thủy sản xuất khẩu

Việc kiểm soát chất lượng thủy sản không chỉ nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu mà trước hết là bảo đảm an toàn thực phẩm

Wednesday. November 9th, 2016
“Đại tang” tôm hùm: Cay đắng trắng tay, ôm nợ “Đại tang” tôm hùm: Cay đắng trắng tay, ôm nợ

Sau lũ, tôm hùm chết la liệt, những đợt sóng ven đầm Cù Mông (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) vỗ vào đầu bờ cuốn theo đầu tôm trôi nổi.

Friday. November 11th, 2016