Có 1.081 loài hải sản trên vùng biển Việt Nam
Trong số 1.081 loài hải sản được phát hiện, có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá ngừ vằn, cá sòng Nhật, cá ngân, mực đại dương, cá bánh đường, cá đù đầu to, cá hố, cá úc…
Đó là kết quả điều tra nguồn lợi hải sản được các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) thực hiện trong phạm vi toàn vùng biển Việt Nam. Kết quả này được báo cáo tại Hội nghị Báo cáo kết quả điều tra nguồn lợi hải sản và định hướng về khai thác hải sản trên các vùng biển Việt Nam, tổ chức sáng nay (27.10) tại Hà Nội.
Cá ngừ là một trong những loài hải sản có giá trị cao trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: Zing
Theo kết quả điều tra, trên toàn vùng biển đã bắt gặp tổng số 1.081 loài hải sản, gồm 881 loài cá; 115 loài giáp xác; 41 loài động vật chân đầu và 44 loài thuộc nhóm khác.
Các loài có giá trị kinh tế cao ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ bao gồm cá nục sồ, cá sòng Nhật, cá ngân, mực ống, cá bánh đường, cá mối thường, cá mối vạch; vùng biển Trung Bộ và Giữa Biển Đông có cá nục sồ, cá hố, cá úc, cá bánh đường, cá mối thường, cá mối vạch, cá ngừ vằn, cá vền, cá ngừ chù, cá ngừ ồ, cá ngừ chấm, cá ngừ phương đông, cá ngừ bò, cá thu ngàng, cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá nục heo và mực đại dương; vùng biển Đông Nam Bộ có cá mối hoa, cá mối thường, cá mối vạch, cá trác ngắn, cá phèn khoai, cá nục sồ, mực ống, mực nang, cá ngát, cá sạo, cá lượng và cá bạc má; Tây Nam Bộ gồm có cá bạc má, cá ba thú, cá nục sồ, cá cơm, cá đù đầu to, cá phèn khoai, mực nang, mực ống, tôm đất, cá sòng gió và mực lá.
Với giới hạn về phạm vi điều tra trữ lượng trung bình các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu gồm cá, tôm, cua, ghẹ, mực, bạch tuộc trên toàn vùng biển được điều tra ước tính khoảng 4,36 triệu tấn (dao động trong khoảng 4,1- 4,6 triệu tấn). Trữ lượng ở vùng ven bờ và vùng lộng là 1.368 ngàn tấn, vùng khơi là 2.996 ngàn tấn.
Đánh giá cao kết quả điều tra, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám khẳng định: “Căn cứ trên kết quả điều tra nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011-2015, các định hướng khai thác hải sản trên các vùng biển và các giải pháp bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản đã được đề xuất nhằm quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lợi hải sản một cách hợp lý và bền vững, phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản và hướng tới hội nhập khu vực biển Đông Á trong khuôn khổ Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á”.
Related news
Nhiều hộ nông dân xã Minh Quân đã chuyển đổi hiệu quả một phần diện tích ruộng trũng sang nuôi cá, cho thu nhập tăng gấp 4-5 lần so với trước.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao, máy vận hành xử lý nước... với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng/ha
Cơn lũ dữ đi qua các tỉnh miền Trung, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là bà con nông dân, những chủ trang trại. người nông dân rất cần sự hỗ trợ